• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử lý các chợ hoạt động kém hiệu quả

Chợ nông thôn từng có một thời gian được đưa vào tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới. Các địa phương đều đưa chợ vào trong quy hoạch để xây dựng, thực hiện, nhưng trên thực tế, nhiều chợ đang tồn tại dưới dạng “có cũng như không”.

Ngoài một số chợ trung tâm nằm đúng vị trí đắc địa, đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, thì nguyên nhân chính khiến còn nhiều chợ hoạt động kém hiệu quả là do sự chủ quan của đơn vị chức năng khi quy hoạch xây dựng chợ. Nhiều chợ vẫn mọc lên khi vị trí xây dựng không phù hợp, đầu tư thiếu đồng bộ, chưa khảo sát đầy đủ nhu cầu và thói quen mua bán của người dân…

Chợ Hồng Thái (Na Hang) được đầu tư xây dựng từ năm 2019 từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chợ được thiết kế sức chứa trên dưới 40 hộ kinh doanh. Đồng chí Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái thừa nhận, đến thời điểm hiện tại, chợ này vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Lý do là thiếu quá nhiều các hạng mục cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả người mua và người bán, từ hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch đến các công trình vệ sinh công cộng…

Người dân mua bán tại chợ phiên xã Hùng Lợi (Yên Sơn). Ảnh: Quốc Việt

Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Đặng Trung Dũng, nguồn vốn hơn 500 triệu đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chỉ đủ để hoàn thiện phần mặt bằng, hệ thống đình bán hàng, để chợ có thể được đưa vào sử dụng một cách hiệu quả, an toàn, xã Hồng Thái đang tiếp tục đưa vào danh mục đầu tư trong những năm tới với nhu cầu vốn khoảng 2 tỷ đồng nữa để có thể hoàn thiện hạ tầng cho chợ. Hiện tại, người dân có nhu cầu buôn bán, mua sắm chủ yếu tập trung tại một số gian hàng tiện ích ở khu vực trung tâm xã, hoặc chờ đến phiên họp chợ ở các xã lân cận như Yên Hoa, Đà Vị.  

Nằm trên địa bàn thôn Khuôn Thống, chợ xã Phúc Ninh (Yên Sơn) được đầu tư, đưa vào sử dụng từ năm 2001 với quy mô 18 ki ốt, tuy nhiên, chỉ họp được 1 - 2 phiên là dừng hoạt động. Hiện, cả khu chợ chỉ có duy nhất hộ kinh doanh đồ ăn sáng đang hoạt động. Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết, xung quanh Phúc Ninh, có rất nhiều chợ phiên lâu năm như chợ phiên xã Chiêu Yên, Lực Hành, Quý Quân và Tứ Quận, chính vì vậy, nhu cầu sử dụng chợ của người dân Phúc Ninh rất ít. Vừa rồi, UBND xã đã có văn bản đề nghị xin được chuyển đổi mục đích sử dụng chợ, để có thể xây dựng thành một cửa hàng tiện ích hoặc siêu thị mi ni cho thuê có thời hạn, để phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân địa phương.

Không “đen đủi” như 2 chợ trên, chợ xi măng xã Tân Long (Yên Sơn) từng có một thời kỳ dài hoàng kim (từ những năm 80 của thế kỷ trước đến năm 2016, 2017). Thế nhưng, 4 năm nay, chợ “án binh bất động” do Nhà máy Xi măng Tuyên Quang hoạt động kém hiệu quả, đời sống công nhân bấp bênh, sức mua kém. Bí thư Đảng ủy xã Chu Quang Sáng cho biết, hiện việc mua sắm, buôn bán của người dân nông thôn cũng đã được công nghệ hóa rồi, có khi chỉ cần ngồi ở nhà, người bán người mua gặp nhau qua điện thoại là có hàng về đến tận nhà. Để khu đất này không bị lãng phí, Tân Long hiện đang tính đến 2 phương án: Hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, hoặc sửa chữa nâng cấp để duy trì chợ, nhưng nỗi lo không có người mua sắm vẫn thường trực.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại - Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) cho biết, ngành công thương vừa có cuộc làm việc với các địa phương, rà soát, kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các chợ nông thôn. Qua rà soát, trong số 99 chợ trên địa bàn tỉnh, thì có 8 chợ không hoạt động, hoặc hoạt động kém hiệu quả. Trong đó, thành phố Tuyên Quang có chợ Nông Tiến; Yên Sơn có chợ Nhãu ở xã Quý Quân, chợ Xi măng thuộc xã Tân Long, chợ xã Phúc Ninh; Hàm Yên có chợ xã Bạch Xa, chợ xã Minh Dân; huyện Na Hang có 1 chợ thuộc xã Hồng Thái; Lâm Bình có 1 chợ ở xã Xuân Lập.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Cúc, thời gian vừa qua, tỉnh lồng ghép nhiều nguồn vốn để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cho các chợ thương mại, chợ nông thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, nguồn vốn này vẫn còn khá hạn hẹp so với nhu cầu thực tế của các địa phương, đặc biệt, việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư vào lĩnh vực này vẫn khá khiêm tốn do khả năng thu hồi vốn tại các chợ nông thôn lâu dài, mất thời gian nếu không muốn nói là khó thu hồi. Để tăng thêm nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng thương mại, Sở Công Thương cũng đã có văn bản đề xuất với Bộ Công Thương và UBND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí xây mới và cải tạo các chợ trên địa bàn tỉnh. Đối với các chợ hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, ngành chuẩn bị trình UBND tỉnh xin chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc có phương án xử lý hợp lý, để đảm bảo không lãng phí quỹ đất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 581
Hôm qua : 620