• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện ở Làng Chẩu

Trải qua bao thăng trầm, nghề chổi chít tại Tổ dân phố Làng Chẩu, Thị trấn Yên Sơn vẫn còn lưu truyền đến nay. Đây không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là nếp làng của mảnh đất này, bởi những chiếc chổi mang tâm huyết của bà con người Dao, theo nhịp sống hối hả đi khắp muôn nơi, tạo nên nét riêng biệt tại Làng Chẩu.

Người dân Làng Chẩu say sưa làm chổi chít

Có mặt tại Tổ dân phố Làng Chẩu vào những ngày cuối năm, mặc dù thời tiết đã chuyển lạnh, từng cơn gió tràn vào khắp các ngôi nhà. Tuy nhiên, những người phụ nữ Dao quần trắng nơi đây vẫn đang miệt mài bện chổi chít ngay trước hiên nhà sàn, tạo nên bức tranh lao động sản xuất vô cùng sinh động và đẹp mắt.

Bà Lý Thị Minh, năm nay hơn 50 tuổi. Gắn bó với nghề chổi chít đã được 15 năm, ban đầu bà chỉ tranh thủ thời gian nông nhàn để làm nhưng rồi mưa dầm thấm lâu dần nghề này đã trở thành nguồn thu nhập của gia đình. Bà Minh chia sẻ, để tạo ra một cây chổi hoàn chỉnh thì phải trải qua rất nhiều công đoạn và cần sự khéo léo, tinh tế. Tất cả đều làm thủ công, nhẹ nhàng, không tốn quá nhiều sức nên đa phần những người làm chổi đều là phụ nữ. Một ngày làm chăm chỉ có thể được 20 cái/người. Mỗi cây chổi bán được từ 33.000 – 35.000 đồng. Trước đây nguyên liệu làm chổi dồi dào, bà thường cùng gia đình tự đi lấy. Nhiều năm nay, lượng chít bắt đầu khan hiếm nên phải chủ động liên hệ tìm kiếm thu mua. Trung bình giá 1 kg chít là 30.000 đồng thì hộ sản xuất phải có từ 250 - 300 triệu đồng mới đủ nguyên liệu dùng cả năm. Vì không có nhiều vốn nên đa số hộ dân phải mua nhỏ giọt, mua đến đâu làm đến đấy, rồi quay vòng vốn.

Về làm dâu tại Làng Chẩu được 1 năm nay, Chị La Thị Phương đã bắt đầu làm quen với nghề làm chổi chít. Chị chia sẻ, chổi chít đạt yêu cầu phải được cuốn chặt gọn gàng, đều tăm tắp, đạt được tính thẩm mĩ thì lúc đó mới xuất ra thị trường. Chính vì thế, nên chổi ở đây có thể dùng được vài tháng. Như gia đình chị cả năm nay không phải thay chổi. Điều đó tạo nên thương hiệu riêng cho chổi chít Làng Chẩu. Chị Phương nói: "Được mẹ chồng chỉ dạy và chia sẻ những kinh nghiệm làm chổi chít thì tôi thấy nghề này rất có tiềm năng để phát triển trong tương lai. Tôi mong rằng mình sẽ học được cách làm chổi hoàn chỉnh, đẹp mắt để đưa ra thị trường và nhận được sự hài lòng của khách hàng".

Tổ dân phố Làng Chẩu có 216 hộ dân, trong đó có 30 hộ làm nghề chổi chít. Bà Lý Thị Phương An, Bí thư chi bộ Tổ dân phố cho biết: Chổi chít Làng Chẩu có thuận lợi là bà con có tay nghề được truyền lại từ lâu đời, sản phẩm làm ra có chất lượng. Tuy nhiên, cách thức làm ăn còn manh mún, nhỏ lẻ nên giá trị sản phẩm chưa cao. Chi bộ cũng đang định hướng liên kết, tập hợp các hộ dân có cùng nghề để phát triển bền vững. Trong thời gian tới, chi bộ sẽ đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương định hướng cho các hộ dân liên kết sản xuất, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ mở lớp tập huấn cho bà con để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm..

Để trở thành làng nghề truyền thống trong tương lai, đòi mỏi mỗi người dân Làng Chẩu cần có sự phối hợp nhịp nhàng, gắn kết chặt chẽ hơn nữa trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con.


Tác giả: Thùy Dung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 907
Hôm qua : 825