Bài 1- Cuộc chiến mới
Tuyên Quang là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, với sự quan tâm của Đảng, đầu tư của Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Mặc dù là địa bàn vùng cao có nhiều chia cắt, nhưng đến thời điểm hiện tại, 100% thôn bản trên địa bàn tỉnh đã được phủ sóng điện thoại di động. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con có thêm kênh thông tin nắm bắt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và làm ăn. Tuy nhiên, đây cũng là nơi phát tán những thông tin xấu độc, không kiểm chứng, mà nếu không đủ kiến thức, tỉnh táo, người dân rất dễ bị dẫn dụ vào ma trận thông tin.
Thanh niên Na Hang tuyên truyền các ca khúc cách mạng.
Khi “cỏ dại” mọc lan
Việc tiếp cận, đăng tải thông tin của người dân chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Thế nhưng, không phải ai cũng đủ kiến thức để biết mình nên đăng tải nội dung gì, chia sẻ những thông tin như nào.
Ngày 20-8-2023, Đội An ninh Công an TP Tuyên Quang phát hiện tài khoản Facebook Hoàng Yến có hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook, bôi xấu hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân. Ngay sau khi tiến hành xác minh, đấu tranh, xác định chủ tài khoản là L.T.H.Y, hộ khẩu thường trú tại xóm 5, xã Trung Trực (Yên Sơn), lực lượng an ninh đã yêu cầu chị Y. gỡ bỏ bài viết sai sự thật, viết tường trình, cam kết và lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ, mức phạt tiền 7,5 triệu đồng…
L.T.H.Y. chỉ là 1 trong rất nhiều trường hợp bị xử phạt, yêu cầu bóc gỡ thông tin sai sự thật được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Theo Công an tỉnh Tuyên Quang, chỉ riêng trong năm 2023, lực lượng này đã đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ, xóa trên 1.200 tin bài, ảnh tiêu cực, xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội. Trong đó, huyện Hàm Yên xóa bỏ, bóc gỡ 46 tin bài ảnh; Công an tỉnh xóa bỏ, bóc gỡ 158 tin bài ảnh; huyện Lâm Bình xóa bỏ, bóc gỡ 4 tin bài ảnh, Yên Sơn xóa bỏ, bóc gỡ 8 tin bài ảnh, Sơn Dương xóa bỏ, bóc gỡ 950 tin bài ảnh…
Hay mới đây là câu chuyện ứng xử giữa giáo viên và nhóm học sinh ở Văn Phú (Sơn Dương). Mặc dù vụ việc ngay sau đó đã được UBND huyện Sơn Dương thông tin chính thức, những người liên quan đã bị xử lý theo mức độ vi phạm, nhưng trên mạng xã hội, nhiều người dùng vẫn liên tục được chia sẻ, bình luận. Mỗi nút chia sẻ lại đi kèm với nhiều bình luận, mỗi bình luận lại liên quan đến nhiều người hơn, không dừng lại ở nhân vật chính nữa.
Hậu quả khôn lường
Hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật không chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Nhiều đối tượng, do “ảo tưởng sức mạnh” trên mạng xã hội, tưởng những thông tin mình chia sẻ, đăng tải, được những người thiếu hiểu biết hoặc có ý đồ xấu tán thưởng, kích động, nghĩ mình “thay trời hành đạo” mà không biết rằng, việc làm của mình là đi ngược lại với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Vụ việc đối tượng Lê Mạnh Hà, (sinh năm 1970, trú tại thôn 23, xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang) biên soạn, đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội Youtube, Facebook nhiều bài viết, video clip có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân... Khám xét nơi ở của Lê Mạnh Hà, Cơ quan An ninh điều tra thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội.
Hành vi của Lê Mạnh Hà đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nên cần phải được nghiêm trị. Đối tượng này đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Lực lượng đoàn viên, thanh niên tuyên truyền người dân tiếp cận trên Internet.
Mới đây nhất, ngày 27/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chiêm Hóa đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Phú Tuân, sinh năm 1972, trú tại tổ dân phố Vĩnh Sơn, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang về tội Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, quy định tại Khoản 2, Điều 331, Bộ luật Hình sự.
Theo tài liệu điều tra, trong thời gian từ tháng 9/2023 đến tháng 12/2023, Lê Phú Tuân đã sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook cá nhân để phát trực tiếp (Livestream) nhiều lần, đăng tải 21 video, trong đó có nội dung không được kiểm định, không chính thống, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một số cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện Chiêm Hóa và nhiều cá nhân khác.
Các video do Lê Phú Tuân đăng tải thu hút nhiều lượt xem, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội Facebook, lan truyền nhanh trên không gian mạng, gây dư luận xấu, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào pháp luật của Nhà nước, hạ thấp uy tín của cơ quan Nhà nước; xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của những người thi hành pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Theo Công an tỉnh Tuyên Quang, chỉ trong năm 2023, lực lượng chức năng tỉnh đã phối hợp, tích cực rà soát, điều tra, thu thập thông tin, xác lập chứng cứ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Theo đó, cơ quan công an đã xác minh làm rõ và xử lý 32 vụ/32 đối tượng về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, thông tin xúc phạm uy tín, danh dự, tổ chức, cá nhân.
Không chỉ gây hoang mang dư luận, nhìn rộng hơn, nhiều vụ việc tại nhiều địa phương thời gian qua bắt nguồn từ chính những thông tin kích động, xấu độc trên Internet. Như các vụ việc kích động công nhân lao động đình công, xóa bỏ tổ chức Công đoàn hay gây rối, tụ tập đông người giai đoạn này thường bắt nguồn từ chính những thông tin kích động trên mạng xã hội.
Thời điểm này, khi chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XIV và công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng ta đang ngày càng quyết liệt, số đối tượng vi phạm, đặc biệt là cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật Đảng bị phát hiện, xử lý, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta để tung ra các luận điệu xuyên tạc, hướng lái dư luận xã hội.
Chúng rêu rao rằng, “đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên là “thanh trừng phe phái”, “đấu đá nội bộ, phe cánh”, “tranh giành quyền lực; xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên sai phạm chỉ là “trò đánh trống, khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, là chính “ta đánh ta”. Gần đây chúng còn đưa ra những quan điểm xuyên tạc, kích động dư luận rằng không ai có thể tin rằng ở Việt Nam: “Chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; chúng cho rằng đây là “Một cuộc “thanh trừng” trong Đảng ở Việt Nam”, “Không cần phải thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”; không cần gán ghép “tham nhũng” với “tiêu cực”; không cần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng; chỉ cần “thay đổi thể chế chính trị” là sẽ không còn tham nhũng...
Ông Trần Xuân Quyết, thôn 5, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho rằng, nhiều khi đọc cũng biết đó là những thông tin không có căn cứ, nhưng việc những thông tin này xuất hiện nhiều lần, trên nhiều nền tảng mạng xã hội, khiến người dân như ông cũng đôi lúc cảm thấy… “có chút gì đó đáng tin”.
Đồng chí Hoàng Quang Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Na Hang cho biết: Đối với địa bàn các xã vùng cao, nơi mà nhận thức về chính trị của người dân còn hạn chế thường rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền chống phá, tuyên truyền sai lệch các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, của địa phương; gây mâu thuẫn trong đồng bào với chính quyền cơ sở; cổ súy hành động, việc làm trái thuần phong, mỹ tục; tuyên truyền, phát tán mê tín dị đoan.
Đặc điểm của đồng bào các dân tộc là rất dễ tin người. Thông tin được phát tán không kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin bôi nhọ lãnh đạo, chống phá chính quyền, gây chia rẽ… dễ dẫn dụ đồng bào, gây ảnh hưởng rất xấu đến an ninh trật tự, phá hoại mối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phân tích ở góc độ pháp lý, Luật sư Trương Quốc Hòe, Giám đốc Văn phòng Luật sư Interla thành phố Hà Nội cho biết: “Lý do tin giả, tin xấu độc có “đất” sống là bởi các quy định của pháp luật về xử phạt đối với hành vi phát tán các tin giả, tin sai sự thật và xấu độc trên mạng xã hội còn thiếu chặt chẽ, chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe.
Do vậy, cần tăng mức xử phạt hành chính cũng như mức phạt tù đối với những người cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh mạng chưa hoàn chỉnh, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, đồng thời việc xây dựng pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng cũng đang chịu nhiều tác động bên ngoài…”.
Dù đã có nhiều biện pháp quản lý, ngăn chặn xử lý tin giả, tin xấu, độc trên không gian mạng từ các cơ quan quản lý Nhà nước nhưng các thông tin tiêu cực này vẫn liên tục được sản sinh, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn.
Cùng với các cấp, Tuyên Quang với quyết tâm không để “cỏ dại” lan tràn, làm ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân với Đảng, với Nhà nước, đã đồng bộ các giải pháp, quyết tâm xây dựng một không gian mạng trong sạch, lành mạnh, an toàn.