Để không còn khoảng cách
Điểm lớp mẫu giáo và nhà trẻ 24 - 36 tháng tuổi thôn Khuổi Bốc, xã Trung Minh (Yên Sơn) nằm trên một khoảng đất rộng bằng phẳng nhìn ra bạt ngàn núi đồi, xung quanh rì rào gió reo. Điểm lớp có trên 30 em học sinh, sĩ số lớp không ổn định, 100% các em là con em đồng bào dân tộc Mông, Dao, nhiều em bé chưa thể nói hoặc hiểu tiếng phổ thông vậy nên việc giao tiếp giữa cô và trò đôi khi trở thành rào cản trong dạy và học. Thế nhưng cô giáo Chu Thị Hồng Thắm, dân tộc Dao đã có 3 năm gắn bó với điểm trường khó khăn này do được các bậc phụ huynh ưu ái lựa chọn.
Thầy giáo Nguyễn Đức Trọng cùng các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Công Đa (Yên Sơn).
Vừa kết thúc tiết học “bé làm quen với đất nặn”, cô Thắm cho biết: “Có nhiều em học sinh không hiểu được tiếng phổ thông đâu, nên ngoài các tiết học chương trình dạy và học, các cô cũng tranh thủ dạy các em nói. Để dạy được các em thì mình phải hiểu, nói được tiếng dân tộc của các em”. Vậy nên, vốn là người Dao Ô gang, nghe và nói thuần thục tiếng dân tộc Dao, cô Thắm tự học thêm tiếng Mông để phục vụ công việc dạy học của mình.
Biết thêm một thứ tiếng, cũng là rút bớt đi khoảng cách giữa thầy trò, giữa phụ huynh và giáo viên. Việc vận động phụ huynh cho con đến trường ở vùng đồng bào dân tộc Mông cũng dễ dàng hơn. Cứ hết giờ lên lớp, cô Thắm lại lặn lội đến nhà học sinh nghỉ học trong ngày để hỏi thăm tình hình, vận động phụ huynh cho con đến lớp…
Bên lớp học đã tróc lớp vôi ve, cô Thắm cười bảo: “Những cô giáo trẻ mới vào nghề đôi khi cảm thấy phụ huynh người đồng bào “có khoảng cách”, nhưng không phải vậy đâu, bà con tình cảm lắm! Dạy học ở đây lâu mới biết, có mớ rau xanh ngon, phụ huynh cũng dành cho. Mùa nào thức nấy, đó là tấm chân tình không thể nào đong đếm được. Mình tận tụy hết lòng với công việc thì phụ huynh hợp tác và cũng chân thành với mình thôi…”.
Duy trì sĩ số lớp
Một thời, các thầy cô giáo vùng cao đã từng rất “đau đầu” khi tìm cách duy trì sĩ số trường lớp ổn định bởi sau những ngày mùa, ngày lễ Tết, học sinh trong lớp lại “rơi rụng” dần. Không phải do thầy cô không tâm huyết, mà vì nhiều bậc phụ huynh và chính bản thân các em học sinh chưa nhận thức được hết tầm quan trọng, ý nghĩa của việc học.
Giờ ngoại khóa của học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hùng Lợi (Yên Sơn).
Cô giáo Vũ Thùy Dung, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hùng Lợi đã có 6 năm gắn bó với ngôi trường 100% các em học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng bởi vậy cô hiểu được phong tục tập quán sinh hoạt của người dân, của các em học sinh nơi đây. Bên lớp bán trú mới được đầu tư xây dựng, cô Dung bảo: “Các thầy cô giáo không thể ngày nào cũng đến từng nhà tìm học sinh, vận động các em đi học. Vậy nên cách tốt nhất là phải khiến các em tự hình thành ý thức gắn bó với trường, với lớp. Để làm được điều đó, mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui”.
Để đảm bảo việc học, duy trì sĩ số lớp là điều quan trọng. Để duy trì sĩ số lớp, các thầy cô vùng cao dùng “sức mạnh mềm” gắn kết đó là đẩy mạnh các hoạt động phong trào bên lề. Như tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hùng Lợi, biết các em yêu thích bóng đá, phong trào bóng đá nam, nữ trong học sinh được đẩy mạnh. Các em cũng tham gia nhiều các hoạt động ngoại khóa như “Một ngày làm phóng viên nhí về phòng chống thiên tai”, các hoạt động trải nghiệm làm bánh, trồng rau, chơi các trò chơi dân gian… Cô Dung bảo “Khi tinh thần thoải mái, phong phú, thì các em sẽ tự động gắn bó, yêu thích trường lớp và chủ động trong việc học”.
Gắn kết bằng tình yêu thương
Tôi đã từng được chứng kiến một thầy giáo đồng hành với các em học sinh nhỏ bé của mình ngay trong một tiết mục văn nghệ thường ngày của trường. Thầy đứng dưới sân khấu vừa làm mẫu động tác cho các em cùng đều và đẹp, vừa chỉ vào khuôn miệng của mình để nhắc các em cười thật tươi khi biểu diễn… Đó là thầy giáo Nguyễn Đức Trọng, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Công Đa. Thầy Trọng cũng là một trong những thầy giáo có nhiều năm gắn bó với các điểm trường xa như điểm Lương Cải và Phú Đa với đa số các em là con em đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Thầy Trọng chia sẻ: “Mỗi em học sinh là một thuyền viên trên chuyến đò đáng nhớ của mình. Các em ở điểm trường xa sẽ khó khăn hơn nhiều so với điểm trường trung tâm. Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ việc học mà đường đi lại, hoàn cảnh gia đình của các em cũng cần được quan tâm rất nhiều”.
Thầy giáo trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hùng Lợi lắp xe đạp tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi bộ 10 km đến trường.
Vì điểm trường ít học sinh, nên một thời, thầy Trọng duy trì hoạt động “Đến thăm nhà bạn”. Đó là những buổi chiều nghỉ học thầy giáo cùng các em học sinh đến thăm nhà các bạn trong lớp, để nắm được hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình.
“Có những bạn, đường đến nhà không gọi là con đường, nó chỉ là lối mòn chỉ có thể đi bộ xuyên qua” - thầy Trọng bảo. Hiểu được khó khăn, thiếu thốn của các em ở điểm trường, thầy Trọng trích một phần lương của mình để mua đồ dùng học tập, sách vở. Đồng hành cùng các em học sinh điểm trường khó khăn trong suốt những năm, đối với thầy Trọng, phần quà to lớn nhất chính là sự tin tưởng của các bậc phụ huynh và tình yêu thương của các em học sinh. Món quà đôi khi đơn giản chỉ là hoa dại, rau rừng, bắp ngô, con ốc… nhưng đó là tình cảm của những bạn nhỏ ngoan ngoãn, cần cù, chịu khó, vở sạch, chữ đẹp.
Hầu hết những thầy cô giáo ở các trường vùng cao đều có một xuất phát điểm chung đó là những ngày đầu gắn bó với nghề vô cùng khó khăn. Đó là đường sá xa xôi, những cung đường gập ghềnh trơn trượt đất đá những ngày mưa lũ về, là điểm lớp không có ánh điện, là những đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống… Vượt qua mọi khó khăn đó, bằng tình yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô đã cùng đồng hành với biết bao thế hệ học sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhọc nhằn: Gieo chữ non cao.
Theo: TQĐT