• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người xoa dịu nỗi đau da cam

Cách đây 40 năm, ông cùng với đồng đội của mình hành quân miệt mài trên chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, chiến đấu ngoan cường, không run sợ trước những mất mát, hy sinh. Ngày hôm nay, giữa cuộc sống thời bình, ông vẫn đang bước đi vì những người đồng đội, sát cánh bên họ, cùng với họ hàn gắn ...

Ký ức một thời

Năm nay ông đã bước sang tuổi 79. Cái tuổi người ta hay nói “thất thập cổ lai hy” nhưng ở ông vẫn còn những nét tinh anh, kiên cường của một người lính, vẫn hàng ngày tự mình đi khắp các xã của huyện Yên Sơn lo cho những mảnh đời bất hạnh vì nỗi đau da cam. Nhìn ông, ít ai biết được ông đang mang trong mình bệnh ung thư gan cùng những nỗi đau dai dẳng mà chất độc hóa học gây ra.

Chất độc ấy đã ngấm vào cơ thể ông trong những năm tháng chiến đấu chống đế quốc Mỹ, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, vững vàng đấu tranh nơi Bình Trị Thiên khói lửa. Trong một lần được cùng ông đi công tác, tôi được nghe ông kể câu chuyện của cuộc đời mình. Chất độc da cam đã cướp đi của ông người con trai thứ ba và để lại trong chính cơ thể ông nhiều mầm bệnh nan y. 

Do hoàn cảnh khó khăn nên năm 1982 ông chuyển công tác lên Tuyên Quang. Năm 1989 ông về nghỉ hưu, đến năm 1993 ông được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Chân Sơn. 


Ông Nguyễn Đăng Nghiễn (áo trắng) trò chuyện với các hội viên
 Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Yên Sơn.

Tháng 7-2011, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Yên Sơn thành lập, ông được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện. Ngày qua ngày không kể trời nắng hay mưa, quên cả ốm đau, bệnh tật, ông lại cùng với chiếc xe máy Dream đi đến với những người lính đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin ở 23 xã, thị trấn để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, con cái bệnh tật, xác định đối tượng nào có đủ điều kiện, rồi phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện làm hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước.

Hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, đến nay ông đã trực tiếp giúp, đủ điều kiện công nhận hưởng chế độ, chính sách hàng tháng cho 413 trường hợp trong toàn huyện. Trong đó, có 285 nạn nhân trực tiếp, 118 nạn nhân thế hệ thứ 2, và 10 nạn nhân thế hệ thứ 3. 

Quá trình làm hồ sơ đòi hỏi nhiều loại giấy tờ, thủ tục, chứng nhận khác nhau. Số đồng đội thì quá nhiều, quá trình thẩm định và xét duyệt lại qua nhiều khâu, liên quan nhiều bộ phận. Có những bộ hồ sơ được gửi đi nhưng chưa được xét. Nhiều đồng đội có khi vừa cầm được quyết định hưởng trợ cấp thì đã từ trần. 

Ông đưa tôi đến thăm các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trường hợp để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất là gia đình của hội viên Đỗ Xuân Quang, Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xóm 2 xã Chân Sơn có con bị nhiễm chất độc da cam là cháu Đỗ Xuân Vinh, năm nay hơn 21 tuổi. Cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố. Ông Quang từng là bộ đội tham gia chiến trường B2 vào thời gian từ năm 1970 đến 1975. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông trở về địa phương.


Ông Nghiễn (bên phải ảnh) thăm cháu Nguyễn Thị Ngân bị di chứng chất độc da cam
 ở xóm 16, xã Trung Môn (Yên Sơn). 

Tưởng cuộc sống hạnh phúc sẽ đến với ông, thế nhưng khi cháu Vinh càng lớn, thì sức khỏe cứ yếu dần đi và bị dị dạng do ảnh hưởng chất độc da cam. Ông bà đã nhiều lần chữa chạy cho con nhưng bệnh không khỏi mà còn nặng hơn. Trong khi đó, các thủ tục để làm cho cháu được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng gặp rất nhiều khó khăn. Nhận được sự giúp đỡ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện và nhất là ông Nghiễn, năm 2015 cháu được hưởng trợ cấp mỗi tháng hơn 1,3 triệu đồng. Ông Quang chia sẻ: “Nếu không có đồng đội tôi giúp làm các thủ tục giấy tờ cho cháu Vinh, thì có lẽ còn rất lâu nữa cháu mới nhận được trợ cấp”. 

Hoặc trường hợp của 2 cháu bị nhiễm chất độc da cam Nguyễn Thị Yên và Nguyễn Thị Phượng con của nạn nhân Nguyễn Văn Nguyên, Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Nhữ Khê. Ông Nghiễn đã không biết bao lần đến Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để làm các thủ tục giấy tờ cho 2 cháu được hưởng trợ cấp chất độc da cam/dioxin. Đến lần thứ 8 thì các thủ tục pháp lý và giấy tờ đã hoàn thành cho 2 cháu. Cuối năm 2015, các cháu đã được hưởng trợ cấp mỗi tháng hơn 1,3 triệu đồng. 

Ông còn trực tiếp đi kêu gọi vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn huyện ủng hộ Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin với tổng số tiền trên 372 triệu đồng. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đã tặng 695 suất quà cho các nạn nhân da cam vào các dịp lễ, tết với tổng số tiền 158 triệu đồng; 100% cơ sở hội đã xây dựng được Quỹ Vì nạn nhân chất độc cam với số tiền 185 triệu đồng.

Hội đã hỗ trợ cho 8 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn được làm nhà mới, tặng 4 xe lăn cho các nạn nhân mất khả năng lao động. Ông còn liên hệ đặt được 3 hòm từ thiện ở 3 chùa của các xã Phú Lâm, Xuân Vân và Hoàng Khai với tiêu đề “Chung tay chia sẻ nỗi đau da cam” để ủng hộ cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn…

Ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chia sẻ, những người như ông Nghiễn đã và đang xóa mờ dần nỗi đau của chiến tranh. Trong suốt những năm qua, dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, nhưng ông vẫn hết lòng vì đồng đội. Mỗi một nơi ông đến lại có một ánh sáng hy vọng, sẻ chia được thắp lên. Hy vọng, ông sẽ luôn giữ được sức khỏe, chiến thắng bệnh tật để lại sát cánh cùng với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin hàn gắn lại những vết thương của chiến tranh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 447
Hôm qua : 1.316