• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả phát triển kinh tế tập thể

Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em cùng chung sống với dân cư trên 747.000 người. Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm trên 52%. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được nâng cao nhận thức, tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở nhiều huyện miền núi khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Liên kết hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp

Theo Liên minh HTX, tính đến tháng 6-2022, toàn tỉnh có 554 HTX với 11.522 thành viên; 23 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 236 thành viên. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ và là thành viên HTX, THT chiếm trên 50%; đa phần các HTX hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực 
nông nghiệp.

Theo ông Lê Văn Công, Trưởng phòng Nghiệp vụ Liên minh HTX tỉnh cho biết, thời gian qua, nhiều HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên.

Ông Đặng Văn Lương, dân tộc Dao, thôn Khe Đảng, xã Tứ Quận (Yên Sơn) gắn bó với cây chè suốt mấy chục năm qua. Cây chè từng là cây trồng mũi nhọn, giúp bà con xóa hết nhà tạm, nhà dột nát. Sau đó, người dân bỏ chè đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, chế xuất trong nước. Khát khao xây dựng lại vùng chè sạch và có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho đồng bào Dao, từ năm 2018, ông Lương đứng lên tập hợp, vận động các hộ dân trong thôn tập trung cải tạo, trồng mới cây chè. Cuối năm 2020, ông vận động thành công 7 hộ tham gia thành lập HTX Chè Bát tiên Khe Đảng, diện tích chè Bát tiên trên 7 ha.

Ông Đặng Văn Lương, Giám đốc HTX Chè Bát tiên Khe Đảng, xã Tứ Quận (Yên Sơn) hướng dẫn kỹ thuật trồng chè cho đồng bào Dao.

Bên cạnh đó, nhiều HTX đã năng động phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết chuỗi, tập hợp được nhiều thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương, xã Hồng Thái (Na Hang) là một điển hình. HTX theo đuổi phát triển nông nghiệp bền vững với công thức “từ trang trại đến bàn ăn” hay còn gọi là mô hình 3F (Feed - Farm - Food). Đây là mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ khâu nuôi, trồng ở trang trại đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thành lập từ tháng 3-2021, sau  hơn 1 năm hoạt động HTX liên kết với 15 thành viên người Dao, người Mông của xã Hồng Thái tham gia trồng 10 ha rau củ quả hữu cơ; xây dựng mô hình trang trại lợn đen bản địa, lợn rừng lai; mở chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh và các địa phương khác. Hiện nay, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương là 1 trong 17 HTX của tỉnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đó là lắp đặt hệ thống nhà màng trồng rau củ quả hữu cơ trị giá 500 triệu đồng.

Chị Đặng Thị Mai, dân tộc Dao, thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương cho biết, nhờ tham gia HTX, chị mới hiểu, kinh tế tập thể là cùng làm, cùng hưởng. Gia đình không còn phải đơn thương, độc mã trong sản xuất và tiêu thụ như trước đây. 

Hiện nay toàn tỉnh có 55 HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho 65 sản phẩm nông nghiệp. 65 chủ thể HTX có sản phẩm OCOP, chiếm 75,6%; trong đó, 96 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên trong tổng số 128 sản phẩm đăng ký, chiếm 75%. Toàn tỉnh hiện có 147 HTX liên kết và tổ chức sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu; tiêu thụ 20 loại sản phẩm nông sản.

Mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa, lợn rừng đen của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương
tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động người dân tộc thiểu số.

Giải pháp thoát nghèo hiệu quả

Để phối hợp thực hiện có hiệu quả chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đầu năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh và Liên minh HTX tỉnh ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2030. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia  phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, nội dung phối hợp trọng tâm của 2 đơn vị là tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các chính sách, chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế tập thể, HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi; dự án bảo tồn và phát triển đối với nhóm dân tộc thiểu số thông qua việc phát triển HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác. Đồng thời tăng cường phối hợp trong thông tin, tuyên truyền về ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số; tư vấn, vận động phát triển kinh tế tập thể, phát triển HTX, tổ hợp tác...

Đồng chí Ma Văn Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh, nội dung phối hợp giữa hai cơ quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thực hiện chủ trương, chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phát triển kinh tế tập thể, HTX, từng bước hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đặc biệt, qua đây nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững.


Nguồn::Theo TQĐT Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 125
Hôm qua : 899