Bà Trần thị Tầm (bên trái) là một người cần cù và tâm huyết với công việc, giúp cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn thôn Tân Lập, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn có điều kiện vươn lên thoát nghèo
Cùng nông dân tìm lối thoát nghèo
Thôn Tân Lập, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn, là một trong những địa phương vùng miền núi khó khăn của huyện Yên Sơn, đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, cuộc sống mưu sinh chủ yếu là các ngành nghề chăn nuôi, các loại cây trồng, buôn bán nhỏ và trồng rừng.
Bà Trần Thị Tầm là người nông dân được sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất này, nên bà thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Bản thân bà luôn trăn trở, suy nghĩ muốn tìm lối thoát, để giúp người nông dân, đặc biệt là đồng bào DTTS thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, trẻ em được cắp sách đến trường như bao vùng quê khác.
Cơ duyên đã tình cờ đến với bà Tầm, vào năm 2003, Tổ TK&VV thuộc Đoàn Thanh niên thôn Tân Lập được củng cố, kiện toàn, với năng lực và sự tâm huyết của bản thân, bà Tâm được các tổ viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng TK&VV. Thời gian đầu, việc tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi còn nhiều hạn chế, Ban Quản lý Tổ TK&VV chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý và lập hồ sơ vay vốn, đa số hộ nghèo do trình độ nhận thức hạn chế nên còn mặc cảm, tự ti, không mạnh dạn vay vốn, để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, được sự tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn vay của NHCSXH huyện, bà Tầm đã đi đến từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn tuyên truyền, vận động người dân là hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi thói quen làm kinh tế, mạnh dạn vay vốn từ NHCSXH ủy thác qua Đoàn Thanh niên, để đầu tư mua con giống, vật nuôi, phương tiện, máy móc phục vụ việc chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc một cách bài bản và có quy mô.
Nguồn vốn vay từ NHCSXH đã được các tổ viên sử dụng đúng mục đích xin vay, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi chưa có công việc ổn định, giúp cho học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập, để có cơ hội đến trường, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia, xóa nhà tạm cho hộ nghèo,… Nhờ đó, giúp cho 54 hộ thoát được nghèo, 9 hộ thoát được cận nghèo.
Hơn 20 năm gắn bó với NHCSXH, bà Tầm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải nguồn vốn đến tận tay người nghèo
Điển hình như hộ gia đình anh Bàn Văn Phùng, ở thôn Tân Lập, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) là hộ vay vốn điển hình tiêu biểu của huyện. Trước đây, gia đình anh Bàn Văn Phùng là hộ cận nghèo của xóm Tân Lập. Năm 2022, anh được bình xét vay vốn từ NHCSXH 100 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ cận nghèo, để đầu tư trồng và chăm sóc cây bưởi và trồng thêm các loại cây ăn quả khác như quýt, cam.
Nhờ ham học hỏi thông qua các đợt tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và cần cù chịu khó áp dụng vào hoạt động chăn nuôi sản xuất, nên mô hình của gia đình anh Phùng phát huy rất hiệu quả. Nhờ đó, đến năm 2023, gia đình anh đã thoát cận nghèo, từ hộ cận nghèo anh đã vươn lên trở thành hộ khá giả của xã Chiêu Yên.
Hiện nay, gia đình anh Bàn Văn Phùng đã sở hữu 2ha trồng bưởi, 2ha trồng thêm cây keo. Vườn bưởi đến nay đã có thu hoạch và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh. Nguồn thu nhập từ bán bưởi hằng năm cũng mang về cho gia đình anh nguồn thu 40 triệu đồng. Với số tiền đó, đảm bảo cho gia đình anh trang trải cuộc sống và từng bước vươn lên trở thành hộ khá giả và điển hình của Đoàn Thanh niên xã Chiêu Yên trong phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Quản lý hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách và đảm bảo khả năng trả nợ khi đến hạn, bà Trần Thị Tầm thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay sau khi vay vốn theo quy định; vận động các tổ viên cam kết và thực hiện tham gia tiền gửi thông qua tổ hằng tháng để dành dụm, tích lũy số tiền trả nợ khi món vay đến hạn.
Nhờ đó, Tổ TK&VV do bà Tầm quản lý không có lãi tồn đọng, không có nợ quá hạn, số hộ tham gia tiền gửi hằng tháng đạt tỷ lệ 100%, quy mô dư nợ tăng dần qua các năm. Nếu như, đầu năm 2004, tổng dư nợ của tổ là 75 triệu đồng, với 15 khách hàng còn dư nợ thì đến ngày 20/10/2024, tổng dư nợ của tổ đạt 4.713 triệu đồng, với 60 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân mỗi hộ đạt trên 78 triệu đồng.
Đến nay, Tổ TK&VV thôn Tân Lập có 60 tổ viên, tổng dư nợ 4.713 triệu đồng/60 hộ vay; số tiền gửi tiết kiệm tổ nhóm là 97,8 triệu đồng. Các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả gốc, lãi đúng quy định, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu qủa tốt, tổng số hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo trong 3 năm gần đây là 49 hộ, trong thôn đã xuất hiện nhiều hộ khá, giàu.
Bà Trần Thị Tầm (ở giữa) trao đổi với hộ vay về sử dụng nguồn vốn trên địa bàn thôn Tân Lập, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người dân trên địa bàn thôn Tân Lập, xã Chiêu Yên không còn tình trạng đi vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen không có cơ hội để tồn tại, tăng thời gian sử dụng lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, nâng cao dân trí, cải tạo môi trường.
Tận tụy, tận tâm giúp người dân vươn lên thoát nghèo
Bên cạnh đó, việc tham gia sinh hoạt Tổ TK&VV, hội viên nông dân được làm quen với các hoạt động của NHCSXH, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong sinh hoạt cũng như trong cuộc sống, tiết kiệm trong tiêu dùng, sử dụng vốn có hiệu quả.
Đặc biệt, bà giúp hộ nghèo xóa bỏ mặc cảm tự ti, bị bỏ rơi trong nền kinh tế thị trường; góp phần làm cho hoạt động của các tổ chức hội đoàn thể phong phú hơn, có lợi ích cụ thể, thu hút được đông đảo hội viên tham gia, giúp cho các hội viên gần gũi hơn trong cuộc sống cũng như trong công việc.
Trưởng thôn Tân Lập Trương Văn Mạnh, nhận xét: Bà Tầm là một Tổ trưởng gương mẫu, tận tâm, tận tuỵ với công việc. Ngoài việc quản lý tốt Tổ TK&VV, bà còn tham gia nhiệt tình làm các công việc của thôn, với công việc gì bà cũng luôn thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn từ 16,5% năm 2023 xuống còn 6,5% (tính đến tháng 9/2024).
Để đạt được kết quả đó chính là nhờ sự cần cù, trách nhiệm, tâm huyết với công việc của bà Trần Thị Tầm. Ngoài ra, bản thân bà Tầm cũng có sự thấu hiểu, đồng cảm sự khó khăn của người dân, muốn đem hết tâm huyết của mình giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo.
Để ghi nhận những đóng góp của bà Trần Thị Tầm trong hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương, tháng 7/2022, bà vinh dự được UBND tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội.
Hy vọng rằng, với sự tâm huyết của mình bà Trần Thị Tầm tiếp tục làm cầu nối đem nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân thôn Tân Lập, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn trở thành điểm sáng cho hoạt động tín dụng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Yên Sơn.
Theo: baodantoc.vn