Điểm giao dịch NH CSXH tại Thị trấn Yên Sơn.
Chỉ với vài thao tác tại phần mềm quản lý tín dụng chính sách trên điện thoại thông minh, Chị Hoàng Anh Thương, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) Tổ dân phố Trầm Ân, Thị trấn Yên Sơn đã quản lý và xem được số liệu của từng tổ viên mọi lúc, mọi nơi. Hiện nay chị Thương đã tiến hành thực hiện giao dịch thu lãi, thu tiết kiệm qua ứng dụng này. Việc sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách đã mang lại nhiều tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian khi đi giao dịch với ngân hàng. Số liệu đảm bảo chính xác, cập nhật kịp thời khi có biến động về số liệu của tổ viên.
Tập huấn triển khai ứng dụng quản lý tín dụng chính sách.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 23/28 xã, thị trấn thực hiện giao dịch qua phần mềm quản lý tín dụng. Theo đó đã có trên 6.800 món vay, với gần 5.500 hộ đã giao dịch qua ứng dụng, với tổng số tiền thu được trên 2,7 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN Phụ nữ xã Tứ Quận cho biết: “Từ khi cài đặt và sử dụng phần mềm Quản lý tín dụng chính sách vào công việc quản lý tình hình vay vốn tín dụng đã giúp cấp hội tiết kiệm thời gian, chủ động hơn trong việc vận động các hội viên trả đúng hạn các khoản vay, hoặc tự theo dõi hồ sơ tài chính, vay vốn, nắm tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại cơ sở. Hiện Hội LHPN xã quản lý tổng cộng 04 Tổ TK&VV, trong đó có 140 tổ viên vay vốn, với tổng dư nợ trên 7 tỷ đồng.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Sơn hướng dẫn các tổ trưởng tổ TK&VV cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách.
Bà Ngô Thị Thúy Xuyến, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NH CSXH huyện Yên Sơn, cho biết: Đơn vị đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các tổ trưởng tổ TK&VV trên địa bàn huyện về cài đặt và sử dụng các tính năng trên ứng dụng quản lý tín dụng chính sách trong giao dịch. Đây là ứng dụng phần mềm được cài đặt trên điện thoại di động thông minh có kết nối Internet để thông tin cho khách hàng về hoạt động tín dụng chính sách, các chương trình tín dụng cho vay, cơ sở dữ liệu, quy trình cho vay, trả lãi và gốc của khách hàng, kết quả kiểm tra đối chiếu cho vay và các văn bản hướng dẫn… Tuy nhiên, do mới triển khai áp dụng, nên bước đầu cũng có nhiều khó khăn nhất định, nhất là đối với các tổ trưởng lớn tuổi hoặc không có điện thoại thông minh. Đơn vị đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để người dùng có thể tiếp cận, sử dụng hiệu quả các tính năng một cách thuận tiện nhất.
Các tổ trưởng tổ TK&VV sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tín dụng tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện không chỉ góp phần thực hiện chuyển đổi số, giao dịch số trong hoạt động tín dụng chính sách, mà còn nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của đơn vị./.
Thực hiện: Thùy Dung