• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thay đổi từ những điều nhỏ nhất

Chuyển đổi số thay đổi từng ngày diện mạo giáo dục. Đối với bậc mầm non, chuyển đổi số càng được triển khai một cách mạnh mẽ, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng dạy và học.

Cán bộ trường mầm non Hoa Sen (TP Tuyên Quang) thực hiện tính khẩu phần ăn cho trẻ trên phần mềm bán trú Nutri All.

Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý; xây dựng hệ thống học liệu điện tử; xây dựng thư viện dữ liệu các hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ...

2 năm học trở lại đây, Sở đã triển khai thí điểm phần mềm Sổ kế hoạch điện tử và phần mềm quản lý dinh dưỡng tại 43 trường mầm non trên địa bàn tỉnh. Chị Bùi Thị Hương Giang, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, toàn tỉnh hiện có 148 trường mầm non công lập, 4 trường mầm non tư thục. Để từng bước chuyển đổi số trong các trường, Sở đã phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị về phương pháp sử dụng, khai thác kho học liệu số, màn hình tương tác thông minh trong dạy học, hướng dẫn sử dụng các phần mềm hồ sơ giáo án điện tử, định lượng dinh dưỡng, cách đồng bộ dữ liệu lên hệ thống và cơ sở dữ liệu của Sở, của Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Qua quá trình sử dụng, hầu hết các trường đánh giá việc ứng dụng các phần mềm giúp giảm tải hồ sơ, sổ sách của cán bộ quản lý và giáo viên; giúp các trường tối ưu việc cân đối thực đơn, khẩu phần ăn cho trẻ. Nhiều đơn vị sau khi thực hiện thí điểm thấy hiệu quả đã đăng ký, tự chủ kinh phí mua phần mềm.

Mỗi hoạt động tại lớp đều được giáo viên trường mầm non Hoa Hồng (TP Tuyên Quang) ghi lại và chuyển lên zalo
 để phụ huynh nắm được chương trình học của trẻ mỗi ngày.

Nếu trước đây giáo viên mầm non phải vất vả tìm kiếm những hình ảnh, đồ dùng phục vụ bài giảng thì nay họ có thể sử dụng Internet để chủ động khai thác tài nguyên giáo dục phong phú. Chỉ những cái “click chuột” trên mạng, trên kho học liệu số của ngành giáo dục, hình ảnh những con vật ngộ nghĩnh, những bông hoa đủ màu sắc và những con số biết nhảy theo nhạc sẽ hiện ra. Từ đó, giáo viên sẽ chọn lọc và đưa vào bài giảng một cách linh hoạt, sáng tạo.

Anh Chẩu Bình Yên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Sơn cho biết, việc triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy đã đem đến “làn gió” mới cho ngành giáo dục huyện. Đối với bậc mầm non, việc ứng dụng CNTT giúp giáo viên giới thiệu kiến thức mới qua những tình huống sinh động với hình ảnh, video phong phú giúp trẻ hứng thú, đồng thời phát huy tính chủ động. 29/29 trường mầm non trên địa bàn huyện ứng dụng CNTT trong dạy học; 100% trường dùng phần mềm VnEdu để quản lý, đồng bộ dữ liệu lên phần mềm cơ sở dữ liệu toàn ngành, lên hệ thống IOC ngành giáo dục tỉnh; 100% giáo viên khai thác kho học liệu số của ngành; 100% các trường có fanpage, sử dụng zalo, facebook để kết nối với phụ huynh.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn như: mạng internet ở các trường, điểm trường vùng đặc biệt khó khăn còn chậm ảnh hưởng đến việc khai thác dữ liệu trên môi trường số của giáo viên; cán bộ phụ trách các phần mềm đều là kiêm nhiệm nên trình độ tin học còn hạn chế, chưa thông thạo quy trình trên hệ thống...

Từ năm học 2021 - 2022, trường Mầm non Tân Trào (TP Tuyên Quang) đã triển khai ứng dụng phần mềm Go kids, phần mềm Smas, phần mềm quản lý dinh dưỡng trong công tác quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ. Cô Trương Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, để quá trình chuyển đổi số trong nhà trường hiệu quả, nhà trường đã hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu như đầu tư hệ thống máy tính, máy chiếu đã xuống cấp, nâng cấp đường truyền internet.

Nhà trường cũng lắp hệ thống camera quan sát tại khu nhà làm việc, nhà bếp và các lớp học; triển khai thanh toán học phí bằng quét mã QR tạo thuận lợi cho phụ huynh. Thông qua các phần mềm, giáo án điện tử của giáo viên được soạn và duyệt nhanh chóng tại bất cứ đâu chỉ cần máy tính kết nối internet; hoạt động chăm sóc trẻ được công khai, minh bạch giúp công tác quản lý của nhà trường thuận lợi. Trường thường xuyên khuyến khích các giáo viên chia sẻ mọi hoạt động của trẻ ở lớp lên fanpage nhà trường; gửi thông tin, hình ảnh và nội dung bài học hàng ngày của các con vào nhóm zalo riêng của mỗi lớp để phụ huynh có thể cùng con ôn lại bài ở nhà.

Chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc và giáo dục trẻ tại trường mầm non Ban Mai Xanh (TP Tuyên Quang).

Để kiểm soát chất lượng bữa ăn cho trẻ, nhiều trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phần mềm trong việc tính khẩu phần ăn cho trẻ. Một trong số đó có thể kể đến trường mầm non Hoa Hồng, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) là đơn vị áp dụng phần mềm Nutri All mang lại hiệu quả.

Cô giáo Nguyễn Hồng Thủy, giáo viên nhà trường cho biết, trước đây, quá trình xây dựng chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn cho trẻ rất mất thời gian mà nhiều khi không đảm bảo đủ các nhóm chất. Từ khi sử dụng phần mềm, nhà trường dễ dàng thiết lập thực đơn cho trẻ theo mùa, theo ngày, cân đối định lượng cần đạt về các dưỡng chất cho trẻ. Công tác quản lý thu, chi, chứng từ kế toán, hạch toán tiền ăn cũng được thực hiện đồng thời trong phần mềm đảm bảo tính chính xác, giảm bớt thời gian thực hiện.

Quá trình thực hiện số hóa mang lại hiệu quả chính từ công tác kết nối điện tử giữa nhà trường và gia đình. Chị Trần Phương Linh, có con học tại trường Mầm non Hoa Hồng (TP Tuyên Quang) chia sẻ, chính sự liên kết 2 chiều giữa nhà trường với phụ huynh đã tạo ra những tương tác trên không gian mạng giúp chị theo sát việc học tập của con mình được tốt hơn.

Mỗi ngày các cô đều gửi hình ảnh, video về các hoạt động ở lớp và thực đơn ăn hàng ngày của các con. Đồng thời, phụ huynh có vấn đề cần trao đổi có thể nhắn trực tiếp trên nhóm lớp rất thuận tiện. Trên trang fanpage của nhà trường thường xuyên chia sẻ video, hình ảnh học tập của các con và các chương trình chăm sóc giáo dục trẻ để phụ huynh dễ dàng truy cập và áp dụng tại nhà.

Cụm từ chuyển đổi số giờ đây đã không còn xa lạ với phụ huynh và giáo viên bậc mầm non trên địa bàn. Với quyết tâm cao vào sự liên kết mà chuyển đổi số mang lại, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn sẽ từng bước đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả giáo dục, góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số của tỉnh.


Nguồn::Theo TQĐT Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 314
Hôm qua : 1.639