• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Yên Sơn khẳng định thương hiệu chè sạch

Yên Sơn là huyện có diện tích chè nhiều nhất tỉnh ta với năng suất và chất lượng chè luôn ổn định. Từ lâu cây chè đã trở thành một cây chủ lực giúp người nông dân thoát nghèo làm giàu. Hiện nay, trong quá trình sản xuất, người trồng chè huyện Yên Sơn đang nỗ lực áp dụng những phương pháp canh tác ...

 


Người dân xã Tứ Quận (Yên Sơn) thu hoạch chè.

Yên Sơn hiện có 2.697,5 ha chè, trong đó diện tích chè đang cho sản phẩm gần 2.676 ha. Trên địa bàn huyện hiện có hai công ty sản xuất, chế biến chè với quy mô lớn là Công ty cổ phần Chè Sông Lô và Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm. Diện tích chè của hai công ty này là 623 ha. Đồng chí Nguyễn Thị Lan, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn, phụ trách mảng cây công nghiệp cho biết, hiện năng suất trung bình của cây chè do hai công ty chè quản lý đạt 98,7 tạ/1ha, trong khi đó năng suất trung bình của cây chè do người dân trồng là 74,6 tạ. Sự chênh lệch về năng suất là do quá trình chăm sóc ở các công ty đã có sự đầu tư với việc áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Song không thể phủ nhận những nỗ lực của những người trồng chè huyện Yên Sơn khi gặp những khó khăn trong quá trình trồng chè vẫn không hề nao núng.

Là xã nằm trong vùng trọng điểm sản xuất chè của huyện Yên Sơn, Tứ Quận có tổng diện tích chè 470 ha trong đó đa số diện tích là chè chất lượng cao, chè lai. Nhiều năm qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương nên người trồng chè ở Tứ Quận đã luôn chú trọng tới việc cải tạo, đầu tư thâm canh và chế biến chè an toàn đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng do đó hiện nay xã đang hướng tới xây dựng được thương hiệu chè xanh an toàn có uy tín do một Hợp tác xã của xã đứng ra thực hiện.

Chú trọng nâng cao chất lượng chè hàng năm, huyện Yên Sơn luôn tích cực vận động nhân dân trồng cải tạo chè già cỗi chất lượng thấp bằng các giống chè chất lượng cao như: LDP1, Bát Tiên, LĐT1, từng bước cải tạo những diện tích chè già cỗi, đưa giống chè chất lượng cao vào trồng và cách sản xuất chè an toàn. Tới thăm nương chè của gia đình chị Chị Đỗ Thị Quý, thôn Đồng Cầu khi đang mùa thu hoạch, chị cho biết: “Gia đình tôi trồng chè đến nay đã được 20 năm. Nhờ trồng chè mỗi năm gia đình tôi có thêm 1 nguồn thu không nhỏ. Hiện gia đình có trên 7 sào chè trồng bằng hạt, do đã trồng lâu năm nên năng suất chè giảm sút. Qua tư vấn của cán bộ khuyến nông xã gia đình tôi đã dự định thời gian tới sẽ tiến hành trồng thay thế diện tích chè này bằng các giống chè mới để nâng cao năng suất, tăng thêm thu nhập cho gia đình…”


Sản xuất chè tại Công ty TNHH Hoàng Hà, 
xã Hoàng Khai (Yên Sơn).

Ở Yên Sơn, những người trồng chè đã thực hiện chế biến chè hoàn toàn theo quy trình sạch từ khi thu hái đến khi cho ra sản phẩm chè khô. Trước kia, việc thu hái chè búp tươi các hộ dân ở đây vẫn áp dụng phương pháp hái tay truyền thống, chỉ hái khi 30% số lượng búp đạt tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá, 1 lá chừa. Ngoài ra, để thu hái được những búp tươi có chất lượng nhất bà con chỉ thu hái trong thời gian từ sáng sớm đến trước 10 giờ, đây là thời gian mà búp chè tích lũy nhựa và có chất lượng ngon nhất trong ngày. Sau khi thu hái về sẽ cho chè búp vào chế biến ngay để chè đạt độ nước thơm ngon và màu chè xanh. Hiện nay, máy hái chè đã giúp công đoạn này trở nên đơn giản hơn rất nhiều, tiết kiệm được chi phí.

Thông qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân huyện, nhiều chương trình tập huấn cách chăm sóc chè an toàn, sử dụng phân bón… đã được thực hiện trên những diện tích thí điểm sau đó khuyến khích các hộ dân thực hiện. Thời gian vừa qua, Hội Nông dân huyện Yên Sơn đã phối kết hợp với một Công ty cổ phần phân bón và bảo vệ thực vật ở Hà Nội triển khai mô hình thử nghiệm phân bón công nghệ sinh học trên cây chè tại xã Mỹ Bằng. Mô hình thực hiện trên 2 ha, trong đó có 50% diện tích chè đã trồng từ nhiều năm và 50% diện tích chè mới được trồng cải tạo lại với những giống chè có năng suất cao như PH1 và chè cành giống lai 2. Các hộ tham gia mô hình thử nghiệm đều là những hộ luôn thực hiện chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây chè là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Việc hỗ trợ sản phẩm phân sinh học của Công ty cổ phần phân bón và bảo vệ thực vật Thiên Đức trên cây chè gồm hai loại US KOM 6 - 9 - 9 và phân sinh học HP 3 - 8 - 8. Quy trình thực hiện dưới sự hướng dẫn của Công ty, đất đã được xử lý, trước mỗi vụ thu hoạch, sản phẩm phân bón phun trên đất, thân và lá chè. Sau khi sử dụng sản phẩm phân bón: Búp chè gia tăng về số lượng và chất lượng, đặc biệt là số búp chè loại I đạt tỷ lệ cao hơn, chè thơm và ngon hơn so với chè sử dụng phân bón thông thường, vườn chè ít bị sâu bệnh gây hại, đất tơi xốp, năng suất chè búp tươi tăng từ 18 đến 30% so với trước chưa sử dụng sản phẩm. Mỹ Bằng thuộc xã có diện tích chè trên 400 ha vì vậy việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa năng suất, sản lượng đạt cao sẽ mở ra một hướng đi mới cho bà con nơi đây.


Tác giả: Theo Baotuyenquang.com.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 548
Hôm qua : 2.358