• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những “nghệ nhân” ghép cây

Những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng, đặc biệt là cây ăn quả có múi như cam, bưởi, từ đó cũng sản sinh ra nhiều “nghệ nhân” ghép cây. Nhờ những “nghệ nhân” ghép cây mà chất lượng, sản lượng cây ăn quả của tỉnh đang ngày một nâng cao, giúp người dân tăng thu nhập.

Chuyển đổi ghép cây trồng kém hiệu quả

Chúng tôi có dịp đến thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn) được tận mắt thấy vườn cam quả lúc lỉu, sai trĩu cành của gia đình anh Nguyễn Văn Vĩnh là thành quả của nhiều năm tìm tòi, học hỏi, áp dụng kỹ thuật ghép cam trên thân bưởi. Với diện tích 4 ha cam, vụ vừa rồi, vườn cam cho năng suất 100 tấn, thu lãi 1,6 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng 1,5 ha cam ghép bưởi đã cho 60 tấn quả, thu lãi 1,2 tỷ đồng.

Anh Vĩnh kể, hơn 8 năm trước, 4 ha đất đồi của gia đình anh chỉ trồng cam canh, cam vinh và 1.200 gốc bưởi Diễn. Tuy nhiên, do không hợp đất nên cây bưởi cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Tiếc công chăm sóc bưởi, anh tìm đến những vùng trồng cây ăn quả nổi tiếng như Hòa Bình, Phú Thọ để học tập kinh nghiệm ghép gốc cây bưởi với cam. Năm 2016, anh Vĩnh áp dụng phương pháp ghép cam trên 200 gốc bưởi đầu tiên.

Mắt ghép cam trên gốc bưởi phát triển tốt. Sau 2 năm chăm sóc, vườn cam ghép trên cây bưởi của anh ra trĩu quả. Đến năm thứ 3, cây cam ghép trên gốc bưởi lại cho năng suất cao gấp đôi so với cây cam khác không được ghép nên anh quyết định chặt hết toàn bộ 1.200 cây bưởi để ghép cho cây cam. Quả cam trên cây ghép cũng cho chất lượng và mẫu mã đẹp hơn. Đặc biệt là nhờ sống trên gốc bưởi già, cây cam gần như không mắc bệnh. Từ ngày trồng cam, chưa khi nào gia đình anh bị mất mùa.

Vườn cam ghép trên gốc bưởi của gia đình anh Nguyễn Văn Vĩnh, thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn).

Không giữ cho riêng mình, nhờ đã có kinh nghiệm thực tế ghép cây từ vườn cam của gia đình, anh Vĩnh đã chia sẻ, trực tiếp giúp nhiều hộ trong thôn ghép cải tạo cam trên gốc bưởi như hộ anh Nguyễn Văn Quang, Tạ Văn Vượng… Nhờ đó, giúp nhiều hộ thu nhập cả nửa tỷ đồng từ trồng cam ghép, cuộc sống ngày một khấm khá hơn.

Có thâm niên gần 10 năm trong nghề ghép cây, ông Vũ Duy Thiệu, tổ 1, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) luôn bận bịu vì nhiều người gọi đi ghép cây giống, ghép cây cải tạo. Làm không hết việc, ông truyền dạy cho con trai theo nghề để cùng hỗ trợ.

Đôi tay thoăn thoắt, uyển chuyển theo từng đường dao sắc ngọt, ông vừa làm vừa kể cho chúng tôi nghe về cái duyên đến với nghề ghép cây. Ông Thiệu chia sẻ, ông đã 30 năm làm nghề ươm cây giống. Với niềm đam mê cây cối, mong muốn tạo ra được nhiều giống cây chất lượng, ông đã tìm tòi từ sách báo, tìm đến học hỏi những người có kinh nghiệm về ghép cây. Hiện ông đã nắm vững nhiều kỹ thuật ghép cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả như ghép cây nối ngọn, ghép chuôi cành, ghép chồi 1 bên thân, ghép cải tạo.

Mấy năm gần đây, nhu cầu ghép cây giống, ghép cải tạo chuyển đổi cây bưởi kém chất lượng sang cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ông làm không hết việc. Theo kinh nghiệm nhiều năm làm nghề ghép cây, ông Thiệu chia sẻ, để ghép cam, chanh trên thân bưởi đạt kết quả tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi thu hoạch bưởi vào vụ cuối, dùng cưa sắc cắt hết các cành cấp 1 cách nơi phân cành 20-30 cm rồi bón phân, tưới nước, ủ gốc cho các mầm bưởi mọc lên.

Ông Trịnh Văn Thịnh, thôn Soi Đát, xã Xuân Vân (Yên Sơn) chia sẻ cách ghép cây cam trên gốc bưởi.

Chăm sóc đến tháng 4 âm lịch lên mầm thứ 2 bắt đầu tiến hành ghép. Sau một tháng ghép nếu mầm cam dài khoảng 20 cm thì tiến hành tháo bỏ túi bóng cuốn ghép. Với cách ghép cải tạo này chỉ mất 1 năm, sang năm thứ 2 cây bắt đầu cho quả bói, từ năm thứ 3 trở đi sản lượng sẽ tăng dần.

Vừa trò chuyện, đôi tay ông Thiệu thoăn thoắt dùng kéo cắt cành, lấy dao sắc gọt cành bưởi vừa đủ độ dài, sâu rồi nhanh chóng đặt mắt cam vào trong, cuốn chặt lại bằng ni lon trắng.

“Phải làm thật nhanh để bảo đảm dinh dưỡng của cây gốc được chuyển đến nuôi mảnh ghép. Khi thực hiện cần tránh làm mắt bị tổn thương, tỷ lệ sống sẽ cao”. Bao năm trong nghề, ông Thiệu được chủ vườn ở khắp nơi trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Hà Giang thuê ghép cây.

“Ghép cây hơn nhau ở kỹ thuật. Tiếp đến là chọn được gốc, mắt ghép khỏe, sạch bệnh. Trừ cây có múi, thời điểm ghép các giống khác tốt nhất là mùa xuân và mùa thu bởi khi đó mắt ghép có tỷ lệ sống cao nhất”- ông Thiệu bảo.

Để đảm bảo, khi mắt ghép sống ông Thiệu mới nghiệm thu vườn, tính tiền. Mỗi mắt ghép trổ mầm ông được trả công 3.000 đồng hoặc làm khoán vườn tiền công từ 700.000 - 1 triệu đồng/ngày. Bên cạnh nguồn thu nhập từ bán cây giống, nguồn thu nhập từ ghép cây giúp cuộc sống gia đình ông ngày một dư dả hơn.

Đáp ứng nhu cầu chuyển đổi

Hiện tỉnh ta có diện tích gần 20.000 ha cây ăn quả các loại. Trong đó có 7.500 ha cam, 5.500 ha bưởi, 900 ha nhãn… Nhu cầu chuyển đổi cây ăn quả già cỗi, đặc biệt là cây bưởi, cam là rất lớn. Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Tường, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, nhờ sự năng động, giỏi nghề ghép cây của những người làm vườn, thợ ghép cây đã tạo ra nhiều loại cây ăn quả với chủng loại đa dạng.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, thôn Bình Ca 2, xã Tứ Quận (Yên Sơn) ghép cam trên gốc bưởi.

Như ghép cải tạo cây bưởi già cỗi thành bưởi đường, cam canh, cam vinh, chanh tứ mùa, phật thủ; táo chua, táo ngọt; mít thái, mít ruột đỏ; hồng xiêm, hồng giòn… Bên cạnh đó, biện pháp ghép cây giúp đốt cháy giai đoạn trồng cây, nhanh thu hoạch hơn so với trồng cây mới. Nhiều cây như cây chanh, chỉ sau ghép 6 tháng đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.

Chúng tôi đến thăm vườn cam vinh ghép trên thân bưởi xanh mướt, đang thời kỳ ra hoa đậu quả của gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn, thôn Bình Ca 2, xã Tứ Quận (Yên Sơn). “Vườn cam ghép trên bưởi rộng hơn 1 ha với hơn 100 gốc, sau hơn 1 năm ghép đã cho gia đình anh thu hơn 5 tấn quả vụ vừa rồi. Hiện vụ cam này, cây đang phát triển xanh tươi, tán rộng hơn, hoa và quả non nhiều hơn sẽ hứa hẹn một vụ mùa bội thu”. - anh Tuấn khoe.

Hiện gia đình anh Tuấn còn hơn 100 gốc bưởi đang chuẩn bị ghép cam vinh.  Anh Tuấn bảo, mùa đông là thời điểm thích hợp nhất để ghép cây có múi bởi ít mưa, ít sâu bệnh. Sau khi ghép xong, mắt ghép ủ mầm qua mùa đông, mùa xuân đến, nhiệt độ ấm là đâm chồi, nảy lộc. Bằng cách này, chỉ cần năm sau gia đình anh sẽ được thu cam, nhanh hơn 2-3 năm so với trồng cây mới. Để mắt ghép bảo đảm chất lượng, anh đặt mua cành cam bánh tẻ sạch bệnh ở vườn ươm uy tín.

Những “nghệ nhân” ghép cây là một bước tiến vượt bậc để các nhà vườn chuẩn hóa cây trồng, giúp cây trồng có chất lượng quả tốt, năng suất cao, từ đó đưa thương hiệu cây ăn quả tỉnh ta ngày một vươn xa.


Nguồn::Theo TQĐT Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 386
Hôm qua : 899