• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kịp thời phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Hiện nay, các trà lúa mùa trên địa bàn tỉnh sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều diện tích đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa dông rất thuận lợi cho một số sâu, bệnh cuối vụ phát sinh, gây hại. Để bảo vệ sản xuất, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con ...

Kết quả điều tra của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Yên Sơn, hầu hết diện tích lúa mùa trên địa bàn huyện đang giai đoạn làm đòng, trỗ bông. Tuy nhiên, rầy nâu, rầy lưng trắng đang phát sinh lan rộng, mật độ cao 500 - 800 con/m2, cục bộ có những ổ lên đến 1.000 - 1500 con/m2. Sâu cuốn lá nhỏ cũng gây hại, mật độ 8 - 10 con/m2, điểm cục bộ 15 - 20 con/m2. Bệnh bạc lá phát sinh trên các giống tỷ lệ hại điểm cao 10 - 15% số lá...

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh điều tra sâu, bệnh hại
trên cánh đồng xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang).

Không riêng trên địa bàn huyện Yên Sơn, bà con nông dân huyện Hàm Yên cũng đang phải bám đồng, bám ruộng theo dõi sát tình hình sâu, bệnh hại kịp thời có biện pháp phòng, trừ. Ông Nguyễn Văn Thuận, thôn 31, xã Thái Sơn lo lắng, lúa đang trỗ bông, sâu, bệnh hại lại phát sinh lan rộng nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa. Hạn chế tối đa sâu, bệnh gây hại, ông Thuận phải thăm đồng thường xuyên, theo dõi diễn biến sâu, bệnh hại. Ông Thuận cho biết, ngày 31-8 ông đã phun thuốc trừ rầy tuy nhiên thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước tưới dưỡng bị thiếu hụt nên hiệu quả phòng trừ kém. Hiện, ông đang tiếp tục theo dõi nếu thấy dấu hiệu sâu, bệnh phát sinh, gây hại gia tăng ông sẽ phun lặp lại.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay sâu, bệnh hại lúa mùa đang có xu hướng gia tăng, nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình làm đòng, trỗ bông, phơi màu của lúa. Hiện đã ghi nhận trên 1.100 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, 48 ha nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn; 30,5 ha nhiễm bệnh bạc lá; 26 ha nhiễm rày nâu, rày lưng trắng, ngoài ra lúa còn bị dịch chuột cắn phá... Diện tích lúa bị nhiễm sâu, bệnh hại tập trung nhiều nhất tại huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn và Hàm Yên.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, dự tính trong thời gian từ nay đến giữa tháng 9, rầy nâu - rầy lưng trắng lứa 6 tiếp tục nở rộ, mật độ điểm cao 800 - 1.000 con/m2, điểm ổ lên đến khoảng 2.000 - 3.000 con/m2. Sâu cuốn lá nở rộ từ ngày 7 đến ngày 12-9, mật độ điểm cao 10 - 12 con/m2, điểm cục bộ 20 - 30 con/m2. Ngoài ra là các đối tượng sâu, bệnh hại khác như bọ xít, bệnh khô vằn nếu không kiểm soát nguy cơ lan rộng rất cao. 

Trước tình hình sâu, bệnh phát sinh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường điều tra, dự tính, dự báo, hướng dẫn bà con phòng, trừ, hạn chế sâu, bệnh hại lan rộng, bảo vệ năng suất, sản lượng lúa mùa. Đối với rầy nâu - rầy lưng trắng sử dụng các loại thuốc Bassa 50 EC, Bascide 50 EC, Amira 25WG, NIBAS 50 ND, Vibasa 50 EC... Sâu cuốn lá nhỏ sử dụng thuốc Vitako 40 WG, Solo 350 SC, Sunato 800 WG, Chim sâu Gold 241 SC... Thời gian phun trừ tốt nhất từ nay đến ngày 14-9.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đề nghị Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi thực hiện điều tiết, bơm tưới nước đối với diện tích lúa mùa, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lúa đang thời kỳ trỗ bông, thiếu nguồn nước tưới dưỡng đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng, trừ dịch hại. Chi cục cũng yêu cầu đơn vị chuyên môn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các điểm buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn người nông dân mua đúng, đủ các chủng loại thuốc, tổ chức phun đúng kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả và bảo vệ môi trường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 226
Hôm qua : 1.426