• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có một con đường mang tên Đoàn kết

 Mấy chục năm qua, gia đình anh Tráng Văn Sơn, thôn Làng Phát, xã Kim Quan (Yên Sơn) chọn nơi định cư dưới cánh rừng là nơi xa nhất, đường khó nhất của thôn, gia đình anh chưa bao giờ nghĩ sẽ có con đường đẹp như thế này đi qua. Việc hiến đất của gia đình anh thực sự xứng đáng.

Việc gì có lợi cho dân hết sức làm

Năm 2019, để đưa xã Kim Quan về đích nông thôn mới, Nhà nước chủ trương đầu tư tuyến đường bê tông dài 8 km qua 3 thôn: từ Làng Hản, Làng Thang đến Khuổi Phát (khi chưa sáp nhập Làng Thang, Khuổi Phát thành Làng Phát). Thôn Khuổi Phát lại giáp với Làng Chạp, xã Trung Sơn. 2 thôn của 2 xã nối với nhau bằng con đường mòn đi qua rừng sản xuất.

Người dân thôn Làng Phát, xã Kim Quan (Yên Sơn) phấn khởi vì tuyến đường liên thôn hoàn thành
và đưa vào sử dụng góp phần về đích nông thôn mới.

Con đường từ Khuổi Phát là đường cụt của xã Kim Quan, cách trung tâm xã gần chục cây số. Trong khi đó, từ Khuổi Phát qua Làng Chạp đến trung tâm xã Trung Sơn chỉ mất 1 cây số. Đường mòn gập ghềnh, đi lại khó khăn. Khi trời mưa thì người dân chỉ có cách đi bộ.

Cấp ủy, chính quyền xã Trung Sơn vẫn luôn thấu hiểu nhọc nhằn, khốn khó của đồng bào thôn Khuổi Phát. Đường đã làm đến Khuổi Phát rồi, cố gắng làm thêm một đoạn nữa sang đến đất Làng Chạp thì thôn nối thôn bằng con đường bê tông rộng đẹp bà con Khuổi Phát không còn khổ vì đường nữa. Với người dân Làng Chạp sẽ không còn phải đi bộ lên rừng, lên nương nữa. Ô tô có thể lên tận chân rừng, chân nương thu mua, vận chuyển gỗ, nông sản. Từ suy nghĩ đó, Đảng ủy xã Trung Sơn họp bàn, thống nhất và đề xuất lên Huyện ủy, UBND huyện xin được làm thêm một đoạn đường bê tông nối từ Khuổi Phát sang Làng Chạp.

Tháo gỡ từng “nút thắt”

Cấp ủy, chính quyền 2 xã Kim Quan, Trung Sơn xác định phải tháo gỡ 4 “nút thắt” trong công tác dân vận mới có thể hoàn thành tuyến đường. Tại xã Kim Quan, chính quyền đã vận động, tuyên truyền nhân dân dọc 2 bên đường thôn Làng Phát giải phóng mặt bằng nhằm mở rộng tuyến đường. Đồng thời, vận động gia đình anh Tráng Văn Sơn hiến đất sản xuất để làm đường. Với xã Trung Sơn, nhiệm vụ là vận động thành công 2 gia đình anh Giàng Seo Páo, thôn Làng Chạp; anh Dương Văn Páo, thôn Lâm Sơn có đất sản xuất tại Làng Chạp hiến đất làm đường với diện tích trên 1.000m2/hộ.

Anh Giàng Seo Páo, dân tộc Mông, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (ngoài cùng bên trái) hiến 1.000m2 đất làm đường.

Ông Linh Xuân Ba, Bí thư Chi bộ thôn Làng Phát bảo, tuyến đường phải mở rộng hơn, đường đi qua ruộng của bà con chừng mỗi bên đường vài chục phân. Bà con đều nhất trí cao với chủ trương làm đường mới nhưng lúa sắp thu hoạch, bà con chần chừ, muốn giải phóng mặt bằng sau khi gặt xong khiến tiến độ bị chậm. “Từng hạt thóc là từng giọt mồ hôi rơi, đồng bào mình tiếc công, tiếc của cũng có lý mà!” - ông Ba giãi bày.

Tuy nhiên, sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, từ thái độ chần chừ, bà con thôn Làng Phát cũng đã tự nguyện, nhanh chóng giải phóng mặt bằng. 

Tháng 4-2021, tuyến đường được khởi công ở thôn Làng Phát. Vậy là “nút thắt” đã được tháo gỡ. Tinh thần đồng lòng, đoàn kết của người dân đã tạo động lực để cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước tháo gỡ 3 “nút thắt” còn lại.

“Chung lưng, đấu cật” với Đảng 

Đó là điều mà các anh: Dương Văn Páo, dân tộc Nùng, đảng viên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trung Sơn; Giàng Seo Páo, dân tộc Mông, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn; Tráng Văn Sơn, thôn Làng Phát, xã Kim Quan tâm đắc nhất khi nhìn con đường bê tông mịn như nhung nối làng với làng, xã với xã.

Sau nhiều năm ky cóp, gia đình thầy giáo Dương Văn Páo mua được đất sản xuất ở thôn Làng Chạp. Gắn bó với ngôi Trường THPT Trung Sơn đã từ lâu, anh vẫn hiểu và chia sẻ với nhọc nhằn của lũ trẻ ở Khuổi Phát trên con đường đến trường bấy lâu nay. Thầy giáo Páo giãi bày: “Khi Đảng ủy, UBND xã nói với mình về chủ trương làm đường, hộ dân hiến đất không đền bù, mình về bàn với vợ. Mình nói với vợ “Tôi là đảng viên. Đảng viên thì phải gương mẫu”, vợ mình đồng tình ngay. Mình nói với các cán bộ, các anh cứ đo đất làm đường cho đúng tiêu chuẩn quy định, qua bao diện tích thì qua. Sau này, cán bộ thông báo lại, đường đi qua diện tích đất sản xuất của gia đình mình khoảng 1.000m2”.

Liền kề với đất sản xuất của thầy giáo Páo là đất rừng của anh Giàng Seo Páo, dân tộc Mông. Trong diện tích đất rừng sản xuất 4 ha của anh, một phần trên đất Làng Chạp, xã Trung Sơn, một phần ở Khuổi Phát, xã Kim Quan. Chúng tôi tìm gặp anh Páo đúng lúc anh bận rộn gặt lúa mùa. Gạt mồ hôi rơi lã chã trên khuôn mặt, anh bộc bạch “Từ đầu tôi cũng không đồng ý hiến đất đâu. Cây keo trên rừng đã được 3 năm tuổi, nó đang xanh tốt; đường đi qua diện tích đất sản xuất của mình nhiều nữa. Cán bộ 2 xã gặp mình, nói cho mình hiểu là làm đường không chỉ cho riêng Làng Chạp, mà còn vì cộng đồng người Nùng, để trẻ em đến trường thuận lợi, người đau ốm đến Bệnh viện Đa khoa ATK thuận lợi”.

Anh Páo kể, quê anh ở Xín Mần (Hà Giang). Đại gia đình anh rời quê, chọn định cư ở Làng Chạp đã mấy chục năm rồi. Ở đây có rừng, nước tưới tiêu và đường sá thuận lợi. Nhờ đó, gia đình anh đã thoát nghèo năm 2019. Giờ về quê cũ chưa có đường, đường mòn lởm chởm đá, xe máy phải gửi nhờ dân ở khu ngoài rồi đi bộ cả cây số mới về được đến nhà. Người Nùng Khuổi Phát cũng nhọc nhằn như người thân ở quê cũ anh. Nghĩ vậy, anh Páo đã hiến 1.000m2 đất sản xuất không tiếc nữa.

Từ tấm gương của 2 anh Páo, cấp ủy, chính quyền xã đã vận động thêm 7 hộ người Mông của thôn Làng Chạp hiến 2.500 m2 đất làm đường.

Gia đình ông bà Tráng Văn Sơn, Hoàng Thị Chích, dân tộc Nùng, thôn Làng Phát, xã Kim Quan (Yên Sơn)
hiến 1.200m2 đất làm đường.

Trong ngôi nhà sàn đơn sơ, anh Tráng Văn Sơn, khu dân cư Khuổi Phát, Làng Phát trân trọng treo Bằng khen của UBND tỉnh tặng cho mình vì đã có thành tích trong xây dựng nông thôn mới. Tôi hỏi anh “Là hộ cận nghèo, khi hiến 1.200 m2 làm đường, anh có tiếc không?”.

Anh Sơn cười tươi:

- Tiếc gì chứ! Có đường đẹp, phẳng phiu, bản thân mình, vợ, con, cháu cũng được hưởng, không còn khổ nữa. Sau khi đường hoàn thành, xe ô tô mua gỗ lên tận nơi, không còn phải vất vả chở công nông nữa, giá gỗ cũng cao hơn trước.

Bon bon trên con đường bê tông trải dài mà người dân ở đây gọi là con đường “đoàn kết”, chúng tôi thấy được sức mạnh của sự đoàn kết, đồng lòng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Họ đã hy sinh lợi ích của cá nhân để vì sự phát triển của cộng đồng.


Nguồn::Theo TQĐT Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 314
Hôm qua : 899