Mình có gì khác họ đâu?
Chú Seo Thào chỉn chu trong từng lời nói, hành động. Mỗi lần cất giọng, anh mang lại cảm giác yên tâm và chắc chắn cho người đối diện. Đặc biệt, là người Mông, nhưng Chú Seo Thào rất ít khi uống rượu, chỉ khi nào thật vui, anh mới nhấp một chút để tỏ lòng hiếu khách và tình cảm với người mời mình. Thào bảo: Cái rượu làm mình quên mất cái não ở nơi khác, nói những lời không khôn ngoan.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Minh Lý Thị Thu Hằng bảo: Nhờ thế, mà lời Thào nói được bà con Vàng On tin tưởng tuyệt đối. Từ tin, mà làm theo. Từ tin, mà tạo thành sức mạnh cộng đồng. Sau khi đồng chí Giàng Seo Mua, nguyên Bí thư Chi bộ Vàng On trưởng thành và ra xã làm việc, Chú Seo Thào gánh việc Đảng ở Vàng On. Mới, trẻ nhưng Thào làm việc đâu ra đấy, tạo được uy tín của người đảng viên trong chi bộ và trong Nhân dân.
Bí thư Chi bộ Chú Seo Thào.
Những ngày này đến Vàng On, cả thôn mang một niềm vui mới. Tuyến đường từ xã lên thôn đang được khởi công xây dựng, tuyến đường điện cũng đã bắt đầu được kéo… Chú Seo Thào bảo: Đây đều là những công trình mà người dân Vàng On mong ước đã lâu. Có đường chuyện làm giàu mới thuận. Có điện mới sáng được cái đầu cái dạ của người trẻ người già.
Mong là thế. Nhưng khi cái đường chạm vào mảnh vườn, cái đường điện chạy qua nhà… người Vàng On cũng tiếc tấc đất của mình lắm. Cái tâm lý nửa muốn cho đi, nhưng nửa lại tiếc của, khiến bà con cứ dùng dằng mãi với chuyện hiến đất hay để dành lại cho con cháu.
Chú Seo Thào họp với dân, phân tích như này: Bao nhiêu thế hệ người Mông, người Dao ở Vàng On mong có điện, có đường. Nhà nước đầu tư ở các thôn khác của Trung Minh, người thôn họ chẳng tiếc gì, sao giờ đầu tư cho người thôn mình, mình lại tiếc? Mình có gì khác họ đâu, mà họ làm được mình lại không làm được?
Câu hỏi của Thào như tiếng chuông đá gõ vào lòng mỗi người. Chẳng ai bảo ai, họ dịch chiếc bờ rào lại một chút, dọn nhanh cái cây trong vườn để cán bộ “trồng” xuống cây cột điện, kéo đường dây mang ánh sáng về bản…
Đến chuyện đồng lòng làm đường
Vàng On có câu chuyện về hòn đá “xếp” mà người dân gọi là Pob Zeb Txawb, được thiên nhiên phong hóa có hình dáng độc đáo, thú vị, chồng lên nhau như sắp đặt. Pob Zeb Txawb dịch sang tiếng phổ thông có nghĩa là Đá Kê. Trong câu chuyện của mình, Chú Seo Thào không ít lần nhắc đến Pob Zeb Txawb, như minh chứng cho sự đoàn kết, ý chí và nội lực của người dân Vàng On.
Vàng On có nhiều đoạn đường xấu. Như đoạn đường 4 km lên Chà Lủng, hay đoạn đường từ trung tâm thôn đi Đèo Ải. Đây đều là những tuyến đường đất, mở lâu năm, gập ghềnh khiến việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn.
Một năm vài lần, trước khi khép lại năm cũ, trước khi chuẩn bị bước vào đầu năm học hay sau mỗi đợt mưa lớn, Chú Seo Thào lại tập hợp bà con, cùng góp công góp sức tu sửa lại đường. Thào bảo, trước khi được sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con mình phải làm việc trước. Muốn Nhà nước cho xi măng, cho đá đổ con đường bằng phẳng, mình cũng phải góp công san gạt con đường đẹp, để mùa xuân đi chơi hội không lấm lem bùn đất, lũ trẻ con đi học không vấp ngã, nhanh chân đến trường đón lấy cái chữ, đàn ông đàn bà đi chợ không phải mất nửa ngày đường… Mình ở vùng khó, phải vươn thẳng như cái cây trong rừng, mới đón được nắng, được gió mà lớn nhanh lớn khỏe được!
Anh Thào (ngoài cùng bên trái) kiểm tra mô hình chăn nuôi dê của người dân.
Nghe lời Thào, bà con người mang cuốc, người mang xẻng, người mang dao phát dọn… Thào khoe, ở đây, bà con đi làm việc thôn không tính đầu người đâu. Người Mông, người Dao ở đây bảo nhau: Hôm nay mình đi làm, để bù cho những người đang vắng mặt ở thôn, cho người già, người đang bị ốm. Mình đi làm cũng là để bù sau này nhà không có người hay ốm đau, mệt mỏi nữa. Nhà nào có đông người, khỏe mạnh, thì đi đông. Nhà nào ít người thì đi ít. Có nhà cả nhà cùng nhau đi làm. Những ngày ấy, Vàng On như có hội. Dù vất vả, nhưng mình chủ động làm việc có lợi cho mình, bà con không nề hà, cũng không tính đếm, so đo với người khác.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Minh Lý Thị Thu Hằng kể: Trước đây mình làm cán bộ phụ nữ, mỗi lần xuống Vàng On họp Chi hội Phụ nữ, toàn phải ngồi họp với đàn ông thôi. Là vì với người Vàng On, đàn ông trong nhà là trụ cột, là tiếng nói của cả nhà. Họp chi hội phụ nữ, nhưng quyết cái gì, đàn ông phải quyết mới được làm (?).
Sau này, thông qua các tổ chức, qua chi bộ, qua họp thôn, rồi qua tiếng nói của người có uy tín, phụ nữ Vàng On mới được đi họp Chi hội Phụ nữ. Sau này, để góp thêm tiếng nói và cũng để tạo sân chơi cho chị em Vàng On nói riêng và người dân ở đây nói chung, xã Trung Minh xây dựng Câu lạc bộ Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông thôn Vàng On.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Minh Lý Thị Thu Hằng bảo, công này, cũng nhờ Chú Seo Thào khéo nói, khéo động viên anh em, rồi chị em. Vàng On cũng là thôn không phát sinh đơn thư khiếu kiện đến xã bao giờ, vì những vụ việc nhỏ, đều được Chú Seo Thào cùng các thành viên trong tổ hòa giải thôn nắm bắt, giải quyết từ gốc.
Rời Vàng On, chia tay Chú Seo Thào, lại nhớ những câu của nhà thơ Bùi Thị Sơn: “Trai rừng/Làm cán bộ/vẫn là dân/Đôi chân trần vượt đường xa/bảo nhau xây tổ ấm…”.
Theo: TQĐT