• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quán triệt, vận dụng tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư tại Trung tâm Chính trị huyện Yên Sơn

Thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình hoạt động cách mạng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện quan điểm, tư tưởng, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của mình đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Tác phẩm được xem là cẩm nang về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cung cấp hệ thống cơ sở lý luận - thực tiễn quan trọng để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Là nguồn tư liệu quan trọng phục vụ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tuyên truyền trong nhân dân của các Trung tâm Chính trị nói chung.


Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta
 ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về tham nhũng, tiêu cực và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền Xô Viết và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, V.I.Lênin đã nhận diện rõ nạn tham ô, tham nhũng, hối lộ nảy sinh trong cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền và cảnh báo tham nhũng là căn bệnh cố hữu, len lỏi, phát triển thành ung nhọt, làm nhức nhối xã hội, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.  

Theo V.I.Lênin, Bản chất của quan liêu là do tư tưởng ham địa vị, ham lợi và việc chạy theo quan tước, chức quyền, v.v… của một tầng lớp đặc biệt, gồm những người chuyên môn trong ngành hành chính, được hưởng một địa vị đặc quyền so với nhân dân. Theo V.I.Lênin: “Chủ nghĩa quan liêu, tức là đem lợi ích của sự nghiệp phục tùng lợi ích của tư tưởng danh vị, tức là hết sức chú trọng đến địa vị mà không đếm xỉa đến công tác; tức là tranh giành nhau để được bổ tuyển”. Còn tham nhũng là lợi dụng vị trí công tác để làm lợi cho cá nhân. Những cán bộ, công chức nhà nước khi đã biến mình thành kẻ quan liêu, sẽ chỉ chăm chăm tới tư lợi mà không đếm xỉa đến lợi ích của nhà nước, của nhân dân và xã hội. Cả quan liêu và tham nhũng đều có nét tương đồng là: lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, làm suy giảm quyền lực nhà nước.

Quan liêu, tham nhũng bắt nguồn từ tư tưởng thích chức quyền, ham giàu sang phú quý, “ăn trên ngồi trốc”, vốn là tàn dư của chế độ cũ còn rớt lại. Để khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, nhất thiết phải giảm bớt sự cồng kềnh, chồng chéo trong tổ chức bộ máy; phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; phải gắn chặt trách nhiệm, nghĩa vụ với quyền lợi của người lao động.

V.I. Lênin khẳng định trong bức thư gửi trước sự vụ tòa án Mátxcơva xử nhẹ một vụ ăn hối lộ rằng, “không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế là một việc xấu hổ cho những người cộng sản”. Người nhấn mạnh: Tính chất, mức độ và tác hại của căn bệnh quan liêu, tham nhũng, ăn hối lộ có khác nhau, nên việc xử lý đối với cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này cũng không giống nhau. V.I. Lênin cũng chỉ rõ “cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu đòi hỏi hàng chục năm. Đây là cuộc đấu tranh cực kỳ khó khăn”.

Điều quan trọng là cần phải xây dựng cơ chế phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng và những thói hư, tật xấu của bộ máy công quyền, cụ thể là: “Cần thiết và cấp bách phải tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu”; cần phải có thái độ dứt khoát, kiên quyết trong cuộc chiến này: “Bất cứ biểu hiện nào của thái độ quan liêu dù nhỏ đến đâu cũng sẽ bị trừng phạt”. Đồng thời, phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng, khỏi bộ máy nhà nước những kẻ quan liêu, tham nhũng: “Tôi rất mong chúng ta có thể đuổi ra khỏi đảng từ 10 vạn đến 20 vạn người đã len lỏi vào đảng và đã không những không biết đấu tranh chống bệnh giấy tờ cùng nạn hối lộ, mà còn cản trở cuộc đấu tranh này”.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề phòng, chống tham ô, lãng phí. Người coi tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là giặc nội xâm, là kẻ thù của nhân dân, là “tội lỗi đê tiện nhất” trong xã hội. Vì vậy, cần phải nghiêm trị các hành vi tham nhũng. Ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo một trong hai nguy cơ đối với Đảng ta là nguy cơ suy thoái, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Theo Hồ Chí Minh bệnh tham nhũng trong cán bộ, đảng viên được diễn đạt trong một thuật ngữ chung nhất là tham ôNgười chỉ rõ bản chất của tham ô là hành vi “lấy của công làm của tư. Là gian lận, tham lam”, “tham ô là trộm cướp”. “Của công” chính là tài sản của nhân dân, do nhân dân đóng góp, phục vụ mục đích chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Bất cứ hành vi nào lấy “của công” làm “của tư” cũng đều là hành vi tham ô...

 Hồ Chí Minh  khẳng định, chủ nghĩa cá nhân là bệnh mẹ đẻ ra trăm thứ bệnh con nguy hiểm; một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm khác. Trong số những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra, tham nhũng là căn bệnh nguy hiểm nhất, là “hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất”. Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy” và “Trộm cắp tiền bạc của Nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa”.

Hồ Chí Minh không chỉ dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ thực trạng tham nhũng bằng thái độ kiên quyết không “giấu giếm khuyết điểm” mà quan trọng hơn Người đặt niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi tất yếu trong cuộc đấu tranh đó. Bởi vì, đó là danh dự, lương tâm của những người cộng sản, nếu không làm được như vậy thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Tuy nhiên, để đấu tranh diệt trừ tham nhũng mà không gây ra hoang mang cho những cán bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và thức tỉnh cán bộ đảng viên “cải tả quy chính”, theo Hồ Chí Minh phải hết sức thận trọng, bình tĩnh, tỉnh táo và mưu lược. Nghĩa là, phải có chiến lược phòng chống tham nhũng cụ thể, xác định rõ quyết tâm, kiện toàn tổ chức, bố trí lực lượng, định ra phương pháp, phương tiện đấu tranh, tuyệt nhiên không phải là hành động tự phát, nhất thờiHồ Chí Minh chỉ rõ: “Ắt phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”.

Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (tháng 01/1994) xác định một trong bốn nguy cơ là: Nguy cơ về sự suy thoái, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí”. Đây là một trong hai nguy cơ bên trong rất nguy hiểm, có thể làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng bất cứ lúc nào. Trên cơ sở nền tảng lí luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sau hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng đất nước ta đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, đất nước cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhiều nguy cơ từ cả bên ngoài lẫn bên trong, đe doạ tới sự tồn vong của Đảng, của chế độ XHCN mà chúng ta đang xây dựng. Thực trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm, tham nhũng, tiêu cực ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đặc biệt là cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo cấp cao trong cơ quan Đảng và bộ máy Nhà nước gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, gây bức xúc trong dư luận, mất niềm tin trong nhân dân. Điều đó đòi hỏi toàn Đảng và hệ thống chính trị phải kiên quyết, có quyết tâm cao, hành động quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi thứ giặc nội xâm này, kịp thời loại bỏ những kẻ cơ hội, chủ nghĩa cá nhân ra khỏi Đảng, bộ máy Nhà nước các cấp, qua đó góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố.

Với Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII của Đảng, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được thực hiện một cách thống nhất. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tiến hành quyết liệt, đồng bộ, bài bản từ Trung ương đến địa phương với phương châm: “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào”, “làm không cầm chừng, không có điểm dừng”... Thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình hoạt động cách mạng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện quan điểm, tư tưởng, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của mình đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” đã làm rõ điều đó.

Tác phẩm gồm 623 trang, với 36 bài viết, kết luận hội nghị. Nội dung gồm 3 phần chính: Phần thứ nhất: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”; phần thứ hai: “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, bao gồm các bài viết thể hiện rõ quan điểm về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; phần thứ ba: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, là các bài viết thể hiện sự đồng lòng của toàn dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Tác phẩm có giá trị rất lớn, truyền tải thông điệp: Công khai quyết tâm chính trị đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng Cộng sản Việt Nam là không có vùng cấm; giúp nhận diện đúng tham nhũng, tiêu cực trong đấu tranh phòng, chống; Chỉ đạo thực tiễn hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao; Tổng kết bài học kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tác phẩm được xem là cẩm nang về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cung cấp hệ thống cơ sở lý luận - thực tiễn quan trọng để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Là nguồn tư liệu quan trọng phục vụ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tuyên truyền trong nhân dân của các Trung tâm Chính trị nói chung và Trung tâm Chính trị huyện Yên Sơn nói riêng.

Kết quả quán triệt, vận dụng tác phẩm“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trung tâm Chính trị huyện Yên Sơn.

Trung tâm Chính trị huyện Yên Sơn là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Huyện ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Huyện uỷ. Với chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn huyện; tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương; tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp ủy.

Thực hiện chức năng và nhiệm vụ được giao, trong những năm qua Trung tâm Chính trị huyện Yên Sơn đã thường xuyên quán triệt, triển khai tổ chức có hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện. Trung tâm không những bồi dưỡng hệ thống tri thức khoa học, cách mạng mà còn định hướng tư tưởng, củng cố lòng tin nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và phẩm chất chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch có liên quan ở từng chuyên đề, loại hình đào tạo, bồi dưỡng, qua đó giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có đủ sự tỉnh táo và sức đề kháng với sự xâm nhập của các luận điệu sai trái, thù địch; giúp cho người học hình thành niềm tin khoa học, từng bước tạo lập, rèn luyện, củng cố phẩm chất và năng lực chính trị. Qua đó, đơn vị luôn khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Từ vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, việc nghiên cứu, học tập, quán triêt và vận dụng tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại càng trở nên cấp thiết. Nội dung của cuốn sách sẽ là những định hướng, cẩm nang để Trung tâm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và nhân dân, vừa để cán bộ, giảng viên, viên chức đơn vị tự soi, tự sửa, từ đó tham gia tích cực, hiệu quả trong xây dựng chi bộ, đơn vị trong sạch vững mạnh, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy giao cho.

Ngay khi tác phẩm“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản và quán triệt, Trung tâm Chính trị huyện Yên Sơn đã tổ chức cho 100% giảng viên, viên chức đơn vị tham gia Hội nghị nghiên cứu, học tập, triển khai tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Tỉnh uỷ tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Sau Hội nghị, chi bộ tiếp tục quán triệt nội dung của tác phẩm đến toàn thể đảng viên trong chi bộ, đặc biệt nhấn mạnh giá trị và ý nghĩa của tác phẩm đối với quá trình rèn luyện, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng đảng viên; đơn vị đã tổ chức họp đội ngũ giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm nhiệm để thống nhất những nội dung cốt lõi của tác phẩm cần truyền tải, vận dụng vào trong từng bài giảng, từng loại hình lớp.

Ngay sau khi được học tập, quán triệt, căn cứ vào nhiệm vụ được giao, từng giảng viên của Trung tâm Chính trị huyện Yên Sơn đã cụ thể hoá nội dung cốt lõi của tác phẩm để vận dụng, lồng ghép, phân bổ thời gian phù hợp với từng loại hình lớp, từng đối tượng người học để truyền tải những nội dung, bài viết của tác phẩm, qua đó tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bô, đảng viên và nhân dân. Kết quả trong năm 2023 Trung tâm đã quán triệt, thông tin, truyền tải, vận dụng nội dung cốt lõi tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại 35 lớp, với 3.938 lượt học viên, cụ thể:

- Đối với chương trình đào tạo sơ cấp lý luận chính trị: cụ thể hóa nội dung tác phẩm trong Bài 12. Nhiệm vụ xây dựng con người, phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và bài 14. Hệ thống chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tổ chức giảng dạy tại 03 lớp, 144 học viên.

- Đối với chương trình bồi dưỡng đảng viên mới: cụ thể hóa nội dung tác phẩm trong Bài 5. Phát triển giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; bảo vệ môi trường và quản lý phát triển xã hội và Bài 9. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tổ chức giảng dạy tại 02 lớp, 106 học viên.

- Đối với chương trình bồi dưỡng nhận thức về Đảng: cụ thể hóa nội dung tác phẩm trong Bài 4. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức giảng dạy tại 04 lớp, 229 học viên.

- Đối với chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho đội ngũ bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở: cụ thể hóa nội dung tác phẩm trong Bài 6. Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên. Tổ chức giảng dạy tại 06 lớp, 441 học viên.

- Đối với các chương trình bồi dưỡng, tập huấn lý luận chính trị và nghiệp vụ khác: các giảng viên đã tuyên truyền, quán triệt nội dung tác phẩm một cách hợp lý trong các bài giảng được phân công. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt tại 20 lớp, 3.018 học viên.

Đơn vị phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đưa nội dung Tác phẩm vào triển khai ở các hội nghị thông tin thời sự tại các chi, đảng bộ cơ sở. Đồng thời từng cán bộ, giảng viên, viên chức đơn vị tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung của tác phẩm đến gia đình, người thân và nhân dân nơi cư trú. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng và Nhà nước tiến hành quyết liệt, từ đó mỗi người tự xác định trách nhiệm cá nhân để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quán triệt, triển khai giảng dạy tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trung tâm Chính trị huyện.

Để tiếp tục quán triệt, vận dụng tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên, trong thời gian tới Trung tâm Chính trị huyện Yên Sơn cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

Một là, chi bộ, Ban Giám đốc, đội ngũ giảng viên, viên chức và học viên cần tiếp tục học tập, quán triệt và vận dụng tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nâng cao nhận thức và hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong việc giảng dạy, nghiên cứu và học tập lý luận chính trị hiện nay.

Hai là, tiếp tục quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến giảng viên, viên chức.

Ba là, tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để các giảng viên cùng nhau nghiên cứu, thảo luận, thống nhất những nội dung cụ thể của tác phẩm đưa vào nội dung giảng dạy tại các chuyên đề, loại hình lớp một cách hiệu quả.

Bốn là, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên đi đào tạo, tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bổ sung kiến thức mới. Tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện uỷ tiếp tục bổ sung, kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm nhằm phát huy thế mạnh của những đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý giàu kinh nghiệm thực tiễn, có chuyên môn sâu, có kỹ năng tốt.

Năm là, quá trình giảng dạy các giảng viên cần bảo đảm không những truyền đạt đúng, đủ nội dung quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, mà còn đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên phải am hiểu thực tiễn sâu sắc, biết phân tích làm sáng tỏ các vấn đề lý luận góp phần hình thành tư duy khoa học cho người học chống lại các thông tin sai trái, xuyên tạc, bịa đặt về công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đó cũng chính là giải pháp, là con đường phủ nhận các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch hữu hiệu, tin cậy nhất. Chủ động lồng ghép, tích hợp có hiệu quả nội dung đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của Đảng vào quá trình giảng dạy phù hợp với từng loại hình lớp học, từng đối tượng học viên của trung tâm, trong từng bài giảng, từng chuyên đề học tập.

Sáu là, lãnh đạo, giảng viên Trung tâm Chính trị huyện Yên Sơn cần tiếp tục rèn luyện đạo đức cách mạng “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”; thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương, kỷ luật phát ngôn, tích cực tu dưỡng và gìn giữ đạo đức, lối sống… để có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có tư duy khoa học, có lý luận sắc bén và đạo đức, lối sống gương mẫu… xứng đáng trở thành người đi đầu trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là tấm gương về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho học viên noi theo, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, bảo đảm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Bảy là, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh

Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, thái độ, hành vi của giảng viên, đảng viên trong trung tâm. Môi trường văn hóa lành mạnh là cái nôi nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, do vậy, cần chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, xây dựng bầu không khí làm việc tích cực, tự giác, đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương.


Tác giả: Ths. Lê Minh Phương - PGĐ Trung tâm Chính trị huyện Yên Sơn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 205
Hôm qua : 1.063