Anh Nguyễn Cường Việt (bên tay phải) cùng cán bộ Hội Nông dân thị trấn Yên Sơn thăm vườn thanh long của gia đình.
Sinh năm 1979, sau nhiều năm làm việc xa quê với đủ nghề kiếm sống nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn, anh Việt trở về quê hương. Nhận thấy mảnh đất Làng Chẩu nơi mình sinh ra và lớn lên màu mỡ, tươi tốt, rộng lớn nên anh quyết định lập nghiệp ngay tại nơi đây. Trước tiên, phải tìm hiểu loại cây trồng phù hợp, anh Việt đã đi học hỏi tại các vườn cây ăn quả tại địa phương. Anh lựa chọn chuyển đổi đất vườn tạp của gia đình sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Xác định được mục tiêu cụ thể, anh Việt quyết tâm phải tìm hiểu thật kỹ kinh nghiệm cũng như phương thức, cách trồng giống cây này. Anh tìm đến các vườn thanh long tại Bình Thuận và nhiều tỉnh thành trong nam để học hỏi, tìm tòi.
Anh Nguyễn Cường Việt sẵn sàng chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp cây thanh long giống cho người dân quanh vùng mở rộng quy mô sản xuất.
Năm 2010, Anh đầu tư gần 50 triệu đồng làm 1.000 gốc cọc bê tông rồi đem giống thanh long từ Bình Thuận về trồng thử nghiệm. Anh Việt cho biết: Thanh long là loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng, được thị trường ưa chuộng, tuy chi phí đầu tư ban đầu nhiều hơn so với các loại cây trồng khác, nhưng cho thu hoạch nhiều năm, lại không tốn nhiều công chăm sóc. Để trồng thanh long cần dựng trụ bê tông cao từ 1,8- 2m, cạnh vuông, trụ được chôn sâu 50cm, phần nổi trên mặt đất cao khoảng 1,3- 1,4m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh. Cây thanh long cho thu hoạch 10 - 15kg quả/trụ, mỗi vụ kéo dài từ tháng 4 khi bắt đầu nắng ấm đến gần cuối năm, cứ gần 1 tháng lại cho một đợt thu hoạch. Và chỉ sau 1 năm trồng cây sẽ cho quả bói đầu tiên và từ năm thứ 2 cây sẽ cho quả ổn định về năng suất.
Nhận thấy thanh long cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác lại phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, từ năm 2014 gia đình đã nhân thêm. Năm 2020, anh tiếp tục mở rộng quy mô trồng thêm 2.000 cây thanh long giống Thái Lan, thực hiện trồng theo dây chuyền kỹ thuật của Đài Loan, giúp tăng năng suất sản lượng cây trồng và rút ngắn thời gian trong khâu chăm sóc và thu hái. Đồng thời thay thế một số cây thanh long kém hiệu quả sau nhiều năm thu hoạch. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, anh Việt đã được hỗ trợ 80 triệu đồng theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh để thực hiện lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. Gia đình đầu tư thêm gần 200 triệu đồng hoàn thiện. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm sức lao động.
Vào mùa quả chín, gần 2ha thanh long của gia đình anh Việt rực rỡ màu hồng của trái chín trên nền xanh biếc của cây lá. Năng suất bình quân đạt từ 20 tấn quả/ha/năm, thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng/năm. Đây là kết quả của sự cố gắng nỗ lực không ngừng trong suốt hơn 10 năm qua của người nông dân trải qua bao thăng trầm, quyết bám trụ với đồng đất quê hương.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong trồng và chăm sóc cây, cùng với sự cần cù, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật và nhất là chú trọng sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng nên vườn thanh long của anh Việt được thương lái từ nhiều tỉnh, thành đến thu mua.
Để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, anh Việt còn sẵn sàng chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp cây, con giống cho người dân quanh vùng mở rộng quy mô sản xuất. Ông Lý Văn Tiến, Tổ Trưởng Tổ dân phố Làng Chẩu, Thị trấn Yên Sơn cho biết: học tập anh Việt, những năm qua Tổ dân phố đã phát triển trên 5 ha trồng thanh long cho thu nhập ổn định. Không dừng lại ở làm nông nghiệp. Năm 2022, anh Việt chung vốn đầu tư mở xưởng gỗ băm dăm xuất khẩu đã tạo việc làm cho 20 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Từ ý chí quyết tâm và tinh thần không ngừng học hỏi tạo nên thành công của anh Nguyễn Cường Việt sẽ là động lực để cho những người trẻ dám nghĩ dám làm và phát triển kinh tế trên chính quê hương mình./.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hằng (Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ thị trấn Yên Sơn)