Chị Mùa Thị Dê, người Mông, thôn Làng Un vay vốn tín dụng chính sách phát triển 3 ha cam V2.
Gia đình chị Mùa Thị Dê, người Mông, thôn Làng Un có gần 3 ha cam V2 được trồng trên đồi thấp khá hiệu quả. Năm 2023, thu vụ đầu tiên đã được ngót 100 triệu đồng. Chị Dê cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH mua cây giống đầu tư ban đầu nên gia đình chị mới có đồi cam V2 này. Nguồn vốn thật sự cần thiết đối với những người bắt đầu làm kinh tế như mình. Nếu không có vốn ưu đãi người dân mình đi vay ngoài thì vất vả lắm! Vay vốn chính sách của Nhà nước vừa an toàn, vừa lãi ưu đãi, người dân mới yên tâm phát triển kinh tế. Người dân chúng tôi mong muốn có thêm nhiều nguốn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hiệu quả”. Vườn cam vinh của chị Dê đang phát triển tốt, hứa hẹ mùa cam 2024 sẽ thu khoảng 200 triệu đồng.
Giống như chị Dê, ông Đào Lương Hoa, thôn Làng Làm được vay 50 triệu đồng vốn của Ngân hàng CSXH đầu tư trồng chanh leo. Ông Hoa chia sẻ: Hiện ông có 220 gốc chanh leo, mỗi năm thu hoạch 4 đợt. Mỗi đợt thu hoạch quả được khoảng 20 triệu đồng. Cây chanh leo so với các cây trồng khác ở đất Kiến Thiết này thì thu nhập khá.
Ông Đào Lương Hoa, thôn Làng Làm được vay 50 triệu đồng vốn của Ngân hàng CSXH đầu tư trồng chanh leo.
Ông Lục Chí Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết cho biết: “Cấp uỷ, chính quyền xã xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao triển khai đồng bộ các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tạo điều kiện cho người dân vay vốn qua các kênh tín dụng của Nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp sức đắc lực cho địa phương thực hiện công tác giảm nghèo. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng Ngân hàng CSXH uỷ thác qua các hội, đoan thể trên địa bàn xã đạt trên 45,7 tỷ đồng, chiếm trên 50% nguồn tín dụng đầu tư vào xã, giúp trên 500 lượt hộ dân vay vốn phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động, làm nhà ở…”
Nguồn tín dụng chính sách và nguồn đầu tư của Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang từng bước thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi đời sống của người dân vùng khó Kiến Thiết.