• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mong ước tuổi xế chiều

Khi con người ta đã đi một quãng đường dài, xuống dốc bên kia chuẩn bị tới đích tuổi xế chiều cũng là lúc chiêm nghiệm ra nhiều thứ trong cuộc đời. Luyến tiếc có, giá như có, nhưng đó là quá khứ. Giờ hiện tại tuổi già quỹ thời gian không còn nhiều, vậy làm sao để có một cuộc sống viên mãn vẫn là ...

Dân gian có câu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” quả thật đúng. Sự bình thường của người này lại là niềm ao ước của người kia. Có người lại bất hạnh ngay trong sự giàu có của mình. Giữa số phận và mong ước luôn là một nghịch lý. Tuy nhiên, người già thường không mơ ước quá cao siêu, họ mong ước những cái bình thường chính đáng nhất của cuộc sống. Và mẫu số thường tịu chung lại ở mấy điểm sau:

Tuổi già thích quây quần với các cháu.

Qua thời trẻ nông nổi, đến tuổi trung niên sốc vác, tuổi chớm già gắng sức, thì tuổi xế chiều người già lại mong ước thảnh thơi. Bởi cuộc đời lên gác xuống ghềnh đã nhiều, giờ họ muốn tâm hồn mình phẳng lặng. Ông Đoàn Công Kháng, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cho biết, nếu tuổi già mà còn phải lo đủ thứ thì thật là bất hạnh. Nên thảnh thơi là một tiêu chí rất quan trọng đối với người cao tuổi. Thảnh thơi ở đây còn có nghĩa người già thích ăn gì thì ăn, ngủ như thế nào thì ngủ, chơi như thế nào thì chơi. Mọi vấn đề của cuộc sống được gạt sang một bên để cuộc sống an lành.

Có thảnh thơi rồi thì mong ước sức khỏe đối với tuổi già là tiêu chí quan trọng. Sức khỏe người già thì chắc không thể so sánh với người trung niên được. Cái khỏe của tuổi già là mình không bị lâm trọng bệnh, ăn ngồi một chỗ, lú lẫn. Mong ước có thể chỉ là bớt đau khớp hơn khi trái gió trở trời, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu ở mức kiểm soát được. Hằng ngày, người già vẫn tự vệ sinh cá nhân, tập thể dục dưỡng sinh, ăn uống sinh hoạt cùng gia đình, lao động nhẹ, đi chơi hàng xóm, nghe đài. Như vậy với tuổi già đã là hạnh phúc lớn.

Các gia đình huyện Sơn Dương tham gia Liên hoan tiếng hát gia đình.  

Người già ai cũng hay lo xa, cả nghĩ. Bà Trần Thị Hạnh, xã Tân Long (Yên Sơn) cho rằng, tinh thần có mà vật chất thiếu nó cũng khập khiễng. Nhiều cụ về già không có lương hưu, sống phụ thuộc hầu hết vào con cháu. Nếu con cháu hiếu thảo tâm lý không sao, nhưng nhiều trường hợp “bất trị” khiến các cụ thêm đau lòng. Nhiều cụ thấy vậy vẫn phải “quân tử phòng thân”, thích chi tiêu độc lập. Các nguồn tiền có được các cụ gom gửi tiết kiệm hoặc trữ vàng phòng khi bất trắc. Có tiền muốn ăn tấm bánh đồng quà, bát phở các cụ có thể mua. Ốm đau mua thêm thuốc các cụ cũng có thể bỏ ra. Đi ăn cưới, giỗ chạp, vào nhà mới không phải lúc nào cũng ngửa tay xin con. Đối với người già tiền không cần nhiều quá, nhưng phải đủ chi tiêu thiết yếu, đó là hạnh phúc.

Người già sợ nhất cô độc. Nhiều gia đình đưa bố mẹ “nhốt” ở chung cư, khóa cửa đi làm hết. Các cụ thui thủi một mình buồn quá lại đòi về quê. Hạnh phúc của tuổi xế chiều là còn vợ còn chồng, sớm tối có nhau. Ngoài ra sống trong gia đình tứ đại đồng đường, tam đại đồng đường, các con cháu cũng là nguồn vui. Vui hơn nữa lại có những bạn già quanh xóm thường lui tới chơi. Người đánh cờ, người bổ trầu cau, người nói chuyện thời sự, người luyện câu lạc bộ dưỡng sinh, thưởng chè ngon, xem cây cảnh, chim hót. Giao lưu giúp người già hoạt bát, vui vẻ, sống lâu.

Ở cuối cuộc đời, người già thường buồn bã khi con cái tranh chấp đất đai, bất hòa dâu rể. Con cái không nghe lời sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Sống niềm vui không trọn vẹn khiến các cụ cứ day dứt. Một số cụ có con cái nhiều nhưng đều ở xa, có đứa tận nước ngoài, về già vẫn sống một mình. Mong muốn của các cụ là gia đình được quây quần, sum vầy, tối lửa tắt đèn, rau cháo có nhau. Không cần ở cùng nhà, nhưng các con, cháu ở quanh đó là các cụ cũng phấn khởi lắm rồi, đỡ tủi thân. Một mong ước nhỏ nhoi nữa của các cụ là mồ mả tổ tông, đôi đường nội ngoại được vẹn toàn, chu đáo.

Nói về những mong ước tuổi xế chiều, ông Lê Đăng Khoa, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm 2, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) khẳng định, không phải ai cũng có niềm vui trọn vẹn, song tâm lý của các cụ là không quá cầu toàn. Đến lúc này cái gì cho qua được là cho qua, cái gì không cần thiết là các cụ buông bỏ. Để những ngày tháng cuối đời vượt qua nghịch cảnh, sống thực sự có ý nghĩa với đời. Đó là mong ước sống vui, sống khỏe, sống có ích…


Tác giả: Theo TQĐT
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 400
Hôm qua : 762