• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thay đổi chiến lược điều trị bệnh nhân Covid-19

Trong đợt dịch lần thứ tư này, Việt Nam đã ghi nhận 10 ca tử vong, hầu hết đều mắc bệnh nền và cao tuổi. Duy nhất có một trường hợp nữ công nhân 38 tuổi ở tỉnh Bắc Giang, không có bệnh nền, nhưng diễn biến viêm phổi nhanh và tử vong. Rút kinh nghiệm từ trường hợp này, Bộ Y tế đang điều chỉnh phác ...

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát hiện ca nặng

Theo Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến chiều 26-5, có 85 cơ sở y tế đang điều trị khoảng 3.000 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 1.450 bệnh nhân (chiếm gần 50%) không có biểu hiện lâm sàng, 1.187 (chiếm khoảng 40%) có biểu hiện lâm sàng nhẹ, 237 bệnh nhân còn lại là tiên lượng nặng, nặng, nguy kịch.

Trong số 237 bệnh nhân nặng này, có 96 bệnh nhân tiên lượng nặng, 102 ca nặng phải thở oxy, 14 ca nặng phải thở máy không xâm nhập, 21 ca nguy kịch phải thở máy xâm nhập và 4 ca phải chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, so với các đợt dịch trước, hiện tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, do tổng lượng ca mắc tăng lên nhiều so với đợt dịch trước, chỉ trong gần 1 tháng đã ghi nhận 3.027 ca mắc (hơn cả số ca mắc của 3 đợt dịch cộng lại), nên số lượng bệnh nhân nặng tăng mạnh. 80% bệnh nhân đợt dịch này ít triệu chứng, khoảng 20% có thể trở nặng và diễn biến nặng rất nhanh.

"Tuy có nhiều bệnh nhân triệu chứng nhẹ, song các bệnh nhân diễn biến nặng rất nhanh, gây khó khăn cho điều trị. Các chuyên gia vừa hội chẩn một bệnh nhân có nồng độ oxy trong máu (SpO2) ở mức 99% (nghĩa là bình thường), nhưng nhịp thở tăng lên, tình trạng khó thở cũng tăng, nên phải chỉ định đặt oxy trợ giúp", PGS.TS Lương Ngọc Khuê dẫn chứng.

Bộ Y tế đang điều chỉnh phác đồ, xây dựng phần mềm có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo, nhằm phát hiện sớm người bệnh Covid-19 có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng trên cả nước.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, với phần mềm này, Bộ Y tế dựa theo tiêu chí của các nước trên thế giới, xây dựng từ 5 đến 10 tiêu chí để các bác sĩ đánh giá, như: Nhịp thở, nồng độ oxy trong máu và một số chỉ số lâm sàng khác.

"Có thể bệnh nhân vẫn khỏe mạnh, nhưng khi nhận thấy những chỉ số dựa vào những tiêu chí nêu trên có sự thay đổi, bác sĩ phải sẵn sàng ngay các phương tiện cấp cứu, như: Oxy, máy thở hoặc chuyển bệnh nhân... Chẳng hạn, khi thấy nhịp thở của bệnh nhân tăng lên 22 lần là phải cảnh giác ngay", PGS.TS Lương Ngọc Khuê lưu ý.

Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Trong số này, 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% diễn biến chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng. Do đó, Bộ Y tế cũng xây dựng các tiêu chí đối với bệnh nhân nặng để các thầy thuốc theo dõi.

"Trên ứng dụng theo dõi này, các bệnh nhân diễn biến nặng sẽ xuất hiện cảnh báo đỏ, giúp các bác sĩ điều trị trực tiếp và chuyên gia đầu ngành dễ dàng theo dõi, đánh giá, sớm đưa ra các chỉ định can thiệp. Ngoài ra, ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo còn được đưa vào các bệnh viện để hỗ trợ sàng lọc các F1 nguy cơ cao có khả năng tiến triển thành F0. Đây là công cụ hữu hiệu phát hiện sớm ca bệnh. Với nguyên tắc "4 tại chỗ", hệ thống này khi được kết nối với tất cả cơ sở điều trị sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các y, bác sĩ", PGS.TS Lương Ngọc Khuê kỳ vọng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng các chuyên gia của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bệnh viện Bạch Mai khảo sát
3 bệnh viện tại tỉnh Bắc Giang vào chiều 26-5 để thiết lập đơn vị hồi sức tích cực.

Nơi chưa có ca bệnh cũng phải cử bác sĩ đi đào tạo, tập huấn

Theo Bộ Y tế, một số địa phương không có sự chuẩn bị tốt về các điều kiện cấp cứu, hồi sức tích cực, nên khi có ca bệnh nặng đã xử lý lúng túng và chuyển tuyến trên, gây áp lực và quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối.

Trước thách thức này, ngày 26-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu, khẩn trương củng cố các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, đặc biệt là máy thở, hệ thống oxy trung tâm, khí nén, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu; đồng thời, tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố và các bệnh viện được phân công thu dung điều trị ca bệnh Covid-19.

Bộ Y tế cũng đã phê bình các bệnh viện được phân công điều trị Covid-19 của một số tỉnh, thành phố đã thiếu chủ động trong công tác cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị ca bệnh Covid-19.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị Giám đốc Sở Y tế và giám đốc các bệnh viện phải rà soát lại năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 của các bệnh viện trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận, cách ly và điều trị người bệnh theo phương châm "4 tại chỗ". Các tỉnh, thành phố chưa phát hiện ca bệnh cũng phải cử ngay các kíp điều trị đi đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối (hoặc đào tạo trực tuyến).

"Ngành Y tế đề ra hai mục tiêu chính, đó là tiếp nhận, thu dung, điều trị, hồi sức và cứu sống bệnh nhân Covid-19 từ cấp độ nhẹ đến nặng. Cùng với đó là bảo đảm an toàn tuyệt đối trong các cơ sở y tế về người bệnh và nhân viên y tế. Đặc biệt, đối với khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 phải tổ chức phân luồng tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm chéo", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 36,29
Hôm qua : 1.517