• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những đảng viên “đầu tàu” ở Công Đa

Không còn cây sắn trên đất lâm nghiệp, không còn diện tích đất trống, 3 năm qua, người dân ở xã Công Đa (Yên Sơn) đã phủ xanh đất trống đồi trọc. Mong muốn hộ nghèo thoát nghèo, hộ trung bình vươn lên khá giả, hộ khá giả trở thành triệu phú giờ không còn là mơ ước xa vời. Tất cả là từ rừng. Đi đầu ...

Sự chuyển dịch đúng đắn

Chủ tịch UBND xã Lương Công Trình phấn khởi  cho biết: “Cả xã có trên 4 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó có trên 3 nghìn ha rừng”. Vài năm gần đây, Công Đa liên tục dẫn đầu và vượt kế hoạch trồng rừng trong huyện.  

Những năm trước, Đảng bộ xã Công Đa xác định phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và chăn nuôi là thế mạnh kinh tế của xã. Nhưng kể từ Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX, nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã xác định phát triển kinh tế rừng là thế mạnh. Theo đó, nhiều giải pháp được đưa ra. Trong đó, Đảng bộ xã lấy việc gương mẫu của cán bộ, đảng viên từ xã tới thôn, bản là cách tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng hiệu quả nhất. Những mô hình rừng trồng của đảng viên cho khai thác mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng từ các thôn Khuôn Bén, Khuôn Trò đến Khuôn Gành xuất hiện ngày càng nhiều. 

Ông Hà Thanh Chuyền, Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Trò kể lại rằng, trước bà con trồng rừng còn mang tính chống đối, trồng chưa đúng kỹ thuật. Vì thế năng suất thấp, mỗi ha rừng bán đi chỉ được từ 30 đến 40 triệu đồng. Không ít hộ trong thôn chuyển sang trồng chè, ngô, sắn. Nhưng gia đình ông Chuyền cũng như nhiều gia đình đảng viên khác vẫn kiên định trồng rừng.


Phó Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bén Dương Văn Chinh (người bên trái) chăm sóc rừng của gia đình.

Ông đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây keo, lựa chọn những giống keo tốt của những đơn vị cung ứng có uy tín; chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Cách đây hai năm, gia đình ông Chuyền khai thác 2 ha trong tổng số 8 ha rừng, thu về hàng trăm triệu đồng. Nhờ số tiền này, gia đình ông xây được nhà cao tầng. Thế rồi, nhiều hộ trong thôn trước chưa đầu tư vào rừng đã phá bỏ cây sắn để trồng rừng. Bây giờ Khuôn Trò có 128 ha rừng trồng của nhân dân, trong đó gia đình đảng viên có trên 20 ha. 

Anh Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết, từ năm 2016 đến nay, toàn xã trồng mới trên 200 ha rừng, vượt kế hoạch huyện giao. Xã vận động bà con không được tính “chắc lép”, mọi việc cứ theo hợp đồng ký kết mà làm. Khi được cung ứng giống, bà con sẽ được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho giá trị kinh tế cao hơn. Xã tuyên truyền như vậy rồi dần dần bà con cũng nghe. Năm ngoái, chỉ có 30 hộ ký hợp đồng với Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa nhận cung cấp giống cây, nhưng năm nay đã có gần 70 hộ ký hợp đồng.

Nêu gương làm giàu

Ở Công Đa, nhiều triệu phú rừng đầu tiên là đảng viên; không ít hộ nghèo thoát nghèo và trở thành triệu phú cũng từ rừng. Trong đó, thôn Khuôn Bén có phong trào trồng rừng mạnh nhất xã. Thôn có 220 ha rừng trồng của nhân dân và cũng là thôn có nhiều triệu phú từ rừng nhất. Trong thôn có 3 hộ phát triển kinh tế rừng theo mô hình trang trại. Đến nay, thôn có trên 80% hộ dân có nhà xây, nhiều hộ có xe ô tô con, xe ô tô tải. Mỗi năm bình quân có từ 4 đến 5 hộ nghèo thoát nghèo nhờ rừng.

Chúng tôi tìm gặp ông Dương Văn Chinh, Phó Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bén và các đảng viên Bùi Văn Trung, Nguyễn Viết Trọng... những con người được dân làng ở đây gọi là “người của rừng”. Ông Chinh kể: “Thôn có gần 100 hộ dân thì trước đây có trên 50% số hộ nghèo do bà con trồng sắn, trồng ngô. Phong trào trồng rừng trong đảng viên và nhân dân mạnh lên kể từ khi có nghị quyết chuyên đề của chi bộ về phủ xanh đất trống. Thực hiện nghị quyết này, gia đình các đảng viên phải nêu gương cho nhân dân. Tai nghe không bằng mắt thấy nên đảng viên mình phải đi trước, bà con thấy rồi làm theo chứ không cần nói nhiều đâu”.


 Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Trò Hà Thanh Chuyền, xã Công Đa (Yên Sơn) chăm sóc rừng của gia đình.

Chi bộ đã phân công từng đảng viên có nhiều rừng giúp đỡ những hộ nghèo; tổ chức cho các hộ nghèo đến tham quan mô hình rừng trồng của các hộ khá giả trong thôn. Điển hình như đảng viên Bùi Quang Trung giúp đỡ hộ nghèo Ma Văn Quynh thoát nghèo thành công; ông Dương Văn Chinh giúp đỡ hộ nghèo Trương Văn Trường thoát nghèo, xây được nhà. Nhiều hộ nghèo khác như Trần Văn Hà, Trần Văn Tuyến, Mai Đình Chinh, Trần Tiến Thành... cũng thoát nghèo nhờ rừng.

Chi bộ có 20 đảng viên, đông nhất xã, đảng viên nào cũng trồng rừng. Bình quân mỗi gia đình đảng viên có 5 ha rừng trở lên. Ông Chinh bảo đó là con số khiêm tốn. Những mô hình rừng trồng của gia đình đảng viên ở Khuôn Bén cũng như nhiều thôn khác đã trở thành mô hình dân vận khéo có sức lan tỏa trong nhân dân. Nhìn vào đó mà không ít hộ nghèo đã nuôi quyết tâm thoát nghèo. Mô hình kinh tế rừng của đảng viên Bùi Quang Trung là điển hình.

Từ gian khó, ông vươn lên trở thành triệu phú ở Khuôn Bén. Khi giá mua sắn lên cao, một số hộ trong thôn trồng sắn, ông Trung đã vận động bà con phá bỏ cây sắn để trồng rừng. Ông làm gương, đầu tư chăm sóc rừng trồng của gia đình mình. Gia đình ông có 10 ha rừng, chỉ tính trong hai năm 2015 và 2016, từ khai thác rừng, ông thu về khoảng 400 triệu đồng. Ông xây được nhà, mua được ô tô, mua máy cuốc để làm dịch vụ cho thuê, phát triển dịch vụ tạp hóa... 

Tấm gương vượt khó làm giàu của gia đình các đảng viên ở Khuôn Bén cũng như nhiều thôn khác đã trở thành động lực để hộ nghèo trong xã vươn lên. Anh Trần Văn Đảm, thôn Khuôn Trò trước đây là hộ nghèo. Khai thác đến đâu, anh Đảm trồng kế đến đó, không để đất trống. Sau khi trồng rừng và được khai thác 3 ha rừng trồng, gia đình anh đã xây được nhà đẹp. Năm 2016, gia đình anh được công nhận thoát nghèo. Anh Đảm chia sẻ: “Đảng viên họ trồng rừng có hàng trăm triệu đồng, mình không trồng rừng chắc vẫn ở cái nhà tạm, không làm được nhà to thế này đâu”. 

Rời Công Đa, chúng tôi lại nhớ câu nói vui của Chủ tịch UBND xã Lương Công Trình: “Tới Công Đa không có đặc sản bưởi, na, hồng như các xã khác mà chỉ có đặc sản cây keo thôi. Nhưng trong tương lai, chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo của xã sẽ không còn trên 40% như bây giờ nhờ cây keo, nhờ những mô hình kinh tế từ rừng”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 69
Hôm qua : 762