Đền - Đình Đầm Mây nằm trên địa bàn thôn 2, xã Lang Quán.
Di tích đền, đình Đầm Mây, nằm ở khu đất bằng phẳng giữa cánh đồng Đầm Mây thuộc thôn 2 (trước đây là thôn Đồng Danh), xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Theo các nghiên cứu khảo cổ, Đền Đầm Mây được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và đình Đầm Mây được xây dựng vào thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX) và tồn tại cho đến giữa thế kỷ XX. Đền Đầm Mây được nhân dân địa phương dựng lên để thờ phụng bà chúa Đầm Mây; đình Đầm Mây được dựng lên để thờ thành hoàng làng là ông Đặng Thanh Lợi, Lý Kỳ Nhân, Nguyễn Đình Bá, Nguyễn Đức Ông.
Đình - Đền Đầm Mây được xây dựng bên cạnh đầm Mây.
Hình ảnh Bà chúa Đầm Mây được thờ phung tại Đền Đầm Mây.
Hình ảnh về Bà chúa Đầm Mây thờ phụng tại ngôi đền Đầm Mây được lưu truyền từ đời này qua đời khác rằng: Xưa kia làng Đồng Danh có một đầm nước rất sâu, nhiều tôm cá, có cả cá bạc, cá vàng. Người dân đồn rằng đầm cá đó là của nhà Trời. Cứ vào những ngày mùng 2 tháng 2; mùng 6 tháng 6; 24 tháng 12 âm lịch hàng năm, người của nhà Trời xuống đánh cá mang về Trời. Bỗng một ngày kia, trên đầm xuất hiện hai con thuồng luồng, chúng bắt hết cá ở đầm, rồi sau đó tìm bắt cả các cô gái đẹp. Ngọc Hoàng biết chuyện liền cho nàng tiên thứ Chín là nàng Mây xuống trần diệt trừ hai con thuồng luồng.
Khi xuống trần gian, nàng Mây hoá thành cô gái Dao Quần Trắng xinh đẹp đi xuống đầm nước để diệt trừ thuồng luồng. Sau đó nàng bay về Trời và để lại số vàng, bạc, châu báu mang theo chôn ở khu đầm nước. Cảm tạ công lao của nàng Mây dân làng đã lấy tên nàng để đặt cho đầm nước, tôn nàng là bà Chúa Đầm Mây và xây dựng ngôi Đền bên cạnh đầm nước để thờ phụng. Bà chúa Đầm Mây nổi tiếng linh thiêng, người dân, du khách đến Đền lễ bái đến đền lễ bái, cầu sức khoẻ, bình an, xin ban tài, phát lộc được linh ứng. Chị Triệu Thị Minh, một người dân tại thôn 2, xã Lang Quán chia sẻ: Các cụ cao niên trong làng truyền tai nhau rằng, hễ những ai mà lấy nước ở Đầm Mây mang lên làm lễ tại Đền sau đó vẩy lên người thì người đó cả năm gia đình bình yên, làm ăn thuận lợi, phát tài, phát lộc.
Nhân dân địa phương dâng lễ tại Đình Đầm Mây.
Vào thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX) đình Đầm Mây được xây dựng bên cạnh đền Đầm Mây. Đình được coi như là ngôi nhà cộng đồng để thực hiện ba chức năng: Hành chính, tôn giáo và văn hóa. Là nơi để hội họp, bàn bạc việc làng, thờ thần của làng, tổ chức các trò chơi trong các ngày lễ tiệc.
Anh Bàn Văn Trực, Trưởng thôn 2, xã Lang Quán cho biết: Hàng năm vào dịp 2/2 âm lịch Đền - Đình Đầm Mây lại tổ chức khai hội, cầu làng để xin phép thần linh cho xuống đồng cầy cấy và cầu cúng cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt mọi người khoẻ mạnh.
Đình - Đền Đầm Mây đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố.
Cùng với đền, đình Đầm Mây, tại khu vực xã Lang Quán còn có 2 ngôi đền là đền Lương Quán và đền cô bé Minh Lương đã tạo nên một quần thể kiến trúc tâm linh độc đáo thu hút đông đảo khách thập phương và cư dân địa phương đến hành lễ, chiêm ngưỡng.
Xu thế du lịch tâm linh sẽ tiếp tục được phát triển bởi ngoài giá trị tâm linh, sản phẩm du lịch tâm linh còn lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống. Yếu tố văn hóa kết hợp tâm linh tạo nên sức hấp dẫn cho du khách tìm hiểu, khám phá. Trong thời gian tới, nhằm phát huy tối đa thế mạnh loại hình du lịch này, huyện Yên Sơn sẽ tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu về các địa điểm tâm linh tiêu biểu như Đền – Đình Đầm Mây đến với du khách thập phương./.