Với tổng số 3.800 ha diện tích đất rừng và trên 670 ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC, đây đang là thế mạnh được xã Đạo Viện phát huy hiệu quả. Trong những năm qua, xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế từ. Cùng với đó, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những cây, con giống mới, năng suất cao vào sản xuất được các tổ chức chính trị - xã hội triển khai kịp thời đã khích lệ ý chí vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng của người dân.
Hiện nay xã đang quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng với số tiền trên 32 tỷ đồng cho người dân vay đầu từ phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ việc tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy người dân phát triển kinh tế đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 37 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn hơn 22%.
Người lao động xã Đạo Viện làm việc tại công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Hải Đăng
Ông Trần Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Đạo Viện cho biết: Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã căn cứ tình hình thực tế của địa phương, từ đó phối hợp với MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã phân công cán bộ công chức, các đảng viên phụ trách đến từng hộ nghèo và hộ đoàn viên, hội viên. Trên cơ sở các nguyên nhân nghèo để tham mưu cho Ban chỉ đạo thực hiện giúp đỡ và triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục và hỗ trợ để thoát nghèo.
Trong những năm gần đây, huyện Yên Sơn đã thực hiện lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo tại cơ sở, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có giải pháp chỉ đạo phù hợp, khơi dậy ý chí chủ động, tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo. Toàn huyện Yên Sơn đã có trên 4.500 hộ hộ vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền trên 240 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo hiệu quả.
Nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện chủ động chuyển đổi cây trồng, tự lực vươn lên thoát nghèo
Huyện đang triển khai 8 dự án phát triển sản xuất, trong đó 5 dự án hỗ trợ trồng trọt, 2 dự án chăn nuôi và 1 dự án hỗ trợ trồng chuối liên kết theo chuỗi giá trị. Xác định áp dụng chuẩn nghèo mới là cơ hội để các hộ nghèo nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước nhiều hơn và cơ hội vươn lên thoát nghèo, do vậy huyện đã triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, giải quyết việc làm, học nghề được triển khai hiệu quả và tạo sinh kế để hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên.
Bà Phạm Thị Thu An, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ cho biết: Xã tập trung tuyên truyền, vận động cho bà con nhân dân nắm được các chủ trương, các chính sách của Đảng và nhà nước về các chính sách giảm nghèo, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con tiếp cận những nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh. Triển khai các chương trình, kế hoạch về giảm nghèo trong những năm qua, xã cũng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, thu nhập của bà con nhân dân được tăng lên, phát triển kinh tế và giảm nghèo ngày càng bền vững.
Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2022 - 2025 của huyện Yên Sơn giảm bình quân 3 - 4%/năm, có nhiều mô hình phát triển kinh tế được nhân rộng. Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện Yên Sơn đạt trên 52 triệu đồng/người/năm. Kết quả này chính là điều kiện để địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian tới./.
Thực hiện: Viết Kiều