• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mùa mưa và nỗi lo sạt lở

 Mới vào mùa mưa nhưng trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Bước vào những tháng đỉnh điểm mùa mưa bão, người dân một số địa phương lại sống thấp thỏm trong nỗi lo sạt lở đất.

Nguy cơ sạt lở ở nhiều nơi

Tại thôn Đoàn Kết, xã Kháng Nhật (Sơn Dương), 11 hộ dân sống dưới chân đồi lo lắng bởi ngọn đồi sau lưng nhà họ đang có dấu hiệu sạt lở. Theo người dân, vết nứt xuất hiện từ năm 2019, ban đầu chỉ là những vết nứt nhỏ, theo thời gian vết nứt nối dài và có dấu hiệu sụt lún. Các hộ dân đã góp tiền xây rãnh thoát nước trên đỉnh đồi, tuy nhiên tình trạng nứt vẫn phát triển. Ông Lương Văn Dũng, thôn Đoàn Kết cho biết: “Trước đây khi làm nhà gia đình tôi cùng các hộ xung quanh đã bạt mái taluy và đào giật cấp để tránh sạt lở, nhưng những năm gần đây vết nứt trên đồi xuất hiện làm chúng tôi rất lo lắng, nhất là khi mưa lớn kéo dài”. Theo quan sát, vách taluy cao gần 20 m phía sau nhà 11 hộ dân.

Đồng chí Trần Đình Hạnh, Chủ tịch UBND xã Kháng Nhật (Sơn Dương) cho biết, xã đã phối hợp với các phòng liên quan của huyện tiến hành kiểm tra đánh giá hiện trạng nguy cơ sạt lở tại thôn Đoàn Kết và bố trí phương án ổn định tại chỗ đối với 11 hộ dân, phương án hạ mái taluy xử lý các vết nứt đã được thống nhất, tuy nhiên hiện chưa có vốn.

 Người dân xã Phúc Ninh (Yên Sơn) chủ động hạ mái taluy giảm thiểu nguy cơ sạt lở.    

Những ngày này, người dân ở xóm đội 7, thôn Đán Khao, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) lại lo bị sạt lở đất ảnh hưởng đến cuộc sống của 10 hộ dân nơi đây. Phía sau nhà họ là khu đồi sản xuất có độ dốc lớn, những năm gần đây người dân phát hiện những vết nứt và sụt lún ở lưng chừng đồi. Anh La Văn Đoàn, thôn Đán Khao chia sẻ: “Những vết nứt xuất hiện ngay gần nhà tôi, cũng rất sợ đất đá sạt lở xuống, mỗi lần mưa lớn cả nhà lại tạm lánh đến nhà văn hóa thôn ở, các hộ còn lại cũng đến nhà người thân ở nhờ. Gia đình tôi cùng các hộ trong xóm cũng muốn di chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn, tuy nhiên đa số các hộ là hộ nghèo, không có kinh phí để di chuyển”.

Theo rà soát năm 2022, toàn tỉnh có 166 hộ nằm trong vùng nguy hiểm, trong đó chiếm đến 2/3 số hộ này nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá. Đa số các hộ là hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có kinh phí di dời, đến nay mới có 30/166 hộ đã tự nguyện di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Nguy cơ từ 

“Khoét núi làm nhà”

Lê những bước chân nặng nhọc ra sân, chị Lý Thị Hòa, thôn An Lạc, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại giây phút 2 mẹ con chị thoát chết trong gang tấc. Chị Hoà kể:

“Ngày 23-5 trời mưa cả ngày không ngớt, tôi nằm trong buồng ôm con mới 2 tháng tuổi, đến khoảng 14 giờ thì mái taluy phía sau nhà đổ sập vào tường nhà hất văng cánh cửa sổ, bùn đất vùi lấp hoàn toàn 2 mẹ con tôi. Rất may chồng và bố mẹ tôi đã ứng cứu kịp thời và đưa 2 mẹ con tôi đi bệnh viện. Tôi bị rạn 1 đốt xương sống, con tôi chỉ bị xây xướt nhẹ”.

Vẫn trên tuyến đường  ĐT. 188, cách nhà chị Hòa chưa đầy 5 km nhưng không được may mắn như gia đình chị Hòa, gia đình anh Hà Văn Mười, xã Lực Hành (Yên Sơn) đã mãi mãi mất đi 2 người thân trong gia đình trong vụ sạt lở đất ngày 1-7. Vào khoảng 13 giờ 30 phút, anh Mười bất ngờ nghe tiếng nổ lớn bên trái nhà. Toàn bộ mái taluy đổ xuống làm sập tường nhà, đất đá đè trúng vợ và con anh đang nằm trên giường, dù người dân xung quanh đến ứng cứu nhưng vợ và con anh không qua khỏi.

Đó là một trong số những sự việc đau lòng do sạt lở đất gây ra vừa qua. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, những năm gần đây trên địa bàn thường xuyên xảy ra sạt lở đất. Trong đó, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 2 vụ sạt lở đất nghiêm trọng làm 3 người thiệt mạng và 5 người bị thương; hàng trăm ngôi nhà và nhiều của cải của người dân bị thiệt hại do lở đất gây ra. Nguyên nhân dẫn tới nguy cơ sạt lở đất, đá ngày càng tăng là do tình trạng san ủi tạo mặt bằng làm nhà diễn ra nhanh, trong khi công tác quản lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa được thắt chặt. Quá trình san ủi làm mất chân các triền đồi, núi, khi có mưa lớn, kéo dài, đất bở rời lập tức hình thành các điểm sạt lở.

Dọc tuyến đường ĐT. 188 dài hơn 10 km từ xã Phúc Ninh vào xã Lực Hành (Yên Sơn) có thể thấy rất nhiều hộ dân bạt núi làm nhà cạnh những mái taluy cao. Theo đồng chí Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã Lực Hành, qua rà soát trên địa bàn xã có 18/18 hộ nằm trong vùng có nguy cao xảy ra lở đất do nhà xây dựng sát mái taluy cao. Xã đã vận động các hộ dân khẩn trương khắc phục để tránh sự việc đáng tiếc có thể xảy đến trong mùa mưa bão năm nay, đồng thời tuyên truyền vận động người dân hạn chế khoét núi làm nhà, nếu làm nhà dưới chân núi phải có các giải pháp an toàn như xây tường ngăn sạt lở, hạ mái taluy. Hiện nay nhiều hộ đã chủ động thuê máy xúc hạ mái taluy đảm bảo an toàn.

Trong 2 năm trở lại đây liên tiếp xảy ra những vụ sạt lở đất nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của người dân. Ngoài nguyên nhân do thời tiết thì việc tác động của con người là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vụ sạt lở đất, trung bình mỗi năm xuất hiện mới khoảng 100 đến 150 hộ có nguy cơ hứng chịu sạt lở đất, đá. Nguy cơ ngày càng tăng lên khi tình trạng san ủi đất đồi để làm nhà tăng theo mật độ dân cư. Do vậy cần có giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc khoét núi làm nhà để giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở đất gây ra.


Nguồn::Theo TQĐT Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 118
Hôm qua : 825