• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước phát triển đột phá - Bài 3: Liên kết phát triển rừng bền vững

Dấu ấn sâu đậm trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh thời gian qua là có sự liên kết giữa các nhà máy chế biến với người trồng rừng. Đây là chuỗi liên kết bền vững nhất, tạo ra nhiều giá trị cho người dân. Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng ...

Đổi thay từ rừng

Kinh tế lâm nghiệp đã đóng góp tích cực cho công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm vượt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra; thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 44,57 triệu đồng/năm. Từ phát triển rừng đã làm thay đổi diện mạo nhiều vùng quê nghèo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.  

Cuộc sống của người dân xã Tiến Bộ (Yên Sơn) trước đây gặp không ít khó khăn, thế nhưng từ khi người dân nơi này bắt tay trồng cây gây rừng, cuộc sống đã thay đổi hẳn. Đèo Trám là thôn khó khăn nhất xã vì trước đây người dân sống du canh du cư. Thôn có 43 hộ đều là người Nùng từ Hà Giang về định cư ở đây năm 1976. Trưởng thôn Đèo Trám Sèn Văn Nam khẳng định, nếu không có rừng thì cuộc sống của người dân nơi này cứ mãi nghèo thôi. Từ tình yêu rừng, người Đèo Trám nguyện “thề” giữ rừng, làm cho những cánh rừng mãi xanh. Chả thế mà giờ đây mỗi hộ ở Đèo Trám đều có một khoảnh rừng, nhà ít cũng có đến 4 ha rừng, nhà nhiều 12 ha, toàn thôn có đến 350 ha rừng. Mỗi hộ có thu nhập từ rừng đạt 50 đến 200 triệu đồng mỗi năm; bình quân thu nhập của thôn đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng. Đây là điều mà trước đây người Đèo Trám không dám nghĩ đến.

Rừng trồng xã Tiến Bộ (Yên Sơn) được cấp chứng chỉ FSC.

Không chỉ thoát nghèo mà ở khắp nơi trong tỉnh đã xuất hiện nhiều tỷ phú rừng. Ở Hàm Yên, nhiều người biết đến tỷ phú rừng Đỗ Đình Hân, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú. Hiện giờ ông Hân có đến gần 50 ha đất vườn rừng, trong đó đất trồng rừng khoảng 40 ha, còn lại ông trồng cây ăn quả. Mỗi năm thu nhập từ trang trại của gia đình ông đạt cả tỷ đồng. Ông bảo, trước ông và nhiều người ở đất này còn thiếu đói trong mùa giáp hạt nhưng từ khi bén duyên với nghề trồng rừng, gia đình ông đã trở nên giàu có. Hơn 20 năm gắn bó với rừng, từ trồng quế đến trồng keo, ông đã xây được nhà kiên cố, nuôi con cái khôn lớn trưởng thành.

Đi đến đâu trong tỉnh, câu chuyện làm giàu từ rừng cũng thật sôi nổi. Nhờ đó, diện tích rừng của tỉnh mỗi năm một tăng lên, tỷ lệ che phủ của rừng đến nay đạt 65%, vượt mục tiêu Nghị quyết, đứng thứ 3 toàn quốc. Trung bình mỗi năm trồng mới trên 10.000 ha rừng, hiện toàn tỉnh có trên 180.000 ha rừng trồng, đây thực sự là “kho báu” của người dân, góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến. Để bảo đảm đầu ra cho gỗ rừng trồng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 nhà máy của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Nhà máy Bột giấy và Giấy của Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Nhà máy đũa gỗ Phúc Lâm (Chiêm Hóa), Nhà máy Giấy đế (Na Hang) và trên 300 cơ sở chế biến lâm sản bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân. Đây là yếu tố quan trọng để người dân yên tâm gắn bó với nghề rừng, bảo đảm tạo nguồn nguyên liệu bền vững cho ngành công nghiệp chế biên lâm sản trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao giá trị gỗ rừng trồng

Để nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho người dân, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh ta đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào khâu sản xuất giống và cấp chứng chỉ quốc tế FSC cho rừng.

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện nay, giá trị thu nhập trên 1 ha rừng của tỉnh mới đạt 60 triệu đồng/chu kỳ 7 năm, chưa mang lại thu nhập cao cho đại bộ phận người trồng rừng. Để nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp xây dựng và triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020 và chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao giai đoạn 2018 - 2021. Năm 2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Đây là lần đầu tiên tỉnh ta có một nghị quyết riêng về hỗ trợ cây giống chất lượng cao cho người trồng rừng. Trong 3 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ hơn 3.000 ha rừng trồng bằng các giống keo lai nuôi cấy mô, keo hạt nhập ngoại cho người trồng rừng ở các huyện, thành phố. Giống keo mô và keo hạt nhập ngoại sẽ sinh khối lớn, phát triển nhanh, khả năng chống gẫy đổ và chống chịu sâu bệnh cao, mang lại giá trị cao hơn cho người dân trên 1 đơn vị diện tích.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện cấp chứng chỉ rừng FSC. Người trồng rừng lại liên kết với các công ty thực hành trồng rừng theo quy chuẩn quốc tế, đó là không dùng thuốc diệt cỏ, không đốt thực bì và thu gom thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng quy định. Đến nay tỉnh ta có gần 28.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, đứng thứ 2 cả nước. Rừng FSC mang lại giá trị tăng thêm 15%/ha cho người trồng rừng, nhưng cái được lớn nhất chính là hình thành cung cách sản xuất mới, sản xuất lâm nghiệp thân thiện với môi trường.

Với những kết quả đã đạt được, Tuyên Quang hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới được tỉnh triển khai là thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả ngành lâm nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, phát triển rừng gỗ lớn và mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC để nâng cao giá trị gia tăng, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện liên kết chặt chẽ giữa nhà máy chế biến với người trồng rừng để ổn định đầu ra cho sản phẩm, tạo động lực cho người trồng rừng gắn bó với rừng, làm giàu từ rừng. Tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2025 có trên 20% diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC; hoàn thành sắp xếp các công ty lâm nghiệp; tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư mở rộng dự án chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mở rộng nhà máy của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang thêm 30 ha; Công ty cổ phần Giấy An Hòa xây dựng thêm nhà máy bột giấy công suất 150.000 tấn/năm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 36,09
Hôm qua : 762