Người Dao tiền ở xã Quý Quân (Yên Sơn) mặc trang phục truyền thống dân tộc trong ngày cưới.
Thực hiện Chỉ thị số 02-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp cùng các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vận động, hướng dẫn người dân triển khai thực hiện. Các hoạt động truyền thông được tổ chức đa dạng dưới nhiều hình thức như vận động tuyên truyền, lồng ghép qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố, trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tuyên truyền trực quan bằng treo khẩu hiệu, pano, áp phích; tuyên truyền qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo…
Tại nhiều xã, phường, việc vận động thực hiện văn minh trong việc cưới đã được triển khai tích cực. Các đoàn thể đã tích cực vận động các gia đình thực hiện nếp sống văn minh, các cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các thôn nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu; nội dung thực hiện nếp sống văn minh cũng được đưa vào quy ước, hương ước và trở thành tiêu chí bình xét, đánh giá, xếp loại gia đình văn hóa, thôn văn hóa…
Thành phố Tuyên Quang là địa bàn có nhiều chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện văn minh trong việc cưới. Nhiều đám cưới được tổ chức gọn, nhẹ, tiết kiệm, không kéo dài, khách mời chỉ tập trung vào người thân trong gia đình, không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, giảm bớt các thủ tục như thách cưới, chạm ngõ, ăn hỏi…
Đồng chí Nguyễn Văn Khiêm, Bí thư Chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố 17, phường Tân Hà cho biết, từ tháng 6-2023 đến nay, tổ dân phố có 7 đám cưới diễn ra trang trọng, tiết kiệm, không kéo dài, không mở nhạc quá lớn, không lấn chiếm lòng lề đường để dựng rạp, có đám cưới không uống rượu, bia, không sử dụng thuốc lá.
Người uy tín ở thôn Đức Uy, xã Trung Sơn (Yên Sơn) tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.
Ở một số xã, các câu lạc bộ tiền hôn nhân, cha mẹ nuôi dạy con tốt được thành lập. Cùng với đó, những phong tục tập quán tốt đẹp như cô dâu, chú rể mặc trang phục dân tộc, bà con hát các làn điệu dân ca dân tộc, hát giao duyên trong ngày vui trọng đại cũng được khuyến khích phát huy.
Đồng chí Bàn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Quý Quân (Yên Sơn) cho biết, đến nay, hầu hết các đám cưới của bà con dân tộc trên địa bàn đều được tổ chức theo nếp sống mới đơn giản, gọn nhẹ, không phô trương, nặng về hình thức. Không còn những thủ tục thách cưới nặng nề, hôn nhân dựa trên sự tự nguyện của đôi lứa, đám cưới không tổ chức dài ngày với những thủ tục rườm rà nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Từ đầu năm đến nay, 138/138 xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố đã tổ chức gặp mặt biểu dương, khen thưởng các già làng, trưởng làng, trưởng họ, người có uy tín, thầy cúng tiêu biểu trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Nhiều mô hình tiêu biểu như các mô hình điểm cấp huyện tại xã Bằng Cốc, Thái Sơn, Phù Lưu (Hàm Yên); huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Na Hang làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tộc thiểu số mặc trang phục dân tộc khi tổ chức lễ cưới. Tỉnh đoàn cũng tích cực triển khai vận động đoàn viên, thanh niên tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm với các tiêu chí không sử dụng thuốc lá, không vi phạm an toàn giao thông.
Việc thực hiện văn minh trong việc cưới không chỉ giúp nhiều gia đình tiết kiệm được chi phí tổ chức đám cưới mà còn đảm bảo thuần phong mỹ tục, kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên hiện nay việc triển khai thực hiện việc cưới văn minh vẫn còn những khó khăn, hạn chế như một số nơi chưa quan tâm, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện chỉ thị; khó khăn trong thay đổi phong tục tập quán của bà con đồng bào dân tộc thiểu số; vẫn còn tình trạng hôn nhân cận huyết, tảo hôn… Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân; cùng với đó kịp thời chấn chỉnh, phê phán những hiện tượng lãng phí, tiêu cực.