• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự hy sinh thầm lặng

Trên mặt trận không tiếng súng, lực lượng quân đội đã “chiến đấu” vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh thậm chí cả tính mạng để đương đầu với “kẻ thù” là thiên tai, dịch họa… bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Sẵn sàng khi Nhân dân cần

Tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ “Ở đâu nhân dân gặp khó khăn, gian khổ, thiên tai, dịch bệnh thì ở đó có bộ đội giúp dân”. Trong thời bình, phẩm chất, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục được phát huy và tỏa sáng.

Những tháng đầu năm 2020, khi cả nước sục sôi phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cùng với Quân đội cả nước, những người lính Cụ Hồ đã lao vào cuộc chiến với “kẻ thù vô hình” Covid-19 với vai trò là lực lượng xung kích, đi đầu. Bộ đội của tỉnh, huyện cùng với lực lượng dân quân của các địa phương đã túc trực, hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ tại 13 khu cách ly của toàn tỉnh và các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, y tế đảm bảo an toàn tuyệt đối mọi hoạt động của khu cách ly. Tình quân dân giữa mùa Covid-19 càng thêm khăng khít khi các khu cách ly tập trung, các chốt kiểm dịch của huyện, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ vật chất, tinh thần của các cấp, ngành, nhân dân. Trân trọng tấm lòng của các nhà hảo tâm, những thực phẩm được tiếp nhận tại các khu cách ly đều được các “anh nuôi” công khai minh bạch, sử dụng đúng mục đích nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho công dân cách ly, người phục vụ.


Cán bộ Trung đoàn 247, Bộ CHQS tỉnh giúp nhân dân xã Kim Phú (TP Tuyên Quang)
làm mặt đường để làm đường bê tông nông thôn.  Ảnh: Minh Tuyên

 

Đồng chí Đại tá Trần Văn Du, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, so với các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2, tỉnh ta may mắn là mảnh đất “lành”, chịu ít hơn những thiệt hại do thiên tai gây ra so với các tỉnh khác. Tuy nhiên, không vì thế mà bộ đội chủ quan, lơ là. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị nắm chắc tình hình dự báo thời tiết; chuẩn bị tốt mọi lực lượng, phương tiện để sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống về thiên tai xảy ra. Từ đầu năm đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng thường trực, dân quân tự vệ và trên 200 lượt phương tiện các loại tham gia ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh. Bộ CHQS và các đơn vị rà soát, bổ sung, quản lý chặt chẽ quân số phương tiện, vật chất phục vụ cho nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Đồng chí Tham mưu trưởng nhấn mạnh “Nếu có tình huống về thiên tai xảy ra, chúng tôi lập tức lên đường với tinh thần bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người và tài sản của nhân dân”.

Tượng đài trong lòng Nhân dân

Từ khi miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, ngày ngày chị Hoàng Lan Anh, tiểu thương chợ Phan Thiết (thành phố Tuyên Quang) liên tục cập nhập tình hình thiệt hại và dõi theo hành trình tìm kiếm thi thể, lễ tang của 33 cán bộ sỹ quan, chiến sỹ đã hy sinh. Chị rơm rớm nước mắt: “Khi mạng xã hội lan truyền những video, hình ảnh hoang tàn của miền Trung, về bộ đội bị hy sinh, tôi thấy xót xa vô hạn. Ám ảnh trong tôi là hình ảnh hàng triệu khối đất đá vùi lấp lên các anh; người thân của các anh đầu chít khăn tang gào khóc trong đau đớn; đứa con nhỏ chừng 1 năm tuổi của người lính đã hy sinh nằm trên tay đồng đội của cha, miệng ngậm bình sữa…” Chị Lan Anh xúc động mạnh với hình ảnh đồng đội của các anh vượt qua những vách núi cheo leo có thể sập đổ bất cứ lúc nào, bất chấp hiểm nguy, làm việc quên cả ăn trưa để nhanh chóng mở đường vào cứu đồng đội. Trong công cuộc tìm kiếm người bị nạn, những chiến sỹ chỉ ăn vội chiếc bánh mỳ rồi lao nhanh vào dùng tay bới đất vì sợ đồng đội mình đau nên không dám dùng cuốc xẻng…

Biết bao nhiêu người con Tuyên Quang vẫn đang hướng về miền Trung ruột thịt với sự đau xót. Hình ảnh người lính Cụ Hồ gồng mình trong cơn “Đại hồng thủy”, con nước dữ có thể nhấn chìm mọi thứ nhưng các anh vẫn không kể ngày đêm giúp dân sơ tán, đưa hàng cứu trợ, cùng nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Sự hy sinh của người lính đã chạm đến trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam. Không bỏ sót bất cứ thông tin nào về miền Trung, ông Nguyễn Chí Sình, người dân tổ dân phố 10, thị trấn Na Hang (Na Hang) bày tỏ: “Tôi vẫn cầu mong có phép màu đến với những người lính nhưng điều đó không xảy ra. Khi nhân dân gặp nạn, Bộ đội Cụ Hồ kề vai sát cánh với nhân dân là đã thấy có “điểm tựa” vững chắc. Đất nước này, thời chiến hay thời bình đều biết ơn các anh…”.

Những ngày qua, trước tình hình mưa lũ ở miền Trung gây thiệt hại nặng nề, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo chỉ huy các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, thông báo về miền Trung. Cùng với đó là công tác nắm tình hình, chuẩn bị tốt phương châm 4 “tại chỗ” trong phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, lãnh đạo chỉ huy các đơn vị tăng cường quán triệt, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, sỹ quan về nhiệm vụ, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, nêu gương hy sinh của đồng đội thuộc LLVT Quân khu 4; đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, thông xin xấu độc về Đảng, Nhà nước, Quân đội trong thời điểm hiện nay.

Dù trong thời chiến cũng như thời bình, những đóng góp của người lính không thể kể hết, cả trong chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Có thể thấy, miền đất nào thiếu thốn và gian khổ nhất, nơi ấy có các anh. Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, những người lính vẫn từng ngày, từng giờ ra sức bảo vệ và dựng xây đất nước ngày càng phồn thịnh.


Tác giả: Theo TQĐT
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 451
Hôm qua : 859