• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giới trẻ miền núi và nghề Youtube

Mạng xã hội lâu nay vẫn chưa hết ngạc nhiên với câu chuyện về vợ chồng Lưu Thị Hoàng Yến, Nguyễn Văn Hợp, Thôn Chanh 1, Thái Bình (Yên Sơn) “du mục” trên núi rừng để thực hiện video về trải nghiệm cuộc sống miền sơn cước. Video đăng tải trên Youtube với kênh “Đôi đũa tre”, thu hút hàng triệu lượt ...

Youtube xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2005, đến nay được xem là một trong những trang mạng xã hội phủ sóng rộng rãi và là công cụ kiếm tiền của không ít người, nhất là các bạn trẻ. Trên Youtube hiện nay có nhiều kênh giúp người xem học tập, truyền đạt kinh nghiệm, quan điểm, giới thiệu cuộc sống, vùng đất, con người. Ở Tuyên Quang có nhiều kênh nổi tiếng thu hút hàng nghìn lượt đăng ký theo dõi như:  “Anh em miền núi”, “Đôi đũa tre”, “Đông Bắc quê tôi”, “Giấc mơ xanh”… Với những video thô sơ, giản dị, chân thực, thu hút nhiều người xem, chia sẻ, bình luận. Đa số các kênh đều xoay quanh chủ đề về cuộc sống, văn hóa, ẩm thực con người miền núi.

Vợ chồng Lưu Thị Hoàng Yến, Nguyễn Văn Hợp, Thôn Chanh 1, Thái Bình (Yên Sơn) thực hiện video.

Cách đây hơn 1 năm, vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Hợp, Lưu Thị Hoàng Yến, thôn Chanh 1, Thái Bình (Yên Sơn) quyết định đến với nghề Youtube. Với ý tưởng là làm video trải nghiệm cuộc sống núi rừng, Hợp và Yến quyết định lên núi Cổng Trời, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) để sống theo kiểu du mục.

Chị Hoàng Yến cho biết, hằng ngày 2 vợ chồng sinh hoạt ở lán trại, cùng lên ý tưởng, kịch bản và quay các video. Sau 1 tuần lại về nhà để dựng hoàn thiện video và tải lên kênh “Đôi đũa tre”. Các video tiêu biểu thu hút nhiều lượt xem như “Sinh tồn trong rừng”, “Tự làm máng uống nước tự động”, “Ghế võng”, “Sống ở căn nhà mới giữa đại ngàn”, “Dựng bếp mới”… Hầu hết các video đều đạt đến trên 50 nghìn lượt xem. Trong đó có video “Ghế võng” kỷ lục với 3 triệu lượt xem. Chỉ sau 6 tháng, chủ nhân của kênh “Đôi đũa tre” đã được Youtube trao nút Bạc (nút bạc Youtube là phần thưởng được Youtube trao tặng dành cho chủ sở hữu của các kênh video các mốc 100.000 đăng ký theo dõi).

Đến với nghề Youtube, người làm phải có tư duy, ý tưởng. Mỗi kênh phải có đặc trưng riêng, tạo ra sự khác biệt do đó cần có sự sáng tạo liên tục để tránh nhàm chán. Nếu như kênh “Anh em miền núi” là trải nghiệm ẩm thực thì “Đông Bắc quê tôi” là video về kết nối thiện nguyện, “Tuyên Quang miền gái đẹp” là video về văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán, “Trâu vàng Tuyên Quang” video giới thiệu máy móc nông nghiệp…

Anh Hà Phúc Hiện, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) là chủ nhân của kênh “Tuyên Quang miền gái đẹp”. Anh cho biết, anh đam mê và yêu thích văn hóa quê hương. Đó là vẻ đẹp cô gái miền sơn cước, món ăn ngon đặc sắc của người dân bản địa, phong tục tập quán… Các video nhận được nhiều lượt xem như “Hái chè cùng em gái xinh dân tộc Pà Thẻn”, “Bữa cơm trong rừng với món thịt gà lam ống nứa”, “Lễ ăn hỏi của dân tộc Tày”, “Khai mạc chợ phiên Lâm Bình”, “Hát Then Tàng mừa Thâng”...

Đi theo chủ đề kết nối từ thiện, anh Nguyễn Văn Thế Anh, xã Yên Phú (Hàm Yên) là chủ nhân của kênh “Giấc mơ xanh”. Kênh đã trở thành “cầu nối” để các mạnh thường quân chia sẻ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Nói về công việc này Thế Anh chia sẻ: “Mình sẽ đến tận từng thôn bản để tìm đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, quay video kêu gọi kết nối. Không chỉ có những nhà hảo tâm trong tỉnh mà còn có nhà hảo tâm trong, ngoài nước ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn”.

Điển hình như trường hợp gia đình anh Trần Văn Huỳnh, thôn Trung Tâm, xã Minh Dân (Hàm Yên) có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân anh đau yếu, vợ bỏ đi khi con được 13 ngày tuổi. Thông qua mạng xã hội và kênh “Giấc mơ xanh” đăng tải, cộng đồng mạng đã ủng hộ hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra còn có sữa, bỉm để bé sử dụng trong vòng 1 năm. Anh Trần Văn Huỳnh chia sẻ: “Trong hoàn cảnh khó khăn mà nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của các nhà hảo tâm. Tôi thực sự xúc động và cảm ơn tấm lòng của mọi người”.

Bên cạnh việc mang lại video sinh động đời sống, văn hóa, con người… thì những người làm youtube cũng có nguồn thu nhập riêng do Youtube chi trả. Theo chị Lưu Thị Hoàng Yến, chủ nhân của kênh “Đôi đũa tre” thì Youtube chi trả theo lượt xem. Tháng cao điểm nhất, kênh thu nhập được gần 10 triệu đồng, còn trung bình từ 5 - 7 triệu đồng.

Bên cạnh những mặt tích cực thì cũng không ít bạn trẻ khắp nơi giở nhiều chiêu trò để làm “bàn đạp” cho sự nổi tiếng và kiếm tiền. Ông Vũ Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ, người làm nghề youtube cần thực hiện đúng quy định, truyền tải thông tin chân thực, nghiêm cấm những video phản cảm, nhảm nhí, bạo lực... Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi và quản lý chặt chẽ hoạt động kênh Youtube mang đến hiệu ứng xã hội tích cực.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 926
Hôm qua : 825