A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài học từ luân chuyển, bố trí cán bộ cấp xã

Chủ trương bố trí lãnh đạo không là người địa phương trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Việc tổ chức thực hiện chủ trương trên, sau nhiều năm, đã thu được nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Bài học dân chủ

Yên Sơn hiện đã bố trí 14/28 xã có Bí thư, Chủ tịch không phải là người địa phương, 4/28 xã bố trí Bí thư Đảng ủy xã đồng thời là Chủ tịch UBND xã. Việc luân chuyển, bố trí cán bộ lãnh đạo xã không phải người địa phương được thực hiện từ nhiều năm nay và đặc biệt tập trung trong nhiệm kỳ này.

Xã Kim Quan nhiều năm "nổi cộm" tình trạng cục bộ địa phương. Năm 2019, đồng chí Trọng Văn Vĩnh, Phó Ban Dân vận Huyện ủy Yên Sơn được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.

Nhận nhiệm vụ đúng thời điểm Kim Quan có lộ trình về đích nông thôn mới, lại thêm nguy cơ mất đoàn kết từ nội bộ cán bộ, đồng chí Trọng Văn Vĩnh phải xây dựng kế hoạch tránh hiện tượng cục bộ, thu hút đoàn kết cán bộ và phát huy được nội lực trong dân. Cách làm của anh là đi sâu đi sát, tăng cường đi cơ sở, nắm tình hình, tăng cường trao đổi và thực hiện phương châm dân chủ từ cán bộ đến Nhân dân để tạo sự đồng thuận. Nhận thức cục bộ địa phương thường xuất phát từ câu chuyện công khai tài chính và quy hoạch cán bộ, tất cả mọi công việc, anh họp lấy ý kiến của tất cả mọi người, khi cùng đi đến quyết định chung nhất mới thống nhất thực hiện. Những nút thắt về câu chuyện cục bộ địa phương từng bước được tháo gỡ, từ chính những cuộc gặp gỡ, chia sẻ này.

Lãnh đạo xã Bình Yên (Sơn Dương) kiểm tra thực tế mô hình trồng thanh long của người dân.

Quá trình xây dựng nông thôn mới, Kim Quan xây dựng rất nhiều công trình hạ tầng, trong đó hầu hết là công trình không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Mỗi tháng một lần, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Quan dự sinh hoạt với các chi bộ thôn 1 lần. Đối tượng dự sinh hoạt thường được mở rộng ra những người có uy tín của thôn để lấy ý kiến và cùng định hướng trong các chương trình lớn của xã, của thôn.

Tuyến đường trung tâm xã là công trình mà người dân Kim Quan vẫn gọi là con đường của ý Đảng lòng Dân. Trước đây, con đường chỉ rộng khoảng 3 mét, 2 bên đường chủ yếu là đất ruộng, đất thổ cư nhưng chỉ có 3 hộ dân sinh sống. Khi quyết định mở rộng tuyến đường, việc đầu tiên anh Vĩnh làm là họp bàn công khai với dân. Chủ trương đúng, dân đồng thuận ngay, nhưng câu hỏi nếu hiến đất nông nghiệp, rồi sau này làm gì để ăn là câu hỏi anh Vĩnh nhận được nhiều nhất. Hỏi vậy thôi, nhưng thấy cán bộ huyện về lăn xả với dân, có những hộ gia đình anh đến cả chục lần, vừa chuyện trò vừa tuyên truyền vận động, dân cũng thấy được tâm huyết của người lãnh đạo. 17 hộ ký cam kết sẵn sàng hiến đất. Tuyến đường từ 3 mét được mở rộng ra 9 mét. Từ 3 hộ dân cư sinh sống, giờ bám mặt đường có hơn 20 hộ dân. Kim Quan hình thành được tuyến đường mẫu, hình thành được khu dân cư kiểu mẫu và trở thành ít xã nông thôn mới trong khu vực đấu giá thành công 16 lô đất ngay khi hoàn thành tuyến đường trung tâm xã.

Những hộ dân hiến đất làm đường, đích thân Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã kết nối với các ngân hàng trên địa bàn huyện để hỗ trợ vốn vay, chuyển đổi từ nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ, trồng rừng hay chăn nuôi. Anh Vĩnh cũng trực tiếp kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa nhiều mô hình liên kết về xã, như mô hình trồng ớt, mô hình trồng dưa chuột. Từ 3 sào dưa chuột đầu tiên, Kim Quan giờ đã có 5 ha.  Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Quan Trọng Văn Vĩnh cười, bài học kinh nghiệm lớn nhất đối với mình là bài học trọng dân, dân chủ. Chính sự thông suốt trong cách nghĩ, cách làm này đã giúp Kim Quan hoàn thành xây dựng nông thôn mới và phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Đến thời điểm này, Tuyên Quang đã luân chuyển 90/138 bí thư cấp xã, 36/138 chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương.

Nhiệm kỳ này, cả 2 đồng chí lãnh đạo xã Bình Yên (Sơn Dương) đều không phải là người địa phương. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Bùi Xuân Mừng là cán bộ từ huyện về, đồng chí Chủ tịch UBND xã Vương Ngọc Vản được luân chuyển từ xã Lương Thiện.

Chủ tịch UBND xã Vương Ngọc Vản chia sẻ, trước đây ở Lương Thiện, việc giải quyết công việc đôi khi còn tình trạng nể nang, vì người trong xã đều quen biết nhau cả, khi chuyển đến địa phương mới, việc này được hạn chế phần nào.

Chia sẻ điều này, Bí thư Đảng ủy xã Bùi Xuân Mừng chia sẻ, chính sự "không quen biết" của lãnh đạo xã với dân đã giúp việc giải quyết công việc suôn sẻ, thuận lợi hơn, khi những ưu ái về người thân quen được loại bỏ trong giải quyết công việc. Việc bình xét các chế độ cho hộ nghèo, cận nghèo, cho vay vốn hay hưởng các chế độ hỗ trợ đều được công khai, minh bạch và thuận lợi.
Một trong những thay đổi đầu tiên khi về Bình Yên mà 2 đồng chí lãnh đạo xã tập trung thực hiện là áp dụng nghiêm thời gian làm việc và thái độ phục vụ Nhân dân.

Những tuần đầu tiên, trực tiếp đồng chí Bí thư Đảng ủy cùng ngồi làm việc tại Bộ phận Một cửa. Từ tiếp nhận hồ sơ, cách trả lời Nhân dân của cán bộ đều được chỉ mặt điểm tên ngay trong các cuộc họp giao ban, thẳng thắn, không né tránh, cán bộ biết sai phạm của mình để từ đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh ngay.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Yên Bùi Xuân Mừng chia sẻ, công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ, mình cũng công tâm hơn khi không có sự nể nang quen biết. Những người có trình độ, chuyên môn, đáp ứng tốt nhiệm vụ công việc đều được đưa vào danh sách quy hoạch. Điều này đã góp phần động viên cán bộ hăng hái hơn, nỗ lực cống hiến hơn trong công việc.

Từ thực tiễn, các địa phương hiện đang tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch luân chuyển phù hợp. Đồng chí Trần Giang Tuyên, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Sơn cho biết, việc bố trí lãnh đạo xã không phải người địa phương đã góp phần thay đổi tư duy lối mòn trong cách làm việc, cách nghĩ, cách làm của người dân địa phương. Thực hiện Đề án 16, Huyện ủy Yên Sơn đã ban hành kế hoạch, rà soát danh sách để đưa vào kế hoạch luân chuyển, trong đó tập trung vào các lãnh đạo cấp xã đã giữ chức danh 2 nhiệm kỳ trở lên, các đồng chí Bí thư Đoàn xã quá tuổi, cán bộ trẻ có tiềm năng triển vọng… để có kế hoạch luân chuyển phù hợp.

Để nâng cao hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ, tháng 12/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định 12/QĐ/TU về luân chuyển cán bộ; tháng 3-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Đề án về công tác luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023 - 2025. Qua đó, đảm bảo việc luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải người địa phương sẽ tạo ra luồng gió mới, vừa khắc phục được hiện tượng bè phái, tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ, tình trạng khép kín trong công tác cán bộ, vừa góp phần đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện cán bộ, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Nguồn::Theo TQĐT Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Huyện mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 0
Hôm qua : 6