Theo đó, Dự án do UBND xã Công Đa làm chủ đầu tư, Trung tâm Dịch vụ và Nông nghiệp huyện là đơn vị hỗ trợ tư vấn thực hiện, với tổng kinh phí dự án là 1.449.542.000 đồng (trong đó vốn ngân sách nhà nước là 359.070.000 đồng; vốn đối ứng của dân 1.090.472.000 đồng). Mỗi hộ gia đình đã nhận được 8 con lợn giống, tổng cân nặng trên 100kg, đây là sản phẩm lợn có chất lượng thịt đặc biệt thơm ngon được người tiêu dùng ưa thích, giá bán bình quân trên thị trường từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg lợn thịt, được nhiều quán ăn, nhà hàng đưa vào làm thịt đặc sản nên nhu cầu trong những năm tới cần với số lượng nhiều nên đầu ra rất tiềm năng.
Trung tâm Dịch vụ và Nông nghiệp huyện trực tiếp hướng dẫn về chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho các hộ gia đình
Mục tiêu dự án chủ yếu hướng đến là sản xuất và cung ứng lợn con giống cho các hộ nuôi dưỡng để phát triển kinh tế địa phương và xây dựng thương hiệu thịt lợn Công Đa. Bên cạnh đó, nhằm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân trong phát triển chăn nuôi lợn để tăng hiệu quả các nguồn lực, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm thịt có chất lượng cao, con giống cung cấp cho các hộ lân cận. Phát triển chăn nuôi lợn gắn với quy hoạch phát triển chăn nuôi của xã Công Đa và của huyện Yên Sơn; tạo sự chuyển dịch trong chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Dự án khi thực hiện sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế giúp xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Chị Hoàng Thị Rỉnh, thôn Khuôn Trò, xã Công Đa chia sẻ: Bản thân rất là vui mừng và phấn khởi khi được nhà nước cho đàn lợn về nuôi, gia đình sẽ cố gắng chăm sóc để cho đàn lợn được phát triển tốt, và cho kinh tế của gia đình được đi lên, đó là một động lực để gia đình vươn lên thoát nghèo.
Tham gia dự án, các hộ dân được thụ hưởng con giống lợn đảm bảo, được tập huấn kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn về chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh, được giao lưu học hỏi với các hộ đã có kinh nghiệm chăn nuôi trong nhóm và trong khu vực để áp dụng vào chăn nuôi cho đạt hiệu quả. Các hộ chăn nuôi phải đảm bảo vệ sinh môi trường, cam kết thực đúng mục tiêu của dự án, quy chế quay vòng, luân chuyển vốn trong cộng đồng theo nội dung đã cam kết. Dự án được thực hiện trong 12 tháng, sau khi kết thúc các hộ có trách nhiệm quay vòng bằng tiền để luân chuyển trong cộng đồng thực hiện dự án với tỷ lệ quay vòng là 10% vốn hỗ trợ.
Đàn lợn giống được vận chuyển đảm bảo, an toàn trước khi bàn giao cho hộ dân
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chương trình MTQG huyện Yên Sơn, ngay từ đầu triển khai dự án, chính quyền xã đã tổ chức tuyên truyền các chủ trương chính sách của trung ương, của tỉnh, huyện đến người dân trên địa bàn xã từ đó lựa chọn đúng đối tượng, các hộ đủ điều kiện hình thành các tổ nhóm để cùng nhau thực hiện các nội dung hỗ trợ, với quan điểm ưu tiên các hộ nằm trong danh sách thoát nghèo năm 2024 và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung xây dựng dự án nhằm bám sát nhu cầu thực tế của địa phương, của xã hội để lựa chọn các nội dung hỗ trợ sao cho phù hợp và sát với tình hình kinh tế xã hội của địa phương. Lựa chọn các đơn vị cung ứng có đủ năng lực, có trách nhiệm để cấp con giống và vật tư khác đảm bảo chất lượng và số lượng cho các hộ dân, lắng nghe các ý kiến phản hồi của người dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi. Trong quá trình nuôi tiến hành kết nối thị trường nhằm tiêu thụ sản phẩm.
Bà Trần Thị Hoài Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Công Đa cho biết: Các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã được nhận con lợn đen theo chuối giá trị cộng đồng, giúp cho các hộ gia đình có bước đầu để tăng thu nhập, làm sao đưa kinh tế của hộ gia đình được nâng lên, có bước phát triển tốt để thoát nghèo bền vững; được cấp con giống thì bà con nhân dân rất là phấn khởi, nhìn con giống rất là to và khỏe mạnh; UBND xã sẽ phân công cho các thành viên trong Ban giảm nghèo của xã sẽ thường xuyên theo dõi các hộ gia đình chăn nuôi, làm sao đưa con giống đem lại hiệu quả kinh tế cao.
UBND xã Công Đa tiến hành giao lợn giống cho các hộ gia đình nghèo thuộc Dự án.
Dự án được thực hiện nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, sẽ góp phần thực hiện những mục tiêu kinh tế xã hội và hướng đến hoàn thành những tiêu chí về NTM, và NTM nâng cao là cơ sở để chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, ngoài việc phát triển chăn nuôi còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ngoài ra qua quá trình thực hiện dự án sẽ giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững./.
Thực hiện: Viết Kiều