Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt xem trọng vấn đề giải phóng phụ nữ và yêu cầu Đảng, Chính phủ phải tạo điều kiện thuận lợi để ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào nền chính trị nước nhà. Kế thừa và phát huy những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định, sự phát triển của đội ngũ cán bộ nữ là thước đo mức độ lớn mạnh của phong trào phụ nữ và mức độ giải phóng phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Tại Tuyên Quang, công tác cán bộ nữ là một trong những “át chủ bài” từ nhiều nhiệm kỳ để giúp phụ nữ vượt qua các rào cản, định kiến, vươn lên tự khẳng định và đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Vượt qua định kiến
Đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, chị Đỗ Thị Thu Hiền, sinh năm 1980 được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Phú, huyện Hàm Yên. Đây là xã đặc biệt khó khăn, lại có hơn 30 hộ người Mông từng có lúc theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.
Hiền kể, ngay sau khi đại hội vừa kết thúc, Hiền đã nhận được đăng ký chất vấn của đảng viên cao tuổi. Chất vấn một buổi chưa đủ, vị đảng viên già còn hẹn mai sẽ hỏi tiếp. “Gắt” thế, nhưng sau này chính người đảng viên cao tuổi ấy lại tín nhiệm nữ bí thư.
Phó bí thư thường trực đảng ủy xã Linh Phú Phan Thị Nguyệt thăm bà con vùng lũ thôn Pác Hóp.
Tại Yên Phú, chủ tịch Hội phụ nữ xã Phạm Thị Luyến cũng từng hứng “gạch đá” khi mới được bầu. Nào bị nói “chạy” mới vào được “chân” chủ tịch, nào “chắc gì đã làm được”, thậm chí có người còn bâng quơ trong cuộc họp “Yên Phú này hết người rồi hay sao”. Nhưng rồi thời gian và công việc đã chứng minh năng lực của các nữ tướng.
Đến hết năm 2023, xã Yên Phú đã về đích xây dựng nông thôn mới, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 43,5 triệu đồng/năm. Đảng bộ Yên Phú nhiều năm liền TSVM, Hội LHPN xã vững mạnh. Vui hơn, Yên Phú còn là điểm sáng trong thực hiện Đề án 78 của Chính phủ về “Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”.
Tại xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, nữ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phan Thị Nguyệt cũng từng gặp những rào cản do định kiến giới. Vốn là người Tày ở xã Kim Bình về Linh Phú làm dâu, những ngày đầu Nguyệt gặp rất nhiều khó khăn do Linh Phú có nhiều hộ dân tộc Mông, Dao. Nguyệt bảo, ngày đầu nhận nhiệm vụ chủ tịch Hội phụ nữ, có chi hội trưởng chê thẳng thừng “chủ tịch trẻ thế, không làm được đâu”.
Rồi đến khi được Đảng cử làm nữ phó bí thư thường trực Đảng ủy xã, khi chỉ đạo đại hội, Nguyệt nghe một số đảng viên cao tuổi, từng làm lãnh đạo hồ nghi “trước đây chúng tôi không làm thế”.
Nguyệt biết, đó là những định kiến giới có từ nhiều đời nay ở vùng cao và tự nhủ, phải cố gắng gần dân, vì dân hơn nữa mới xóa bỏ được định kiến.
Nhiều cán bộ nữ ở các địa phương còn gặp phải vô số những rào cản khác. Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thực sự tin tưởng, mạnh dạn bố trí, giao việc và tạo môi trường, điều kiện để thử thách, rèn luyện cán bộ nữ. Cơ chế, chính sách thu hút, tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ còn thiếu tính đột phá; các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số chưa được cụ thể hóa kịp thời và còn thiếu đồng bộ.
Công tác tạo nguồn cán bộ các cấp, các ngành có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, có những giai đoạn thiếu hụt nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ tham gia cấp ủy, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Thêm vào đó, còn có nhiều rào cản do phong tục tập quán, do địa bàn rộng, dân trí thấp. Nếu cán bộ nữ không thực sự tâm huyết trách nhiệm và không có phương pháp phù hợp từng địa bàn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực thi công vụ.
Những chủ trương quan trọng
Có thể khẳng định, công tác cán bộ nữ đã được Tuyên Quang quan tâm từ nhiều nhiệm kỳ qua. Nhờ vậy, tỉnh có tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 52,38% tổng số cán bộ toàn tỉnh. Ở cấp tỉnh, cán bộ nữ là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 29,17%, nữ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chiếm 37,2%. Các vị trí chủ chốt như Bí thư, Phó bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND, Thường trực HĐND tỉnh đều là nữ. Ở cấp huyện, tỷ lệ cán bộ nữ huyện ủy viên chiếm 20,2%, nữ là lãnh đạo, quản lý các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể và tương đương chiếm 24,51%. Ở cấp xã, tỷ lệ cán bộ nữ là ủy viên ban chấp hành đảng bộ xã chiếm 33,46%, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp xã chiếm 19,52%; nữ là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cấp xã chiếm 28,19%, nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp xã chiếm 33,62%; tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chiếm 33,67%. Nhiều chị vừa là cán bộ trẻ, vừa là cán bộ người dân tộc thiểu số. Hầu hết đều được đào tạo trình độ chuyên môn đại học trở lên, lý luận chính trị trung cấp trở lên.
Mục tiêu Đề án 15.
Nhằm tiếp tục quan tâm công tác cán bộ nữ, tháng 4-2023, tỉnh triển khai Đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh đạt tỷ lệ nữ cấp ủy viên cấp tỉnh từ 30% trở lên, cấp huyện và cấp xã từ 25% trở lên. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh từ 40%, cấp huyện 35% trở lên, cấp xã 30% trở lên. Tỷ lệ nữ tham gia MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh từ xã từ 30 đến 55% trở lên.
Giải pháp để thực hiện các mục tiêu này là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ; thực hiện đồng bộ và nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan tham mưu về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án được xác định trên cơ sở thống kê, phân tích, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số gắn với công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ kế tiếp. Vì vậy, có tính khả thi cao và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, nhất là trong chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
So với mặt bằng chung của cả nước, thì tỷ lệ cán bộ nữ - đặc biệt là nữ lãnh đạo các cấp của Tuyên Quang hiện đang cao hơn gần gấp đôi. Với việc thực hiện Đề án số 15 của Tỉnh ủy, các tỷ lệ về nữ lãnh đạo sẽ còn cao hơn hiện tại. Có thể coi đề án là hậu thuẫn lớn cho công tác cán bộ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng; khi đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 đang đến gần.
Theo: TQĐT