Cán bộ địa chính xã Tiến Bộ cùng các hộ dân thôn Thống Nhất kiểm tra diện tích đất cần hiến để xây dựng cầu.
Sẵn sàng hiến đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, phục vụ cho việc đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện cho bà con nhân dân là tinh thần của nhiều hộ gia đình thôn Thống Nhất, xã Tiến Bộ. Ông Trần Xuân Quang, cho biết: để chuẩn bị xây dựng cầu theo Nghị quyết 55, trong thôn có 05 hộ thực hiện hiến đất ruộng của gia đình. Sau khi họp cụm dân cư các hộ đều đồng tình, nhất trí cao.
Ông Hoàng Văn Thị, thôn Thống Nhất nói: "Chúng tôi cũng sẽ hiến đất theo chủ trương để cầu được hoàn thành. Khi nhà nước làm cái cầu này cho chúng tôi, chúng tôi rất phấn khởi và cảm ơn".
Tuyến đường bê tông thôn Rạp, xã Tiến Bộ.
Để tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân và việc hiến đất trở thành một phong trào tiêu biểu, sôi nổi, xã Tiến Bộ đã xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện; phân công các đồng chí cán bộ, đảng viên phụ trách từng thôn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình, thiết thực, phù hợp với từng địa bàn, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Cùng với đó, mọi công việc đều được các thôn công khai minh bạch, đảm bảo “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Ông Trần Văn Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ, cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của những tuyến đường bê tông và cầu trên đường giao thông nông thôn trong đời sống và sản xuất, người dân xã Tiến Bộ đã đoàn kết, nhất trí sẵn sàng hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để thực hiện. Trong 2 năm qua, xã đã làm được gần 6.000 m đường bê tông và xây dựng 04 cầu trên đường giao thông nông thôn. Trong đó, có gần 150 hộ dân dân hiến trên 24.000 m2 đất, cùng hàng nghìn ngày công lao động để thực hiện.
Nhân dân xã Tiến Bộ tích cực đóng góp công sức, tiền của xây dựng đường giao thông nông thôn.
Việc thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn không chỉ giúp bà con đi lại thuận lợi, dễ dàng, thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa. Từ đó, tạo tiền đề để xã tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới. Điều này cũng đòi hỏi xã cần chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng cơ chế, chính sách của nhà nước kết hợp với huy động đa dạng các nguồn lực, phù hợp với sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn./.
Thực hiện: Thùy Dung