• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nơi ghi dấu ấn đặc biệt của tình hữu nghị Việt-Lào

Nằm cách trung tâm thành phố Tuyên Quang hơn 20km, Khu di tích cách mạng Lào tại thôn Làng Ngòi và thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là nơi ghi dấu những trang sử hào hùng, chứng minh cho tình hữu nghị đoàn kết, keo sơn của nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông, tháng 5/1950 tại Tuyên Quang. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông, tháng 5/1950 tại Tuyên Quang. (Ảnh tư liệu)

Tháng 11/1949, Hoàng thân Xuphanuvông rời căn cứ kháng chiến Sầm Nưa, vượt Trường Sơn sang Việt Nam qua các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Hòa Bình. Cuối tháng 12/1949, Hoàng thân Xuphanuvông lên căn cứ Tân Trào (Tuyên Quang).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông đã có cuộc gặp gỡ tại Tân Trào, tại cuộc gặp đã đề cập nhiều vấn đề liên quan tình hình cách mạng hai nước. Để tạo thuận lợi cho đoàn cán bộ cách mạng Lào hoạt động trong thời gian ở Việt Nam, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện về cơ sở vật chất.

Nơi ghi dấu ấn đặc biệt của tình hữu nghị Việt-Lào ảnh 1

Nhà bia Khu di tích Cách mạng Lào tại thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.

Sau khi cân nhắc mọi điều kiện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã quyết định chọn xã Mỹ Bằng là nơi xây dựng căn cứ cách mạng cho đoàn cán bộ Lào.

Xã Mỹ Bằng có vị trí chiến lược cách mạng quan trọng, nằm ở ngã ba đường nơi giáp ranh của ba tỉnh Tuyên Quang-Yên Bái-Phú Thọ, cửa ngõ phía Tây Bắc của Tuyên Quang, nối liền giữa Tây Bắc và Việt Bắc. Từ đây có thể dễ dàng cơ động theo đường bộ đi thị xã Tuyên Quang, đến an toàn khu Sơn Dương và đi Chiêm Hóa. Đặc biệt, nhân dân ở đây sớm có truyền thống cách mạng, yêu nước.

Ở Làng Ngòi hiện có các di tích: Bia di tích Địa điểm hội trường Đại hội đại biểu các lực lượng kháng chiến Lào; nơi ở, làm việc của đồng chí Kaysone Phomvihane (Cayxỏn Phômvihản); Nhà ở và làm việc của Hoàng thân Souphanouvong (Xuphanuvông); nơi ở, làm việc của đơn vị bộ đội Lào.

Toàn bộ Khu di tích nằm trên đồi Gò Tre, đồi Tơ, các ngôi nhà được làm trong khu rừng già, dưới tán cây to để bảo đảm an toàn bí mật.

Nơi ghi dấu ấn đặc biệt của tình hữu nghị Việt-Lào ảnh 2

Bia di tích địa điểm Hội trường Đại hội các lực lượng kháng chiến Lào.

Tại đây, ngày 13/8/1950, đã diễn ra Đại hội toàn quốc Mặt trận Lào kháng chiến. Về dự Đại hội có hơn 100 đại biểu thay mặt nhân dân các bộ tộc Lào.

Đại hội đã bầu ra Chính phủ kháng chiến Lào do Hoàng thân Xuphanuvông làm Thủ tướng; đồng chí Cayxỏn Phômvihản, làm Bộ trưởng quốc phòng (sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Lào tự do (Neo Lào Ítxala).

Tình hữu nghị Việt-Lào là một viên ngọc quý, một di sản vô giá. Đó là tình hữu nghị, tình đoàn kết anh em giúp đỡ lần nhau trên tinh thần hạt gạo cắn đôi, cọng rau sẻ nửa, đồng cam cộng khổ, động viên nhau cùng chiến đấu thắng lợi, là một trong những nhân tố bảo đảm mọi sự thắng lợi của cách mạng Lào.

Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản

Cuối tháng 12/1950, từ Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Đá Bàn thăm và làm việc với các đồng chí trong Chính phủ kháng chiến Lào, đánh dấu mốc son quan trọng trong quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Tại Tuyên Quang, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ kháng chiến và Mặt trận Neo Lào Ítxala đã chỉ đạo, tập hợp được đông đảo các tầng lớp quần chúng tham gia vào các đoàn thể yêu nước như "Hội thanh niên Lào yêu nước", "Hội người Mèo chống Pháp".

Chỉ trong vòng một năm, Mặt trận đã phát triển thêm hàng vạn hội viên, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường thêm vững chắc, mạnh mẽ, làm hậu thuẫn cho Chính phủ kháng chiến Lào.

Nơi ghi dấu ấn đặc biệt của tình hữu nghị Việt-Lào ảnh 3

Nhà ở và làm việc của Hoàng thân Xuphanuvông tại thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.

Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến của ba nước Lào-Việt Nam-Campuchia bước sang giai đoạn mới có những yêu cầu mới, đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương phải giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách để đưa cách mạng tiến lên.

Nhằm đáp ứng những đòi hỏi bức thiết đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II từ ngày 11-19/2/1951. Đại hội đã quyết sách nhiều vấn đề lớn, trong đó có việc thành lập ở mỗi nước Lào-Việt Nam-Campuchia một đảng để lãnh đạo cách mạng; thống nhất vấn đề xây dựng Mặt trận thống nhất Việt-Miên-Lào.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh-Liên Việt, ngày 11/3/1951, hội nghị liên minh nhân dân ba nước đã được tổ chức, hội nghị đã thổi luồng gió mới vào phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương.

Đây là sự kiện được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao, Người đã khẳng định "Với sự đồng tâm nhất trí của ba dân tộc anh em, với sự đoàn kết của ba dân tộc anh em, chúng ta nhất định đánh tan lũ thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, chúng ta nhất định làm cho ba nước độc lập và thống nhất thực sự".

Nơi ghi dấu ấn đặc biệt của tình hữu nghị Việt-Lào ảnh 4
Đoàn đại biểu Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang thăm di tích nơi ở và làm việc của Hoàng thân Xuphanuvông tại thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.

Để trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng Lào trong giai đoạn phát triển cách mạng mới, sau khi tổ chức thành công Đại hội đại biểu Mặt trận toàn quốc Neo Lào Ítxala; tham dự và đóng góp nhiều ý kiến quý báu và góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh-Liên Việt và Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt-Miên-Lào, đoàn cán bộ cách mạng Lào đã rời Mỹ Bằng về nước vào giữa năm 1951.

Khu di tích Cách mạng Lào tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn là trang sử hào hùng minh chứng cho mối tình hữu nghị đoàn kết keo sơn của nhân dân hai nước Việt-Lào.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã nhận định trong bài diễn văn chào mừng đại biểu và Chính phủ Việt Nam: Tình hữu nghị Việt-Lào là một viên ngọc quý, một di sản vô giá. Đó là tình hữu nghị, tình đoàn kết anh em giúp đỡ lần nhau trên tinh thần hạt gạo cắn đôi, cọng rau sẻ nửa, đồng cam cộng khổ, động viên nhau cùng chiến đấu thắng lợi, là một trong những nhân tố bảo đảm mọi sự thắng lợi của cách mạng Lào.


Nguồn:Theo Báo Nhandan Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 605
Hôm qua : 1.284