Người đưa thổ cẩm vượt núi
Chuyện ứng dụng công nghệ số vào đời sống đã tạo ra những bước ngoặt trong đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn khác của Tuyên Quang, giúp bà con dân tộc thiểu số trở thành những công dân số, đưa sản phẩm một nắng hai sương của mình thành hàng hóa, vượt lũy tre làng.
Nghề thổ cẩm đã có ở Lâm Bình từ bao đời. Nhưng trải qua biến thiên thời gian, nghề đã dần mai một. Chị Ma Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lâm Bình tiếc cái nghề truyền thống ở quê mình.
Chị về Thượng Lâm, kéo chị em cùng sở thích thành lập nhóm dệt thổ cẩm; về Phúc Yên, Phúc Sơn thành lập nhóm thêu; về Khuôn Hà dạy chị em dệt khăn; về Minh Quang đặt hàng may, thiết kế sản phẩm.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Sơn Phú Ma Thị Lạc (ngoài cùng bên phải) tuyên truyền vận động người dân.
Chị hướng dẫn chị em thay đổi chất liệu thêu, dệt để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, nhưng hoa văn, họa tiết của các dân tộc được khuyến khích giữ nguyên bản. Chị cung cấp nguyên liệu làm thổ cẩm, ai chưa có khung cửi chị tặng luôn khung cửi.
Hiện Hợp tác xã đã phát triển được 27 cơ sở thành viên tại địa bàn các xã, sản xuất trang phục và các sản phẩm thổ cẩm của 12 dân tộc trên địa bàn huyện. Sản phẩm từ các nhóm cùng sở thích ngày một nhiều, Hồng dùng mạng xã hội mở các phiên livestream bán hàng. HTX sau đó đoạt giải nhì Chương trình Khởi nghiệp toàn quốc năm 2022 (Starup Kite 2022). Nhiều nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội biết tiếng sản phẩm đã đặt hàng riêng để trang trí. Riêng Hồng cũng mở được 2 đại lý giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Nhờ mạng xã hội, HTX nhận được nhiều đơn hàng lên đến hàng trăm sản phẩm với dòng chữ thêu tay riêng. Khách lẻ ngày nào cũng có. Đơn hàng lớn cũng liên tục lựa chọn Thổ cẩm Lâm Bình để làm quà tặng khách quý hay theo chân lãnh đạo tỉnh đi nước ngoài. 27 thành viên của Hợp tác xã Thổ cẩm Lâm Bình, không có tháng nào nguồn thu nhập dưới 12 triệu đồng - một con số mà trước đây, họ chưa bao giờ nghĩ đến.
Điều ý nghĩa hơn, Hợp tác xã Thổ cẩm của Hồng đã làm sống lại nghề trồng bông “vang bóng một thời” ở Lâm Bình.
Thành công của chị Ma Thị Hồng càng có ý nghĩa hơn, khi thổi ngọn lửa tự tin vào những phụ nữ nông dân, để họ sẵn sàng “rũ bùn”, làm Giám đốc, Phó Giám đốc Hợp tác xã thổ cẩm, hoạch định con đường cho chị em thành viên cùng làm, cùng hưởng lợi.
Tài không đợi tuổi
Sinh năm 1990, Lý Thị Hà, dân tộc Dao Thanh Y ở thôn 16, xã Tân Long (Yên Sơn) được bầu làm Trưởng thôn năm chị vừa tròn 25 tuổi. Hà cũng là một trong những cán bộ thôn trẻ nhất ở Tuyên Quang cho đến thời điểm này.
Trong cái lý của người Dao ngày trước, con gái không cần học nhiều, không cần làm to, chỉ cần biết làm vui cái bụng của người đàn ông, biết nuôi cho đứa con khỏe mạnh là được.
Nhưng với mong muốn thay đổi suy nghĩ của đồng bào mình, thêm sự động viên của gia đình, Hà tự tin nhận trọng trách.
Giữa năm 2022, Lý Thị Hà được đảng viên trong chi bộ nhất trí bầu làm Bí thư Chi bộ. Công việc mới, nhiệm vụ mới, Hà càng nỗ lực để hoàn thành.
Chị Ma Thị Hồng (bên trái), Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp Lâm Bình làm sống lại nghề thổ cẩm.
Thôn 16 là thôn xa nhất, khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã, nhưng đã làm được gần 4 km đường bê tông, gồm cả đường trục chính và đường nhánh. Thời điểm làm đường năm 2022, việc vận động dân hiến đất vườn, đất rừng không khó, nhưng vận động dân hiến đất làm đường nội đồng thì nan giải vô cùng. Vì người dân cho rằng mất ruộng là mất hết, mất ruộng thì không có gì mà ăn. Hộ có 8 - 9 nhân khẩu cũng chỉ trông chờ vào 2 - 3 sào ruộng... Thế nên, chưa cần biết cán bộ thôn ra ruộng làm gì, đã bị người dân xua như xua tà.
Đứng trước khó khăn này, thôn phải tổ chức không biết bao nhiêu cuộc họp, mỗi cuộc họp kéo dài vài tiếng đồng hồ, để tuyên truyền vận động nhóm 9 hộ gia đình ở Đèo Trâu đồng thuận. Bí thư Chi bộ Lý Thị Hà phải đứng ra cam kết, hộ nào hiến đất làm đường, khi có các chính sách chuyển đổi nghề, hỗ trợ cây con giống sẽ được ưu tiên đầu tiên. Rồi phải “vẽ” tương lai cho bà con thấy, có đường mở rộng, sau này chuyện bán hạt thóc, hạt ngô cũng sẽ được giá hơn... Mưa dầm thấm đất, vận động mãi rồi cũng thành công. Cuối cùng 9 hộ dân sẵn sàng đồng thuận hiến hơn 100 mét vuông đất ruộng để làm đường.
Tại xã Sơn Phú, thuộc huyện vùng cao Na Hang, tỷ lệ cán bộ nữ đang “áp đảo”, nhiều vị trí lãnh đạo đều là cán bộ nữ dân tộc thiểu số như Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội Phụ nữ và Bí thư Đoàn xã.
Trước khi được bầu là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Phú vào tháng 4-2024, Ma Thị Lạc đã có 8 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân. Khi ấy chị mới 29 tuổi. Trẻ tuổi, bố mẹ cũng là nông dân, Ma Thị Lạc tâm niệm: Không đến với nông dân bằng những thứ quá cao xa, mà đem đến nông dân những thứ họ thực sự cần.
Thế nên Ma Thị Lạc đã thành công trong các dự án Vay bò trả bê do Hội Nông dân triển khai. Từ 39 con đầu dự án, đến khi kết thúc đã tăng lên 72 con. Năm 2020, Ma Thị Lạc kết nối tổ chức Phi chính phủ Tầm nhìn nhận 20 con bò cái tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo. Đến giờ, đàn bò đã có 33 con.
Ma Thị Lạc chỉ là 1 trong hơn 600 cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp xã của tỉnh Tuyên Quang. Trên thực tế, nhiều chị em được bầu giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý khi mới ngoài 30, như: Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) Lý Thị Hậu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Hòa Phú (Chiêm Hóa), Hoàng Ngọc Ánh hay chị Quan Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đại Phú (Sơn Dương)…
Họ đã chứng minh rằng tuổi tác chỉ là con số. Và giới tính không làm họ kém cỏi hơn những cán bộ lãnh đạo khác là nam giới. Sự nhẫn nại mà can đảm, sự mềm mỏng mà vô cùng cương quyết của các chị đã làm nên sức mạnh mềm, tạo nên uy tín tốt giúp các chị gánh vác việc Đảng, việc Dân.
Cứ thế, sự dịu dàng, gương mẫu và dám nghĩ dám làm vì dân của những nữ tướng ở vùng cao Tuyên Quang đã làm được những việc tưởng nhỏ mà không hề nhỏ. Chính các chị đã và đang có mặt cùng dân trong mọi việc, cùng cả hệ thống chính trị ở cơ sở đảm nhận tốt vai trò cầu nối giữa Đảng với Nhân Dân.
Theo: TQĐT