Nghi lễ Múa dân gian của các nghệ nhân, thầy mo thôn Động Sơn
Ngày 30/6/2022, Huyện Yên Sơn và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành phục dựng lễ hội truyền thống đình Động Sơn, dân tộc Sán Chay, ngành Cao Lan tại xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn gắn với thực hiện Đề án “Xây dựng Làng văn hóa dân tộc Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn” để Động Sơn, xã Chân Sơn trở thành điểm đến mới, hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá Yên Sơn.
Nằm cách thành phố Tuyên Quang chừng 10 km thôn Động Sơn, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn được bao bọc bởi Núi Là và nguồn nước xanh mát của hồ Ngòi Là 1, Ngòi Là 2 mang vẻ đẹp bình yên nhưng đầy cuốn hút, nơi có dân tộc: Kinh, Dao, Tày, Cao Lan, Mông, Nùng... cùng sinh sống. Trải qua thời gian, các thế hệ cư dân định cư, lập nghiệp trên vùng đất Chân Sơn đã tạo nên những thôn xóm, bản làng đông vui và nền văn hóa vô cùng phong phú mang đậm đà bẳn sắc văn hóa riêng biệt của từng dân tộc. Ngày nay, cuộc sống của các dân tộc ở đây đã dần văn minh, hiện đại hơn rất nhiều, tuy đã không còn nguyên bản như ngày xưa song nhiều phong tục tập quán vẫn được đồng bào các dân tộc lưu giữ và các cấp chính quyền phục dựng lại, trong đó có lễ hội truyền thống đình Động Sơn của người Cao Lan.
Người Cao Lan có tục thờ ma ham của từng dòng họ, nhành họ, chi họ và đều có những truyền tích riêng biệt. Ngoài ra, người Cao Lan có tục thờ Thành hoàng làng tại đình, là những người có công khai phá mở đất, có công dẹp loạn bảo vệ cộng đồng. Tuy nhiên, đình làng của người Cao Lan thường được dựng nhỏ, kiến trúc đơn giản, trên khu đất có địa thế đẹp, bằng phẳng, lưng dựa núi.
Đình làng Động Sơn, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn được người Cao Lan trong vùng dựng lên thờ các vị Lý Chân, Lý Bảo và Lý Bính, các vị thần phù trợ cho nghề nông phát triển như thần Nông, thần Thổ địa, Long Vương luôn che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh. Ngày mùng 02/02 và ngày 02/6 (âm lịch) là ngày lễ chính của đình, đây là dịp đồng bào Cao Lan xã Chân Sơn bày tỏ lòng thành kính tạ ơn thần thánh, đã phù hộ cho dân làng một năm sức khỏe, mùa màng bội thu. Thông qua lễ hội đã tạo cơ hội mọi người trong làng xóm gần gũi nhau, đoàn kết gắn bó bên nhau hơn.
Vào ngày lễ đình thầy cúng là người chủ trì - người được coi là có sức mạnh siêu nhiên, cầu nối giữa người sống và các đấng thần linh, thầy sẽ làm lễ cúng để xin phép tổ tiên, xin phép Thành hoàng làng và các vị thần linh cho phép dân làng được tổ chức lễ hội. Ngoài thầy cúng còn có từ 7 đến 11 thanh niên là nam giới, khỏe mạnh, có lối sống lành mạnh, nhiệt tình và thường xuyên theo thầy đi cúng tham gia trực tiếp khi thực hành nghi lễ truyền thống ngay tại đình Động Sơn.
Lễ vật để cúng Thành hoàng và các thần linh tại đình gồm có: Thịt lợn, gà, xôi, rượu, hoa quả, bánh kẹo, giấy màu, hoa quả và đèn hương... Thời gian tổ chức lễ hội có thể kéo dài 1-2 ngày. Phần lễ được tiến hành trong đình từ hôm trước cho đến trưa ngày hôm sau, còn lại dành cho phần hội được tổ chức tại sân vận động của thôn hoặc các bãi đất trống bằng phẳng trên địa bàn.
Ngày lễ đình thầy cúng và các cụ cao niên trong "hội đồng chấp sự" cùng con cháu trong làng ra đình làm "lễ mở cửa đình", các mâm cỗ được dọn lên để thắp hương làm lễ thỉnh mời các vị thần và tổ tông về dự lễ hội. Các nghi lễ cúng tế truyền thống của dân tộc Cao Lan bắt đầu được tiến hành, thầy cúng, ông trùm và các cụ cao niên đứng trước hương án khấn nhỏ, thỉnh tên các vị thần linh, trong khi chiêng, trống đổ dồn những nhịp ngắn, nhỏ. Các nghi lễ được diễn ra nối tiếp, từ lúc này người Cao Lan ở đây quan niệm các vị thần đã có mặt cùng dân làng mở hội.
Ngày hôm sau, ban thờ đã được bày mâm cỗ cúng, các nghi lễ cúng tế theo truyền thống được tiến hành. Ông Trùm đọc bài cúng bằng chữ Hán kể lại công lao to lớn của Thành hoàng làng và các vị thần đã bảo vệ cho người Cao Lan trong vùng yên ổn làm ăn. Với sự thành kính của Trùm đình, thầy cúng và các cụ trong "hội đồng chấp sự" cùng con cháu trong cộng đồng người Cao Lan của làng kết hợp với hồi chiêng, tiếng trống nổi lên đưa tâm trạng của mọi người hòa vào không gian thiêng của lễ hội, những người dự lễ hội như cảm nhận sự có mặt rất gần của các vị thần linh ở cõi xa xăm hiện về.
Tiếp theo là phần hội khai hội là trò chơi tung còn, khi quả còn được tung ra mọi người không kể già trẻ, gái trai cùng hò nhau vào cướp còn, đây là trò chơi mang tính cộng đồng cao. Cùng với trò tung còn, còn nhiều trò chơi dân gian khác: Chọi gà, đẩy gậy, đánh đu, đấu vật, đá bóng… Ngoài ra, còn một số hoạt động văn hóa mang nét đặc trưng riêng của người Cao Lan trong lễ hội truyền thống: Hát Sình ca, các điệu múa dân gian và đặc biệt là lễ tắm lửa…
Hát Sình ca và các điệu múa dân gian truyền thống: Hát Sình ca là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể điển hình mang tính truyền thống lâu đời và độc đáo của người Cao Lan, được coi là linh hồn của người Cao Lan, thể hiện giá trị thẩm mỹ, truyền thống và bản sắc văn hóa, tâm tư, tình cảm, ước vọng của con người. Ngoài điệu hát Sình ca, phải kể đến các điệu múa của người cao Lan rất phong phú và đặc sắc, các tiết mục tiêu biểu như: Múa chim gâu, múa xúc tép, múa tam nguyên, múa khai đao phát lộ, múa đâm cá, múa khai đèn, múa cờ...
Nghi lễ tắm lửa của người Cao Lan, Động Sơn, Chân Sơn.
Nghi lễ tắm lửa độc đáo của người Cao Lan: Người Cao Lan quan niệm tắm lửa là nghi lễ đón các vị thầnlinh xuống cùng vui với dân làng để phù hộ cho mọi người gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Trước nghi lễ tắm lửa khoảng 4 giờ đồng hồ thầy cúng phải bắt đầu lập đàn cúng để xin thần linh cho người Cao Lan có được sức mạnh phi thường để họ có thể lăn hoặc đi chân trần vào đống lửa. Trước sân là đống lửa to than cháy rừng rực, người Cao Lan quan niệm lửa sẽ giúp mang lại sự ấp áp, cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật. Khi tiếng gõ của ông thầy cúng vang lên, tiếng trống sành mỗi lúc một gấp gáp hơn như thúc giục các thanh niên Cao Lan bắt đầu tụ tập xung quanh thầy cúng. Trong phút chốc, người họ rung bần bật cúi xuống và bắt đầu lăn vào đống than đỏ rực hoặc lội chân trần vào rồi lấy tay xúc những đống than tung lên không trung tạo lên những đốm lửa sáng lòa... Đây thực sự là nghi lễ thu hút sự tò mò phám phá của du khách thập phương khi đến với vùng đất Chân Sơn.
Ngoài việc lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc Cao Lan tại địa phương, đây còn là dịp để nhân dân, du khách cùng tìm hiểu, trải nghiệm những giá trị bản sắc từ ngàn đời của cha ông để lại. Bên cạnh đó, việc duy trì thường xuyên các lễ cúng tại đình Động Sơn cũng mang ý nghĩa giao lưu văn hóa, tạo tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa cộng đồng các dân tộc cùng nhau gìn giữ những lễ hội văn hóa ý nghĩ đặc sắc bao đời nay cần được bảo tồn, phát huy và lưu truyền.
Lễ hội dân gian có thể coi là một loại tài nguyên du lịch nhân văn, bởi vậy, việc xây dựng, quản lý, tổ chức, phục dựng các lễ hội dân gian sao cho hiệu quả, tạo nên yếu tố kích thích sự phát triển du lịch trên địa bàn huyện là điều rất cần thiết./.