A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết sách đúng, tạo lòng tin: Bài cuối - Gieo hạt giống đỏ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Phải ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ dân tộc và địa phương. Dù lúc đầu những cán bộ ấy trình độ còn thấp, kinh nghiệm còn ít, công tác chưa quen, cán bộ lãnh đạo phải chịu khó dìu dắt họ, giúp đỡ họ, lâu ngày chắc chắn họ sẽ tiến bộ. Muốn công tác tốt trong các dân tộc, trong các địa phương, nhất định cần phải có cán bộ của các dân tộc và địa phương ấy”. Cách làm này đang được Tuyên Quang đặc biệt quan tâm, chú trọng, để ở từng địa phương, cán bộ dân tộc thiểu số là nòng cốt trong mọi chính sách.

Bài 1: Niềm vui của dân bản

Phát hiện, bồi dưỡng kịp thời

Vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thường bị các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, lôi kéo vào các hoạt động gây mất an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Điều đó càng đòi hỏi công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các cấp với sự tham gia trực tiếp của cán bộ là thành phần các dân tộc thiểu số, cán bộ người địa phương là rất quan trọng.

Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 12-3-2002 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, sau này là Nghị quyết số 10/NQ-CP ban hành Chiến lược dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ đều nhất quán mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bí thư Đoàn xã Mỹ Bằng Hoàng A Phà hướng dẫn đoàn viên trẻ biện pháp chăm sóc chè.

Ở Tuyên Quang, với khoảng 785 nghìn người, 22 thành phần dân tộc, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 54%, việc đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đội ngũ này ngày càng tăng về số lượng, mạnh về chất lượng, đủ sức gánh vác, hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6.277 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 34,72% tổng số cán bộ toàn tỉnh.

Những ngày chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Lê Hồng Thái và trồng tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam là những ngày Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái, huyện vùng cao Na Hang Đàng Thị Hiền không có ngày nghỉ.

Tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam dự kiến trồng dọc 2 bên đường từ thôn Khuổi Phầy đến thôn Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Nhiều hộ dân đồng thuận, nhưng nhiều hộ dân ở thôn Hồng Ba - thôn 100% đồng bào Mông, nhất định không đồng ý, dù trồng trên đất hành lang đường. Lý lẽ của bà con là đất gần nhà mình là đất của mình.

Hết giờ làm việc, nữ Bí thư Đảng ủy xã Đàng Thị Hiền trực tiếp đến thôn, vừa vận động, tuyên truyền, tỉ tê trò chuyện. Biết thói quen của đồng bào, nhà nào có đàn ông, chị Hiền phải “mượn rượu... chuyện trò”. Nhà nào không uống rượu, chị mua nước ngọt đến. Từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối, 34 hộ gia đình, chị lần lượt đến cả. 9 giờ tối hôm ấy, 34 hộ dân tộc Mông nhất trí cho xã trồng hoa lê trên đất hành lang của thôn.

Đến thời điểm này, chị Đàng Thị Hiền là Bí thư Đảng ủy xã trẻ nhất và cũng là nữ Bí thư Đảng ủy xã duy nhất của huyện vùng cao Na Hang. Con đường để chị đi làm cán bộ cũng không phải con đường... trải hoa hồng. Chị bảo, ở Hồng Thái, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nhất là Dao tiền, rồi dân tộc Mông. Quan niệm của người già ở đây là con gái không cần học nhiều, không biết chữ thì càng tốt, về nhà chồng dễ dạy bảo.

Ngày chị vừa học chuyên nghiệp vừa được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, ông nội là người phản đối nhiều nhất. Ông bảo, đàn bà chỉ cần biết đẻ thôi, biết chăm thằng chồng cho khỏe, chăm đứa con cho béo tốt là được rồi. Nhưng chị không nghe. May mắn, bố, rồi các anh chị em trong nhà đều ủng hộ chị.

Chị bảo, đi ra ngoài rồi mới thấy phụ nữ quê mình khổ quá, thế là mình càng quyết đi ngược lại quan niệm của người già. Quyết tâm phải đi học, phải làm cán bộ để mình tiến bộ, mình đưa cái tiến bộ ấy về bản làng. Nghĩ thế, nên chị Hiền không ngại việc khó, việc khổ. Biết chị em ở bản ngày bận việc nông, chị đề xuất các chi hội sinh hoạt vào buổi tối, và cố gắng bố trí dự sinh hoạt đủ tất cả các thôn. Chị bảo, có lần đi dự sinh hoạt thôn, vừa họp xong thì trời mưa lớn, đường trơn trượt, không đi được xe máy, chị phải để xe máy lại đi bộ về.

Nhớ nhất thời điểm làm cán bộ Hội phụ nữ, đúng lúc huyện hỗ trợ các giống ngô, lúa lai để nâng cao năng suất thu hoạch, trong khi lâu nay đồng bào làm... không theo kỹ thuật gì cả. Ngô, lúa bà con trồng thật thưa và dày hạt, nhưng năng suất bao năm không đạt như kỳ vọng. Khi chị Hiền vận động bà con trồng đúng kỹ thuật, khoảng cách giữa hàng với hàng, cây với cây dày ngắn hơn rất nhiều so với lối làm quen thuộc và đặc biệt, không tốn giống, thì bà con giãy nảy, bảo: Trồng dày thế còn chẳng có gì mà ăn, trồng thưa thế này thì ăn bằng gì?

Chỉ một số ít hộ làm theo, cuối vụ đấy, nhà nào cũng thu cả bồ thóc đầy, sân ngô phơi vàng cả góc sân. Từ đấy, bà con tin.

Sau này, chị Hiền được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã, rồi Phó Chủ tịch HĐND xã, giờ là Bí thư Đảng ủy. Năm 2018, khi vừa được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã, đúng lúc Hồng Thái đang đẩy mạnh phát triển du lịch. Bí thư Đảng ủy xã Đàng Thị Hiền đi vận động người dân làm Homestay.

Nhà Triệu Thị Ninh là người phản đối nhiều nhất:

- Ai đến cái đất “khỉ ho cò gáy” này mà làm?

- Làm xong rồi, không có khách, cán bộ xã có đền tiền cho nhà mình không?

Để bà con theo, gia đình chị Hiền đứng ra làm trước. 5 nhà đầu tiên xây dựng Homestay, đúng thời điểm du lịch cộng đồng phát triển mạnh, Hồng Thái trở thành thỏi nam châm hút khách bốn phương. Nhà chị Ninh sau này lại là nhà đầu tư mạnh nhất, từ căn nhà đầu tiên, đã dựng thêm một căn nhà mới để kịp phục vụ khách du lịch.

Triệu Thị Ninh cười ngượng nghịu: Có cán bộ, mới có cái “hôm - tây” đẹp như này để đón khách đấy. Từ giờ cán bộ Hiền nói gì, là mình tin ngay đấy, không cãi nữa đâu!

Điểm chung của những cán bộ là người dân tộc thiểu số như chị Đàng Thị Hiền, đó là họ là “hạt nhân” giúp bà con “sáng cái đầu, ấm cái bụng”... Nhờ bước ra từ cùng môi trường, hiểu đồng bào mình cần gì, muốn gì, nên họ thấu hiểu từ cách nói, cách vận động, tuyên truyền đến hướng dẫn thực hiện, là cầu nối quan trọng trong việc đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thấm sâu vào đời sống. Bởi với đồng bào, nếu chỉ “nói miệng” mà không làm, thì việc vận động tuyên truyền, thay đổi những thói quen cũ của đồng bào là rất khó.

Chất lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang hiện nay:
- Trình độ chuyên môn Đại học trở lên chiếm 58,01%.
- Trình độ lý luận chính trị Trung cấp trở lên chiếm 28,87%.
- Trên 93,34% cán bộ người dân tộc có chứng chỉ ngoại ngữ, 95,84% có chứng chỉ tin học.
Có 86 người đang giữ các chức vụ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; 290 người thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy  huyện quản lý.

Cầu nối của dân với Đảng

Những năm 2010, anh cán bộ người Dao Triệu Phúc Phương khi ấy đang là Trưởng Công an xã Tri Phú (Chiêm Hóa). Thời điểm này, nhiều thôn có đông đồng bào Mông bị một số đối tượng xấu lôi kéo, kích động. Phương là người dân tộc Dao, nhưng nói được đủ các thứ tiếng của các dân tộc trong xã mình. Để vận động được người dân, anh  chọn những người uy tín, cốt cán để chuyện trò, giảng giải. Rồi từ người uy tín, cốt cán nói rộng ra cho cả thôn. Cứ thế, mưa dầm thấm lâu, người Mông ở Tri Phú tin theo cán bộ Phương, tin theo Đảng, chí thú lao động sản xuất.

Thấy anh nói được, làm được, lãnh đạo Huyện ủy Chiêm Hóa khi ấy đã mạnh dạn lựa chọn bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã. Anh Phương là Chủ tịch xã trẻ nhất của huyện Chiêm Hóa, và của cả tỉnh Tuyên Quang khi được bầu làm Chủ tịch UBND xã năm 2010, khi mới 27 tuổi.

Được bổ nhiệm khi còn trẻ, kinh nghiệm chưa có nhiều, Triệu Phúc Phương bảo mình phải tự học, tự rèn luyện mỗi ngày. Anh là người đầu tiên ở UBND xã mua máy tính xách tay để làm việc. Chiếc máy tính ấy được mua từ số tiền nhận chế độ hỗ trợ cho cán bộ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116 của Chính phủ như là phần thưởng của Đảng, Nhà nước để anh hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ. Chiếc máy tính xách tay kết nối internet ngay đã giúp anh triển khai kịp thời chính sách của Nhà nước đối với đồng bào trong xã. 

Từ câu chuyện bỏ tiền mua máy tính xách tay của Chủ tịch UBND xã Triệu Phúc Phương, cán bộ công chức của xã cũng lần lượt tự sắm máy tính xách tay phục vụ công việc. Anh Phương khoe, những năm 2014 - 2015, chuyện sử dụng máy tính với nhiều xã còn khá xa lạ, nhưng ở Tri Phú, đã có trên 80% cán bộ công chức xã tự trang bị máy tính.

13 năm làm lãnh đạo xã, anh Phương trực tiếp đi học hỏi, tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa nhiều mô hình mới vào thực tế. Mỗi mô hình, anh đều đưa người dân đi học hỏi, tham quan thực tế. Những hộ nghèo, không có tiền đầu tư, anh Phương ưu tiên cho lấy cây giống trước, trả tiền sau.  

Từ một xã loay hoay với bài toán trồng cây gì, nuôi con gì, Tri Phú giờ đã có hơn 40 ha cây bời lời, 50ha quế, 50 ha cây giang. Anh Phương cũng đang kết nối, làm việc với một số xã lân cận vận động nhân dân cùng trồng, hình thành vùng nguyên liệu đủ rộng để xây dựng nhà máy sơ chế ngay tại địa phương.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ là người DTTS nói riêng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Trong đó đã bổ sung, đưa vào quy hoạch những cán bộ là người DTTS có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, chuyên môn nghiệp vụ cao và uy tín trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác quy hoạch được thực hiện liên thông giữa tỉnh và huyện, huyện và xã, giữa các cơ quan, đơn vị... vừa là bổ sung, vừa là tạo nguồn cán bộ hợp lý.

Quay trở lại Mỹ Bằng (Yên Sơn), thấy Trưởng thôn Hoàng A Phà “nói dân phục, làm dân tin”, tuổi đời lại còn rất trẻ, Đảng ủy xã Mỹ Bằng khuyến khích, vận động anh vừa làm vừa theo học Đại học. Ngay sau khi hoàn thành việc học, Hoàng A Phà được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Bằng, rồi mới đây là Bí thư Đoàn xã. Nhiệt huyết, trách nhiệm, Hoàng A Phà vừa được UBND tỉnh Tuyên Quang khen thưởng là 1 trong 100 gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang năm 2023. 

Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc từ thời kỳ đổi mới đất nước đến nay được thể hiện thông qua văn kiện các kỳ đại hội và các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Đảng, được ban hành cụ thể trong từng nhiệm kỳ, từng giai đoạn, với nội dung cơ bản thống nhất, đó là: “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc. Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất”.

Để công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số được bài bản hơn, đầu năm 2023, Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành và triển khai đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó xác định trong nhiệm kỳ 2025 - 2030 cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy và tham gia HĐND các cấp bằng và cao hơn nhiệm kỳ trước. Cấp ủy viên cấp tỉnh là dân tộc thiểu số trên 42%, đại biểu HĐND tỉnh trên 55%...


Nguồn::Theo TQĐT Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Huyện mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 0
Hôm qua : 6