• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

No ấm Mỹ Hoa

Ngày Đại đoàn kết năm nay tròn 15 năm, 80 hộ dân người Mông ở Na Hang di dân tái định cư về thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) xây dựng cuộc sống mới. Với sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân sở tại, những người Mông ở Yên Hoa đã có cuộc sống no ấm hơn, bắt nhịp với ...

Từ bỏ hủ tục 

Chàng trai Hoàng A Phà năm nay mới 27 tuổi nhưng đã làm Trưởng thôn từ năm 2013. Vừa qua tại Đại hội Chi bộ thôn, anh được tín nhiệm bầu giữ cả chức Bí thư Chi bộ. Anh còn là đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy viên BCH Đảng bộ xã Mỹ Bằng và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã.

Bí thư Chi bộ Hoàng A Phà kể lại, trước đây, ở nơi cũ, trong nhà có người mất, người Mông thường buộc hai chân, hai tay người mất lại, treo lên cây để 3 ngày 3 đêm mới đem đi chôn cất. Người Mông gọi cái cây ấy là con ngựa. Họ tin rằng nếu làm như vậy thì con ngựa ấy sẽ dẫn đường cho hồn của người mất. Người mất cũng không được cho vào quan tài mà chỉ buộc lại rồi mang đi chôn. Trong đám tang, tiếng khèn, trống vang suốt đêm ngày. Bố của anh Phà là ông Hoàng A Di cũng làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn từ nhiều năm. Trước khi mất, ông có mong muốn cấp ủy, chính quyền xã và gia đình làm tang cho ông thật tiết kiệm, văn minh để làm mẫu cho người Mông trong thôn.

Kể từ khi cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã Mỹ Bằng đứng ra làm ban tổ chức lễ tang cho ông Hoàng A Di theo hướng văn minh, tiết kiệm đến nay, người Mông đã từ bỏ hủ tục treo người mất lên cây, tổ chức đám tang kéo dài như trước. Trong đám tang đã không còn thấy tiếng kèn, trống mà chỉ còn lời cầu nguyện. Người mất được cho vào quan tài một ngày, một đêm rồi mang đi chôn cất.

Phụ nữ dân tộc Mông ở Mỹ Hoa giữ gìn nghề thêu trang phục truyền thống.

Không chỉ có đám tang được tổ chức tiết kiệm, rút gọn, văn minh mà trong đám cưới, người Mông ở đây đã từ bỏ nhiều hủ tục lạc hậu. Trước kia, mỗi đám cưới, khi nhà trai đến đón dâu, nhà gái bố trí mỗi người cầm trên tay một chai rượu để mời nhà trai trước khi ra về. Nhà trai phải uống cho say mềm mới được cho là tôn trọng bên nhà gái. Nhưng nay tập tục này đã được bãi bỏ. Việc tổ chức đám tang, đám cưới cũng được đưa vào hương ước của thôn để nhân dân thực hiện.

Đoàn kết vươn lên

Bí thư Chi bộ Hoàng A Phà kể lại: “Người Mông nhớ mãi những ngày đầu tiên khi di dân về Mỹ Hoa. Nước uống, lương thực thiếu, Đảng ủy, UBND xã huy động nhân dân sở tại ủng hộ rau, nước sạch, gạo để hỗ trợ người Mông tái định cư, ổn định cuộc sống trong một năm. Khi rau, gạo đã đủ ăn, nước sạch đã có mới thôi. Cán bộ xã còn tuyên truyền người dân không tiêu xài lãng phí tiền hỗ trợ của Nhà nước, không nghe lời kẻ xấu xúi giục. Các thầy cô giáo đến từng nhà người Mông vận động và đưa trẻ đến trường”. Chính sự đùm bọc, sẻ chia của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đã làm tăng thêm niềm tin của người Mông ở Mỹ Hoa về chủ trương di dân tái định cư và tiếp thêm cho họ ngọn lửa đoàn kết.

Người Mông ở Mỹ Hoa còn gìn giữ được phong tục rất độc đáo, thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn. Thời điểm giáp hạt, nhà nào không có đủ lương thực, mỗi hộ trong thôn sẽ ủng hộ một bao thóc. Phong tục này cũng được duy trì từ bao đời nay trong các gia đình người Mông. Nhà ông Hoàng A Páo có 14 nhân khẩu cùng sinh sống nhưng chỉ có 6 sào ruộng. Gia đình ông nhiều năm nay được nhân dân trong thôn đóng góp thóc để hỗ trợ lúc thiếu đói giáp hạt.

Thôn còn duy trì quỹ của thôn hiện nay lên tới gần 100 triệu đồng. Thôn thành lập tổ quản lý quỹ thôn. Đồng chí Trưởng Ban công tác Mặt trận là tổ trưởng. Trong thôn, hộ nào có người ốm đau phải đi viện điều trị sẽ được thôn họp bàn, thống nhất và cho vay không tính lãi suất. Hộ nào thiếu vốn để sản xuất sẽ được thôn cho vay với lãi suất thấp. Nhờ nguồn quỹ này mà nhiều hộ trong thôn đã vươn lên thoát nghèo. Ông Sùng Tà Phủ trước đây là hộ nghèo do nhà đông con. Năm 2017, ông được thôn cho vay 40 triệu nuôi bò sinh sản. Từ chỗ chỉ nuôi 4 con bò, nay đàn bò của gia đình ông lên tới 7 con, mỗi năm, ông Phủ bán 2 con bò, thu lãi 40 triệu đồng/năm. Năm 2019, ông được công nhận thoát nghèo. Ông Phủ nói: “Mỹ Hoa là quê hương thứ 2 của mình. Mình gắn bó với nơi này. Cuộc sống đã khá giả hơn trước nhiều lắm, không còn bị cái nghèo đeo đuổi, ám ảnh nữa”.

Mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình anh Lý A Hà, thôn Mỹ Hoa bình quân mỗi năm
cho thu nhập gần 100 triệu đồng.

Cuộc sống mới ấm no

Mỹ Hoa hiện chỉ còn 6 hộ nghèo, 40% số hộ có nhà xây từ 1 đến 2 tầng. 100% hộ dân có 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn. Đường nội thôn, liên thôn đã được bê tông hóa, kênh mương nội đồng được kiên cố hóa 100%. Bí thư Hoàng A Phà cho biết, thế mạnh của thôn là chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng chè. Hiện nay, toàn thôn có 47 ha chè, đàn gia súc lên tới 300 con, gia cầm trên 1.000 con. Bình quân nhà nào cũng có từ 2 đến 3 con trâu, bò và hàng chục con gia cầm. Nhiều hộ trong thôn có thu nhập khá giả, có tiền gửi ngân hàng nhờ chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Anh Lý A Hải là một trong những hộ nuôi nhiều bò nhất trong thôn. Lúc cao điểm gia đình anh có 10 con bò. Mỗi năm bình quân, gia đình anh thu lãi từ 60 đến 80 triệu đồng từ chăn nuôi. Anh Hải phấn khởi nói: “Trước đây mình chỉ biết nuôi trâu, bò thả rông, chuồng trại chưa vệ sinh sạch sẽ, chẳng mấy khi tiêm phòng cho trâu, bò. Nhưng giờ đây, nhà mình đã làm chuồng trại chăn nuôi xa nhà, biết nuôi bò theo kỹ thuật vỗ béo, tuân thủ việc tiêm phòng đầy đủ và không thả rông nữa. Vì vậy mà mấy năm nay, mình có thêm nguồn thu nhập khá từ chăn nuôi bò”.

Người Mông ở Mỹ Hoa không chỉ biết chăn nuôi giỏi mà giờ đây, nhiều hộ còn phát triển thêm dịch vụ thương mại để phục vụ nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân dân. Nhiều chị em phụ nữ Mông biết phát huy nghề thêu thùa trang phục truyền thống của dân tộc trở thành nghề tăng thu nhập cho gia đình. Mang nghề thêu thùa trang phục truyền thống về nơi ở mới, nhiều năm qua, chị Tráng Thị Màu đầu tư máy khâu và các thiết bị khác, mở quầy may mặc các trang phục dân tộc Mông để mang đi bán tại các phiên chợ vùng cao. Nhờ khéo tay lại chăm chỉ nên mỗi tháng, chị có thêm từ 10 đến 15 triệu đồng từ nghề này. Chị Màu cho biết: “Về Mỹ Hoa, mình biết buôn bán hơn vì có cơ hội được giao lưu học hỏi với người dân quanh vùng”. Chị Màu và chồng còn mở tiệm bán hàng tạp hóa, nuôi gà đen. Tuy còn trẻ tuổi nhưng vợ chồng chị Màu đã xây được nhà 2 tầng khang trang.

Mỹ Hoa đang trở thành điểm sáng về tinh thần đoàn kết trong các khu, điểm di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Sự quan tâm không ngừng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tạo niềm tin đối với người Mông nơi đây để họ vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no.


Tác giả: Theo TQĐT
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 36,22
Hôm qua : 1.517