• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một nét Cao Lan dưới chân núi Là

Thôn Động Sơn, xã Chân Sơn được huyện Yên Sơn lựa chọn đầu tư xây dựng Làng văn hóa dân tộc Cao Lan. Nơi đây đang hấp dẫn khách du lịch với nét văn hóa riêng có.

Thôn Động Sơn hấp dẫn khách du lịch với nét văn hóa riêng có.

Thôn Động Sơn ở xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn, nằm cách thành phố Tuyên Quang chừng 10 km. Ở đây có khoảng 140 hộ, phần lớn là đồng bào Cao Lan, sống quần tụ dưới chân núi Là. Bên cạnh có Hồ ngòi Là nguồn nước xanh mát chạy quanh. Trăm năm trước, tìm về chốn này định cư, người Cao Lan đã dựng những ngôi nhà sàn đầu tiên khi gặp sơn thủy bén duyên hữu tình.  Ở Động Sơn giờ đây vẫn giữ được những ngôi nhà sàn được xây dựng cách đây 40 đến 50 năm . Nhà sàn của người Cao Lan như linh hồn văn hóa của cả cộng đồng. Bà Hoàng Thị Hoa một người cao niên trong thôn chia sẻ, căn nhà sàn của bà là một trong những căn nhà dựng lâu nhất của thôn. Nhà được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp lá cọ, sàn gỗ, xung quanh có các ô cửa sổ gió lùa vào rất mát.

Ở Động Sơn ngoài hai vụ lúa, trồng rừng bà con còn dậy nhau đan lát, thêu thùa, giữ gìn nghề truyền thống phát triển kinh tế gia đình. Qua đôi bàn tay khéo léo, những nguyên liệu đơn giản như mây, nan giang, nan tre đã trở thành những vật dụng gia đình, đồ trang trí đẹp mắt.


Người dân Động Sơn giữ gìn trang phục truyền thống như một niềm tự hào dân tộc.

Người Cao Lan ở Động Sơn cũng luôn giữ gìn và mặc áo mặc trang phục truyền thống của mình như một niềm tự hào dân tộc. Con gái Cao Lan sắp đi lấy chồng đều có một bộ trang phục truyền thống để mang theo về nhà chồng. Chị Khổng Thị Thúy, thôn Động Sơn, chia sẻ: Hầu như trong gia đình ở đây, mỗi một người sẽ có 01 bộ quần áo truyền thống để mặc trong các dịp Lễ, Tết. Quần áo của người Cao Lan sẽ có những phụ kiện kèm theo đặc trưng như áo dài, chân váy, khăn vấn đội đầu, vòng bạc, dây xà tích, tuy không quá cầu kỳ nhưng tôn nên những nét đằm thắm, dịu dàng của người con gái Cao Lan

Ở làng Động Sơn tổ chức hội đình vào hai dịp chính trong năm: ngày 2/2 và 2/6 âm lịch. Đó là mùa hội vui nhất của bản Cao Lan. Hội có những nghi lễ như: cúng đình, tắm lửa, múa dân gian, trò chơi... Đặc biệt nghi lễ tắm lửa dành cho các chàng trai đã đủ trưởng thành, đủ sức mạnh để che chở cho gia đình, bản làng và thôn xóm. Còn lễ cúng tế trong đình mang nghi thức cổ truyền do những bậc cao niên, uy tín trong dòng họ thực hiện.  Đặc biệt khi nhắc đến đồng bào dân tộc Cao Lan không thể không nhắc đến những câu hát sình ca, điệu múa mang đậm nét đẹp đặc trưng của vùng núi vô cùng khéo léo và vui nhộn. Những lời ca, điệu múa không chỉ được thực hiện để giải trí mà còn mang ý nghĩa tâm linh, truyền thống to lớn.

Nhiều hộ dân ở Động Sơn phát triển homestay để đón khách du lịch.

Hiện nay ở Động Sơn đã thành lập câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Du khách đến đây có thể được nghe hát xem múa, uống rượu, thưởng thức đặc sản Động Sơn.

Để hỗ trợ địa phương phát triển du lịch Cộng Đồng, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Yên Sơn đã triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Làng văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn” để Động Sơn trở thành điểm đến mới, hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá Tuyên Quang


Tác giả: Đặng Huyền
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 452
Hôm qua : 673