• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Việc có lợi cho dân thì hết sức làm...”

Không phải là đảng viên, nhưng ông Chu Văn Quý, Trưởng thôn Cây Thị luôn thấm nhuần lời Bác dạy trong mỗi công việc của mình. Nhờ thế, Cây Thị là một trong 2 thôn khó khăn nhất của xã Thái Bình (Yên Sơn) vẫn được chính quyền xã lựa chọn là thôn điểm trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Những cách ...

Từ chức... vì nghèo 

Ông Chu Văn Quý đã từng được bầu làm trưởng thôn từ năm 2001. Ông giữ chức được 2 năm thì từ chức vì... nghèo. Ông Quý bảo, ngày đấy mình còn vướng bận 3 đứa con nhỏ, 2 vợ chồng chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên thu nhập cả năm chả được là bao. Dù bà con tín nhiệm, nhưng làm đến năm 2003 thì mình xin từ chức vì nghèo xấu hổ lắm. 

Theo ông Quý, làm trưởng thôn phải “miệng nói tay làm” thì mới được dân tín nhiệm. Trong mỗi cuộc họp thôn, ông đều là người đứng ra vận động bà con tập trung làm ăn phát triển kinh tế, đóng góp vì những công việc chung, mình vận động khéo mà nhà mình vẫn nghèo, nói 1 lần 2 lần thì bà con tin, nhưng nói nhiều mà không làm giỏi, lâu dần bà con sẽ không tin nữa. Ông từ chức vừa vì tự trọng, vừa để quyết tâm bước ra khỏi cuộc sống nghèo khó. Có như vậy thì bà con mới nể, mới phục.

Bỏ công việc “vác tù và”, ông Quý cùng vợ và các con khai hoang khu đất rộng hơn 4 ha xây dựng mô hình VACR, trong đó riêng đất trồng rừng là hơn 2 ha. Lứa rừng nào vừa khai thác xong, ông mua cây giống về lấp đầy đến đấy. Khu đồi thấp ông trồng các loại cây ăn quả như nhãn, bưởi, na và đào ao thả cá. Mỗi ha rừng sau 7-8 năm trồng, trừ chi phí cũng để ra được ngót trăm triệu đồng, thu nhập từ mô hình VAC mỗi năm cũng có 30 - 40 triệu đồng. 


Ông Chu Văn Quý chăm sóc vườn keo mới trồng.

Ông Quý bảo, không chỉ gia đình ông khá lên từ rừng, mà cả thôn Cây Thị giờ thu nhập đều trông cả vào rừng. Thôn có 64 hộ dân, thì gần như 100% các hộ trồng rừng. Diện tích rừng sản xuất của thôn hiện có 54 ha. Trước đây, vận động bà con trồng rừng khó như đếm sao vì cứ giao đất trồng rừng, bà con lại đưa cây sắn vào trồng. 5 năm trở lại đây, rừng trồng đến kỳ khai thác được Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa đến tận nơi thu mua, lại được hỗ trợ toàn bộ cây giống, giờ thì nhà nào cũng tự giác trồng rừng, bón phân, chăm sóc. Như năm 2017, Cây Thị được nhà máy hỗ trợ đủ cây giống trồng mới 14,2 ha rừng, năm 2018 thôn tiếp tục đăng ký hơn 22 ha rừng trồng bằng keo lai mô. Nhiều hộ có diện tích trồng rừng lớn như ông Hoàng Văn Xô 7 ha, Nguyễn Đức Lệ 7 ha... 

Năm 2016, khi công cuộc xây dựng nông thôn mới bước vào giai đoạn cần sự nỗ lực, tập trung, ông lại được bà con bầu giữ chức trưởng thôn. Ông Quý bảo, lần này nhận chức mình tự tin hơn nhiều, bởi lẽ mình không bị ám ảnh chuyện “chỉ tay năm ngón” như trước đây nữa.

Bài học từ câu chuyện phát huy sức dân

Thái Bình được đưa vào lộ trình về đích nông thôn mới vào năm 2019. Và mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lựa chọn Thái Bình là xã điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và đẩy nhanh tiến độ về đích nông thôn mới trước 1 năm.  

Cây Thị là thôn được lựa chọn làm thôn điểm trong vận động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ông Quý bảo, mới được bầu giữ chức trưởng thôn, lại được giao trọng trách lớn như vậy, ông không khỏi lo lắng. Vì Cây Thị hiện còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt, như thôn chưa có nhà văn hóa, hệ thống kênh mương chưa hoàn thiện, tiêu chí nhà ở dân cư, 3 công trình vệ sinh chưa đạt chuẩn còn chiếm trên 26%... 

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình chia sẻ, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa là một trong những tiêu chí gian nan nhất đối với xã Thái Bình. Cả xã hiện mới chỉ có 2/17 thôn có nhà văn hóa, còn lại đều đang trong tình trạng tìm đất xây dựng. Khi lựa chọn Cây Thị là thôn điểm trong xây dựng nhà văn hóa, xã mong muốn cán bộ thôn phát huy tinh thần sáng tạo trong vận động, huy động sức dân, để các thôn khác có thể học tập kinh nghiệm. 


Trưởng thôn Chu Văn Quý (bên trái) cùng người dân trong thôn kiểm tra kênh mương mới lắp đặt. 

Trưởng thôn Chu Văn Quý cho biết, ngay khi được giao chỉ tiêu hoàn thành xây dựng nhà văn hóa, cả thôn đã họp, thống nhất sẽ thu tiền trong 2 năm 2017 - 2018 và tiến hành xây dựng nhà văn hóa thôn vào cuối năm 2018, với mức chi phí tạm tính khoảng 110 triệu đồng. Mỗi hộ gia đình trong thôn đóng góp trung bình 1,8 triệu đồng, hộ nghèo, cận nghèo đóng góp 50%. Để không gây áp lực trong việc đóng góp tiền cho bà con trong thôn, ông Quý thu tiền thành từng quý, mỗi quý vài trăm nghìn đồng.

Trong ngày đại đoàn kết đầu tháng 11, thôn cũng vận động bà con ủng hộ được thêm 17,5 triệu đồng. Ông Quý bảo, từ đầu năm đến giờ thôn đã huy động được trên 70 triệu đồng rồi, số tiền thu được đến đâu, mình gửi tiết kiệm luôn đến đấy, để ngoài bảo toàn được số tiền gốc, còn có thêm tiền lãi xây dựng nhà văn hóa cho khang trang. Ngoài Tết nguyên đán năm 2018, nhà văn hóa thôn Cây Thị sẽ khởi công xây dựng nhà văn hóa, sớm hơn dự tính gần 1 năm. Để có đủ đất xây dựng nhà văn hóa, các hộ Trần Văn Tuyên, Ngô Xuân Thử, Chu Văn Thuận đã hiến 380 m2 đất. 

Cây Thị cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu 3 công trình vệ sinh trong năm 2017. Sau khi rà soát, cả thôn còn 17 hộ gia đình chưa có 3 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, Trưởng thôn Chu Văn Quý nghĩ ra cách hỗ trợ luân phiên. Mỗi tháng, 17 hộ này sẽ trích ra 300 nghìn đồng hỗ trợ để 1 hộ có đủ kinh phí để xây dựng 3 công trình vệ sinh.

Ông Quý bảo, mình cũng là nông dân, cũng từng là hộ nghèo nên mình hiểu, để ngay một lúc bỏ ra vài triệu đồng là chuyện lớn đối với gia đình, nhưng trích ra 300 nghìn đồng/tháng là chuyện có thể làm được. Số tiền này được luân chuyển lần lượt trong 17 hộ gia đình, đến lượt hộ nào nhận tiền, ông đến tận nhà giám sát việc sử dụng vốn. Giờ 14/17 hộ đã hoàn thành tiêu chí 3 công trình vệ sinh, 3 hộ còn lại đang tiếp tục hoàn thành từ giờ đến trước Tết nguyên đán. Bà Nguyễn Thị Hồng Hiên vừa hoàn thành xây dựng 3 công trình vệ sinh bảo, trước đây mình cứ nghĩ, phải tích cóp đủ tiền mới xây dựng được các công trình, nhưng nhờ cách làm đơn giản mà hiệu quả của trưởng thôn Chu Văn Quý mà công trình vệ sinh của gia đình được hoàn thành chỉ trong vòng vài ngày thôi. 

Cây Thị giờ đã mang dáng dấp một khu dân cư kiểu mẫu, với thu nhập bình quân đầu người đạt 2,2 triệu đồng/người/tháng. Thôn cũng vừa hoàn thành lắp đặt 164 m kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, nâng tổng số kênh mương được cứng hóa lên 310 m, đảm bảo tưới tiêu cho 2 ha ruộng 2 vụ. 

Khi được hỏi, ông có tự hào không khi mỗi tiêu chí Cây Thị hoàn thành, đều ít nhiều có dấu ấn của mình? Trưởng thôn Chu Văn Quý cười bảo, bà con đã tín nhiệm bầu mình làm trưởng thôn, mình cứ hết sức mình phục vụ thôi. Kết quả đấy, cũng đều để dành cho con cháu mình mà!.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 494
Hôm qua : 620