Xã Xuân Vân được coi là vựa của các loại cây ăn quả, mùa nào cũng có thu nhập, hết bán hồng không hạt, đến bưởi đường, bưởi Diễn, còn chuối thì tứ mùa không lúc nào hết. Theo người dân Xuân Vân, chính trồng cây ăn quả mà đời sống của họ đã khấm khá lên rất nhiều. Cụ thể như mùa thu hoạch hồng không hạt vừa qua đã có nhiều gia đình thu nhập hàng chục triệu đồng, thậm chí trên 100 triệu đồng. Điển hình như gia đình ông Hứa Văn Tú, thôn Đô Thượng thu nhập trên 100 triệu đồng; bà Khuất Thị Huyền thôn Đô Thượng 4, cũng thu vài chục triệu đồng tiền bán hồng quả. Cũng như cây hồng, từ lâu cây bưởi đường, bưởi Diễn đã mang lại thu nhập cao cho người dân Xuân Vân. Anh Trần Thanh Hải, thôn Soi Hà cho biết: Vụ bưởi này gia đình anh có thu nhập 125 triệu đồng. Giá trung bình một quả từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng thậm chí là 30.000 đồng.
Chuối tây mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Trung Trực.
Xuân Vân hiện có khoảng trên 400ha cây ăn quả, trong đó trên 200ha là bưởi và hồng không hạt. Riêng đối với hồng không hạt và bưởi Diễn Soi Hà từ lâu đã nức tiếng gần xa. Đến mùa hồng, mùa bưởi, thương lái đã đến đặt hàng lấy hàng trăm, hàng nghìn quả, không phải mang ra chợ bán lẻ. Đặc biệt, tháng 10 vừa qua bưởi Diễn trên đất Soi Hà đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu chất lượng sản phẩm và tới đây sẽ là cây hồng không hạt. Điều này càng mở ra một cơ hội lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của người trồng bưởi.
Cũng như xã Xuân Vân nhiều người dân xã Thắng Quân, Lực Hành đã và đang giàu lên từ trồng bưởi, trồng chuối. Ông Hà Trường Thành, Chủ tịch UBND xã Thắng Quân cho biết, nhờ giá trị của cây bưởi đường, bưởi Diễn mà trong 3 năm trở lại đây hàng trăm hộ dân đã cải tạo vườn tạp phát triển mở rộng diện tích trồng bưởi. Mỗi sào đất trồng bưởi (trong giai đoạn thu hoạch quả cao) cho thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng. Cùng với bưởi là cây chuối tây, hiện nay diện tích chuối tây đang được mở rộng, giá bán quả chuối tây cũng luôn được giữ ổn định đã khuyến khích người dân phát triển.
Quy hoạch phát triển cây ăn quả có giá trị không chỉ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn xóa nghèo vươn lên làm giàu. Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là việc nhân giống nguồn gốc cây ăn quả có giá trị hoàn toàn do người dân tự gây, không qua chọn lọc. Nguồn gốc giống không chuẩn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Cùng với đó là dù đã có hướng phát triển nhưng hiện nay các loại cây ăn quả trên địa bàn Yên Sơn cũng mới chỉ phát triển theo tính chất hộ gia đình với quy mô nhỏ lẻ. Điều này gây khó khăn cho áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, kiểm soát chất luợng và tiêu thụ nông sản.
Theo đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Sơn Vũ Hồng Xuân, phòng đang tham mưu với UBND huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các ngành chức năng khác có cơ chế khuyến khích phát triển cây ăn quả, vật tư khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các hộ dân vùng quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững.