• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu ấn 20 năm chương trình tín dụng chính sách ở Yên Sơn

Nằm trong hệ thống Ngân hàng CSXH, PGD Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn được thành lập theo quyết định số 687/QĐ-HĐQT ngày 10/5/2003 của Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định số 78 của Chính phủ. Ngay từ khi thành lập, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách góp phần quan trọng vào chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.


Trụ sở Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Sơn.

Từ những khó khăn thủa ban đầu với cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực mỏng với 3 cán bộ và chỉ triển khai 03 chương trình tín dụng ưu đãi. Đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Yên Sơn đã có 19 cán bộ, với 2 tổ nghiệp vụ: Kế hoạch nghiệp vụ và Kế toán ngân quỹ. Trong thời gian qua, PGD thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy định. Động viên cán bộ tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu công việc ngày càng tốt hơn.

Cùng với đó, PGD cũng đã thành lập Ban đại diện Hội đồng quản trị với 39 thành viên, gồm 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện là trưởng ban, 10 thành viên là thủ trưởng các phòng, ban của huyện, NHCSXH huyện và 28 thành viên là chủ tịch UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong suốt quá trình hoạt động Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã quan tâm chỉ đạo và tham mưu cho cấp uỷ chính quyền cùng cấp tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho NHCSXH , chỉ đạo kịp thời cho các đơn vị có liên quan, các tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương phối hợp với NHCSXH huyện triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.

PGD NHCSXH huyện đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 454 tổ TK&VV,  triển khai 16 chương trình tín dụng ưu đãi. Nguồn vốn phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng tốt, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo,... không đủ điều kiện vay vốn ở các Ngân hàng thương mại. Thông qua nguồn vốn vay của NHCSXH đã tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần ngăn chặn tình trạng tín dụng đen ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Trong gần 20 năm (2003 – 2022) doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH đạt 1.841 tỷ đồng, với trên 75.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính vay; doanh số thu nợ là: 1.167 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 698 tỷ đồng, tăng 673 tỷ đồng so với cuối năm 2003, tăng trưởng gấp 29 lần so với khi mới thành lập. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm là 139%/năm.

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng ủy, chính quyền các xã, thị trấn. PGD đã mở được 28 điểm giao dịch tại 28 xã, thị trấn. Qua đó, đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết kiệm chi phí thời gian đi lại giao dịch của người vay, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “Phục vụ tại nhà; giải ngân, thu nợ tại xã“.


Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn phục vụ bà con tại điểm giao dịch thị trấn Yên Sơn.

Các tổ chức chính trị - xã hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên các cấp chính là cầu nối giữa Nhà nước và Nhân dân thông qua việc tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của các tổ TK&VV tại cơ sở. Từ đó cộng đồng người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách dễ dàng. Các Hội đoàn thể còn cùng với Trưởng thôn trực tiếp tham gia vào việc bình xét cho vay, kiểm tra giám sát hoạt động của các Tổ TK&VV và việc sử dụng vốn của hộ vay; phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các chương trình khuyến nông, khuyến ngư vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ đó, đồng vốn ngân hàng đầu tư mang lại hiệu quả, giúp hộ vay cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ uỷ thác qua 4 tổ chức hội đoàn thể đạt 694,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,4%/tổng dư nợ, với 454 tổ TK&VV. Nợ quá hạn là 0,49 tỷ đồng, tỷ lệ 0,071%/tổng dư nợ uỷ thác.

Tổ TK&VV là cánh tay nối dài của NHCSXH giúp chuyền tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, trực tiếp thực hiện một số nội dung được NHCSXH huyện ủy nhiệm như: tổ chức họp bình xét vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay; giáo dục, tuyên truyền ý thức trả nợ cho người vay, tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm; thực hiện tốt công tác thu lãi, thu tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng; theo dõi đôn đốc kịp thời các khoản nợ đến hạn; phối hợp tốt công tác xử lý nợ tồn đọng, nợ bị rủi ro... Chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của NHCSXH huyện. Đến nay, Yên Sơn đã xây dựng được mạng lưới Tổ TK&VV trên địa bàn toàn huyện, với tổng số Tổ TK&VV là 454 tổ, chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV ngày càng được củng cố kiện toàn và nâng chất lượng hoạt động, 452 tổ xếp loại tốt khá (chiếm tỷ lệ 99,6%); 02 tổ xếp loại trung bình (chiếm tỷ lệ 0,4%) và không có tổ xếp loại Yếu kém.

Kết quả hoạt động của PGD NHCSXH huyện trong những năm qua đã cho thấy hoạt động tín dụng chính sách đã có tác động to lớn tới các mặt kinh tế, chính trị xã hội trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện chương trình về giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Trong gần 20 năm qua, NHCSXH huyện đã hỗ trợ vốn cho 75.569 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm, cụ thể: tỷ hộ hộ nghèo giai đoạn 2000 - 2005 đã giảm từ 35,25% xuống còn 4,98 %; giai đoạn 2006-2010 đã giảm từ 30,31% xuống còn 9,8%; giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 33,5% xuống còn 4,72%; giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,24% xuống còn 4,09% (tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của Chính phủ từng giai đoạn), giúp cho 111.091 lượt hộ thoát nghèo; thu hút 2.942 lao động có việc làm ổn định; hơn 5,4 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng hơn 14 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hơn 3,3 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; hơn 8,5 nghìn lượt hộ gia đình ở vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

Gia đình bà Lương Thị Oanh, thôn Cóc xã Hùng Lợi thuộc diện hộ nghèo. Năm 2019, bà được tổ chức Hội Phụ nữ tín chấp với Ngân hàng CSXH vay 50 triệu đồng để giảm nghèo. Bà đã đầu tư mua 2 con trâu cái sinh sản, đến nay đã phát triển thành 5 con. Năm 2021 bà trả nợ cho ngân hàng và tiếp tục làm hồ sơ vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi lợn. Với sự cần cù trong lao động sản xuất cộng  với nguồn vốn ưu đãi từ chương trình cho vay hộ hộ nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội huyện chắc chắn gia đình bà Oanh cuối năm nay sẽ thoát nghèo.

Anh Nguyễn Văn Thường ở thôn Cường Đạt, xã Tân Long là một trong những hộ được hỗ trợ từ chương trình cho vay mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Gia đình anh thuộc diện cận nghèo có con đang theo học Tiểu học, lâu nay anh luôn mong muốn trang bị máy tính để con học hành, tra cứu thông tin thuận lợi hơn nhưng thu nhập của gia đình còn hạn hẹp. Được sự hướng dẫn của Tổ TK&VV thôn anh đã được vay của ngân hàng CSXH 10 triệu đồng mua cho con 1 chiếc máy tính xách tay. Có thể nói từ nguồn vốn nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn, việc cho vay để học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sở hữu được chiếc máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến là một trong những giải pháp góp phần thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.


Chị Lê Thị Kim Huyền (đứng giữa) được vay 50 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh để mở rộng cửa hàng.

Là hộ kinh doanh, buôn bán tại thị trấn Yên Sơn, gia đình chị Lê Thị Kim Huyền, Tổ dân phố Phố Lang Quán, thị trấn Yên Sơn đã được Tổ TK&VV tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện vay 50 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh. Từ nguồn vốn này chị đã sửa sang lại cửa hàng, nhập hàng hóa để kinh doanh phát triển.

thể khẳng định, tín dụng chính sách đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Yên Sơn, giúp cho huyện hoàn thành và đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đề ra trong từng giai đoạn, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; xây dựng nông thôn mới; khai thác tiềm năng đất đai, lao động và tài nguyên thiên nhiên; giải quyết việc làm cho người nghèo lao động ở nông thôn, làm chuyển biến rõ nét đời sống người dân.


Lãnh đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn tặng quà cho mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Công Đa.

Bên cạnh các hoạt động tín dụng chính sách, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cũng tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới tại địa phương, các hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng, đền ơn đáp nghĩa. Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các đối tượng gặp khó khăn trước đại dịch covid 19. Trong những năm qua, Công đoàn cơ sở đã vận động cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động đóng góp ủng hộ Quỹ tình nghĩa, Quỹ an sinh xã hội, tổng số tiền trên 300 triệu đồng.

Đồng chí Lê Quang Toàn, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, PGD Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn phấn đấu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ do NHCSXh huyện cung cấp. Nguồn vốn và dư nợ tăng trưởng bình quân từ 10-12%; đến nắm 2030 dư nợ đạt khoảng trên 1.400 tỷ đồng; Trong đó nguồn vốn Ngân sách địa phương uỷ thác hằng năm tăng tối thiểu 1 tỷ đồng. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời các tồn tại phát sinh để ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động.

Chặng đường 20 năm hoạt động của Ngân hàng CSXH và thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách tại huyện Yên Sơn thực sự đã trở thành điểm sáng là một trong những trụ cột trong hệ thống các giải pháp giảm nghèo trên địa bàn huyện Yên Sơn. Bài học rút ra từ chặng đường 20 năm đó sẽ tiếp sức cho Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cùng với cả hệ thống chính trị huyện Yên Sơn thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng./.     


Tác giả: Đặng Huyền
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 98
Hôm qua : 613