Đồng bộ giải pháp thúc đẩy kinh tế số
Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng công tác thu hút đầu tư, thu hút các doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Tuyên Quang đã sớm ký kết thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn lớn như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn FPT. Qua đó, giúp tạo thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phát triển các nền tảng phục vụ chuyển đổi số tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Các đơn vị viễn thông đã triển khai hỗ trợ các giải pháp chăm sóc và quản trị khách hàng cho các doanh nghiệp; hỗ trợ các giải pháp bán hàng thông minh cho các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh… nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Sàn Thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang hiện có 977 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 2.493 sản phẩm về nông, lâm, thủy sản, dịch vụ du lịch,… phục vụ khách hàng trên toàn quốc. Toàn tỉnh có 229 sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được giới thiệu trên Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Agribank chi nhánh Tuyên Quang giới thiệu các tiện ích của ngân hàng số, tạo thuận lợi cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch.
Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh triển khai các dịch vụ ngân hàng số, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện lợi, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán. Trên địa bàn tỉnh có 9 ngân hàng với 70 địa điểm giao dịch; hệ thống máy giao dịch và thiết bị chấp nhận thanh toán gồm có 1 ngân hàng số, 94 máy giao dịch tự động ATM/CDM, trên 64.500 QR Pay, QR code, Viet QR đang hoạt động…
Cùng với đó, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 277.000 tài khoản Mobile Money, ví điện tử (do VNPT, Viettel và MobiFone triển khai cung cấp dịch vụ) đang hoạt động để khách hàng có thể thanh toán các giao dịch trực tuyến dễ dàng, thuận tiện. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt khoảng 85%;... tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy thanh toán số, kinh tế số phát triển.
VNPT Tuyên Quang là đơn vị tiên phong chuyển đổi số và cung cấp hạ tầng số hóa cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc VNPT Tuyên Quang cho biết, đơn vị đã chuẩn bị tốt về hạ tầng số, thực hiện vận hành số và đưa công tác chỉ đạo điều hành lên môi trường số. Đồng thời, đưa khách hàng lên môi trường số và phối hợp, đồng hành triển khai được rất nhiều các sản phẩm, giải pháp phục vụ cho quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp như: hóa đơn điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử… cho trên 7.000 tổ chức, doanh nghiệp, từng bước góp phần xây dựng nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Khơi dậy đổi mới sáng tạo
Nhằm bắt kịp với xu thế toàn cầu hóa, ứng dụng công nghệ số, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực thay đổi công nghệ, đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành. Đồng thời, ứng dụng các nền tảng mạng xã hội đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm… đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sức cạnh tranh của thị trường.
Theo anh Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Chính Hòa (TP Tuyên Quang): Công ty TNHH Chính Hòa đã chủ động chuyển đổi số mạnh mẽ từ quản lý nhân sự, quản lý phương tiện, sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử, chữ ký số. Đặc biệt, công ty đã thành lập đội ngũ nhân sự phụ trách quảng bá hình ảnh, sản phẩm, tìm kiếm, chăm sóc, tư vấn, giao dịch với đối tác, khách hàng trên môi trường số. Đến nay, lượng khách hàng giao dịch trên môi trường số chiếm 40% tổng doanh thu và đang có xu hướng tăng dần qua các năm.
Đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh tiên phong sử dụng ứng dụng số thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Mô hình chợ 4.0 (còn gọi là chợ công nghệ số, chợ thanh toán không dùng tiền mặt) được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh đến tận các vùng nông thôn đã phát huy hiệu quả tích cực. Mô hình này giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Các tiểu thương và khách hàng có thể thanh toán giao dịch bằng cách quét mã QR Code (mã phản ứng nhanh) hay chuyển/nạp tiền qua các ứng dụng nhanh chóng, thuận tiện.
Anh Tướng Văn Kiên, tiểu thương chợ Bợ, xã Bình Xa (Hàm Yên) cho hay: Anh đã có thâm niêm hơn chục năm bán hàng ở chợ. Tháng 9-2023, anh bắt đầu tham gia mô hình chợ 4.0. Anh thấy hình thức này rất tiện và đơn giản, người bán không còn phải lo tiền lẻ để trả lại cho khách. Qua điện thoại thông minh quét mã QR, số tiền cần thanh toán hiển thị chính xác từng con số. Tiểu thương không lo nhận phải tiền giả hay mất cắp khi mang nhiều tiền mặt bên người. Cuối ngày, anh nắm bắt được ngay các khoản thu chi trong ngày, không phải tính toán thủ công như trước.
Hiệu quả mang lại
Thực tế, việc triển khai các ứng dụng số trong hoạt động kinh doanh giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Hiệu suất giải quyết công việc có thể được thực hiện nhanh chóng hơn và dễ dàng hơn thông qua xử lý tự động, chia sẻ thông tin, dữ liệu trên các nền tảng điện tử, ứng dụng số. Các đơn vị viễn thông, công nghệ thông tin tích cực triển khai các ứng dụng số giúp cho quá trình chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực diễn ra nhanh chóng và phổ cập ứng dụng số đó đến từng người dân biết và sử dụng, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển và để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Từ đó tạo ra các công dân số, mang lại lợi ích rõ ràng mỗi người dân và cho toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế số đóng góp vào phát triển chung của tỉnh.
Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê, ước tính tỷ trọng tăng thêm của kinh kế số trong GRDP của tỉnh Tuyên Quang năm 2023 là 6,19% (năm 2020 là 5,48%; năm 2021 là 5,84%; năm 2022 là 6,02%). Kinh tế số ngành lĩnh vực chiếm chủ yếu, như: thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, vận tải,... Như vậy, tỷ trọng tăng thêm của kinh tế số tỉnh Tuyên Quang năm sau có tăng hơn so với năm trước.
Những kết quả trên là do sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, thách thức về chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Tuyên Quang đã triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, giúp các ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và người dân triển khai hoạt động, quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng dịch vụ số đạt hiệu quả cao.
Mục tiêu của Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15 - 11 - 2021 của BCH Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVII) về Chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định: Đến năm 2025, kinh kế số chiếm 20% trong GRDP của tỉnh và đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% trong GRDP của tỉnh. Để đạt mục tiêu trên đòi hỏi, các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục triển khai những chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời, huy động các doanh nghiệp nhỏ và vừa tích cực tham gia nền tảng số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm từ ứng dụng công nghệ số, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số phát triển. Chú trọng công tác hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế số, thương mại điện tử trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn Thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang.
Các doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh hơn nữa phát triển xã hội số, phổ cập dịch vụ Internet băng thông rộng đến hộ dân và phủ sóng di động 4G/5G trên phạm vi toàn tỉnh. Các cấp, các ngành và địa phương chú trọng hơn nữa tới việc phổ cập cho người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng thanh toán số và được bảo đảm an toàn thông tin mạng…
Bài, ảnh: Lý Thịnh