• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Yên Sơn bừng sáng

 Trước Cách mạng Tháng Tám - 1945, mặc dù thực dân Pháp, phát xít Nhật và bọn phong kiến tay sai ra sức càn quét, tiêu diệt, nhưng nhân dân các xã ATK Yên Sơn được Đảng tổ chức và lãnh đạo đã gây dựng các cơ sở cách mạng, đoàn kết đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Từ thân phận nô lệ, người dân trở thành người chủ quê hương, viết lên khải hoàn ca. ATK Yên Sơn hôm nay đã bừng sáng với những thành tựu đáng tự hào…

 

Đi theo ánh sáng của Đảng

Yên Sơn là nơi có phong trào cách mạng vững chắc, địa thế hiểm yếu, điều kiện giao thông, hậu cần thuận lợi đã trở thành một trong những trung tâm của Thủ đô Kháng chiến, nhiều xã trong huyện đều được chọn làm nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và các bộ, ngành Trung ương để lãnh đạo kháng chiến.

Truyền thống hào hùng ấy là cội nguồn sức mạnh đoàn kết để người dân Yên Sơn viết tiếp khải hoàn ca trong hành trình mới dưới ánh sáng soi đường của Đảng. Điều đáng tự hào là, những nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, các bộ ngành Trung ương ở và làm việc hiện đa phần đều là các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, trở thành điển hình của tỉnh trong các phong trào thi đua yêu nước.

Trung tâm thị trấn Yên Sơn. Ảnh: Hoàng Thảo

Những ngày thu tháng 8, nắng vàng rộm tỏa xuống những cánh rừng xanh ở Mỹ Bằng, Kim Quan, Hùng Lợi, Trung Minh... Gió hát rì rào như reo vui trước khí thế thi đua làm đường bê tông, kênh mương nội đồng và xây dựng các công trình mới ở các xã. Sáng sớm, đại diện 158 hộ dân thôn Đá Bàn 1 rộn ràng san gạt mặt bằng, trộn vữa hoàn thiện gần 385 m đường bê tông vượt đèo dốc vào vùng sản xuất hàng hóa. Trưởng thôn Đá Bàn 1 Lê Chí Công có hơn 10 năm “vác tù và hàng tổng” chứng kiến sự chuyển mình vượt bậc của quê hương cách mạng. Ông bảo, xưa đường vào thôn khó lắm, đường đá, đèo dốc, chỉ có đi bộ thôi. Nhưng giờ khác rồi, đường nhựa, đường bê tông kéo về đến từng hộ. Rồi điện lưới sáng trưng thay cho điện suối năm nào. Hộ nào cũng làm được nhà sàn bê tông đẹp lắm. Ở đây đều là người Dao sinh sống, mái nhà sàn là nét văn hóa truyền thống không thể thay thế được. Ngày xưa nhà sàn làm bằng gỗ nhưng trước yêu cầu bảo vệ rừng, nhà sàn gỗ được thay thế bằng nhà sàn bê tông vững chãi hơn nhưng vẫn vẹn nguyên nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Người Dao nơi này gìn giữ trang phục, tiếng nói của mình, bản sắc văn hóa còn vẹn nguyên, đây là nét riêng có của Mỹ Bằng trong xây dựng nông thôn mới. Du khách đến tham quan Di tích Đá Bàn có thể trải nghiệm văn hóa người Dao, thăm thú nhà sàn và nghe hát Páo dung…

Đá Bàn xưa giờ đã khoác lên mình chiếc áo mới. Toàn thôn đã hoàn thành bê tông hóa 8 km đường bê tông, người dân trồng hơn 300 ha keo, bạch đàn, phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, nhờ đó thu nhập đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm.

Đến các xã ATK Yên Sơn đều thấy được sự tươi mới, lòng dân hồ hởi hướng tới tương lai. Con đường vào xã Kim Quan được trải nhựa bóng loáng, hai bên đường rợp cây xanh. Đồng chí Dương Đức Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Quan chia sẻ, cái khó nhất khi bắt tay xây dựng nông thôn mới ở xã là bài toán thu nhập, để nâng cao thu nhập thì phải xây dựng được các mô hình kinh tế. Được sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, các ngân hàng vào ngoài hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng trường học, đường giao thông còn đầu tư vốn ưu đãi cho các hộ xây dựng mô hình kinh tế, nhiều mô hình đạt hiệu quả, mang lại thu nhập khá như mô hình chăn nuôi trâu ở thôn Kim Thu Ngà, Khuôn Hẻ, Khuôn Điển; mô hình hồng không hạt hơn 10 ha tại thôn Khuôn Hẻ; phát triển cây chè, cá ở các thôn…

Anh Thèn Văn Chung, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trâu Kim Quan chia sẻ, mỗi người dân Kim Quan đều tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, vậy nên ra sức vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no. Anh xây dựng hợp tác xã nuôi trâu cũng mong muốn chung tay cùng xã nâng cao thu nhập cho người dân. Từ 13 con trâu, giờ hợp tác xã có 45 con của 22 hộ thành viên. Dẫu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn trâu nhập về khó khăn nhưng phát triển chăn nuôi trâu là hướng đi bền vững, có thể nhân rộng ở tất cả các thôn để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia đình ông Đặng Văn Chuyển, thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng phát triển rừng và chăn nuôi dưới tán rừng có thu nhập khá.

Vươn tới tương lai

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Yên Sơn đề ra nhiều mục tiêu quan trọng trong thời gian tới. Theo đó, ngay từ năm 2021, năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới này, huyện đã hoàn thành xây dựng thị trấn Yên Sơn đạt tiêu chí đô thị loại V và đang hướng tới mục tiêu đô thị loại IV trong thời gian tới. Huyện phối hợp với các cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt nhất để Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang mở rộng quy mô sản xuất tại Cụm công nghiệp Thắng Quân, bảo đảm đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.980 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện chú trọng quy hoạch diện tích rừng trồng, nâng tỷ lệ rừng được cấp chứng chỉ FSC bảo đảm nguồn nguyên liệu có chất lượng cho các nhà máy của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang hoạt động; phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 2.290 tỷ đồng.

Huyện tiếp tục thu hút nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm tới, huyện sẽ có 20/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 6 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện triển khai xây dựng các mô hình kinh tế, chú trọng đa dạng các trang trại gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển kinh tế hợp tác, mở rộng liên kết chuỗi như chuỗi trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng, trồng và chế biến chè, chuỗi chăn nuôi trâu, bảo đảm thu nhập đạt 56 triệu đồng/người/năm.

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian này được huyện tổ chức thực hiện là phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng đường tốc độ cao Tuyên Quang - Hà Giang, góp phần kết nối giao thông, tạo động lực phát triển.

Đồng chí Phạm Ninh Thái, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Sơn nhấn mạnh, Yên Sơn trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã chở che Bác Hồ, Trung ương Đảng, các bộ, ngành Trung ương, giờ đây đang phát huy truyền thống cách mạng viết tiếp trang sử vẻ vang, xây dựng huyện ngày càng phát triển. Với lợi thế tiếp giáp với thành phố Tuyên Quang, do đó, Yên Sơn có nhiều điều kiện phát triển, nhất là thu hút đầu tư các dự án quan trọng của tỉnh. Huyện sẽ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, di dân để tỉnh xây dựng các công trình lớn, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 481
Hôm qua : 899