Trong năm 2024, thông qua các loại lớp đào tạo, bồi dưỡng, Trung tâm Chính trị huyện Yên Sơn đã tổ chức cho 23 lớp đi nghiên cứu thực tế với 1.662 lượt học viên tham quan các khu di tích sử văn hóa trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là chương trình Đào tạo sơ cấp lý luận chính trị đã có 170 lượt cán bộ, giảng viên, học viên của Trung tâm đến tham quan các khu di tích lịch sử. Trong đó, có Khu di tích lịch sử Quốc gia Ngã Ba Đồng Lộc đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi cán bộ, giảng viên, học viên khi đến tham quan, tìm hiểu.
Lãnh đạo,giảng viên, học viên lớp Đào tạo Sơ cấp lý luận chính trị Trung tâm chính trị huyện Yên Sơn Thắp hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Ngã Ba Đồng Lộc.
Từ một "tọa độ chết" khi chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10/1968, Ngã ba Đồng Lộc đã phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, với 1.863 lần tấn công của địch khiến 1.699 cán bộ và nhân dân ngã xuống. Đến nay sau 56 năm, Đồng Lộc đã chuyển mình, trở thành một địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam. Năm 1968 là năm khốc liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, nhu cầu tăng viện cho chiến trường miền Nam về vũ khí, lương thực, xăng dầu để củng cố lực lượng, giữ vững địa bàn vô cùng cấp thiết. Từ ném bom không hạn chế, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện kế hoạch ném bom hạn chế, tập trung toàn bộ sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh khu IV cũ, bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Tại chiến trường Đồng Lộc, trong tháng 5/1968, các lực lượng của ta đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Trong tháng 7/1968, ta đã phá 1.780 quả bom, góp 974.240 ngày công để thông tuyến, làm đường mới từ Khiêm Ích, Truông Kén, Bãi Dịa 6km. Quân và dân các xã thuộc địa bàn huyện Can Lộc đã góp 185.400 ngày công với 42.620 người phục vụ chiến đấu, đào đắp 95.209m3 đất đá, vận chuyển 45m3 gỗ, cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy. Trong suốt 300 ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, hơn 16.000 người thuộc các lực lượng đã đối mặt, bám trụ chiến đấu kiên cường để nối mạch, thông đường với tiền tuyến.
Trong cuộc chiến đấu quyết liệt đầy khó khăn và vô cùng dũng cảm này, Đồng Lộc đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Từ năm 1964 - 1972, tại Ngã ba Đồng Lộc đã có 1.226 người dân các xã vùng lân cận thuộc huyện Can Lộc và 8 em học sinh đã bị bom đạn kẻ thù sát hại. Cùng với đó, 465 cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng TNXP, giao thông vận tải, lực lượng dân quân tự vệ, nhân dân Đồng Lộc và đơn vị Pháo cao xạ 210 cũng đã anh dũng hy sinh để giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, góp phần quyết định chiến thắng trên chiến trường miền Nam, bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù.
Lực lượng TNXP là lực lượng chủ công, đội quân xung kích, đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ và đầy nguy hiểm với nhiệm vụ chính là lấp hố bom, bắc cầu, làm hầm, làm đường vòng, đường tránh qua Ngã ba Đồng Lộc để đảm bảo cho Đồng Lộc không lúc nào tắc xe. Trong đó, phải kể đến sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm", đã hy sinh trọn vẹn cả tuổi thanh xuân của mình cho sự sống của dân tộc. Địa danh Ngã ba Đồng Lộc cũng gắn liền với tên tuổi của các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Anh hùng La Thị Tám, Nguyễn Trí Ân, Nguyễn Tiến Tuẫn, Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý…
Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 1995, Đảng và Nhà nước giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác các hạng mục công trình tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Ngày 9/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho bao thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Lãnh đạo, giảng viên, học viên lớp cấp lý luận chính trị huyện Yên Sơn thăm khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc.
Qua tham quan Khu di tích lịch sử Quốc gia Ngã ba Đồng Lộc đã giúp cho các cán bộ, đảng viên tự hào về tinh thần yêu nước bất khất, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Từ đó, bồi đắp thêm lòng tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ, sẵn sàng cống hiến, xây dựng hoài bão, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Có thể nói, từ những buổi đi thực tế, học viên được bổ sung kiến thức thực tiễn, nắm rõ hơn về các giá trị văn hóa, truyền thống và các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương, quê hương, đất nước. Trong thời gian tới Trung tâm chính trị huyện Yên Sơn sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng hơn nữa việc kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo dục lý luận chính trị ở Trung tâm./.
Thực hiện: Nguyễn Trường Giang - Giảng viên Trung tâm Chính trị huyện