Khánh thành nhà đại đoàn kết tại hộ gia đình ông Lương Văn Ngô, thôn Chương, xã Hùng Lợi.
Tính đến hết ngày 6/5/2025, huyện Yên Sơn đã hoàn thành việc xóa 1.811 ngôi nhà tạm, nhà dột nát, đạt 100% kế hoạch đề ra. Một con số ấn tượng không chỉ bởi quy mô, mà còn bởi thời điểm hoàn thành sớm so với dự kiến. Đằng sau kết quả ấy là cả một quá trình vận động, phối hợp và huy động nguồn lực đầy bài bản, khoa học và đặc biệt "khéo".
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Đỗ Hùng Đức trao tiền hỗ trợ làm nhà cho hộ gia đình bà Hoàng Thị Mười xã Chân Sơn.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Điểm nổi bật trong hành trình xóa nhà tạm ở Yên Sơn là sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt nhưng mềm mại của cả hệ thống chính trị từ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện, đến cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn và thôn bản. Đồng chí Lê Quang Toàn, Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết: Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn đã xây dựng kế hoạch thực hiện xây dựng nhà tạm, dột nát năm 2024, 2025 trên địa bàn huyện, phân công rõ trách nhiệm, xác định từng đầu việc cụ thể cho từng phòng, ban, cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, vai trò dân vận được đặt ở vị trí trung tâm, xuyên suốt. Từ huyện đến xã, Ban Chỉ đạo đều có sự phân công cụ thể, sâu sát. Mỗi hộ được rà soát, nắm bắt từng chi tiết: ngày khởi công, vật liệu xây dựng, khả năng đối ứng, nhân lực thi công…Quá trình thực hiện được các địa phương báo cáo cập nhật từng ngày, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhờ vậy, quá trình triển khai được đảm bảo tiến độ và chất lượng. Cùng với đó, huyện cũng tích cực huy động và lồng ghép hiệu quả các nguồn lực: Ngân sách Nhà nước, nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm, chương trình an sinh xã hội, Quỹ Vì người nghèo...
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Phương kiểm tra tiến độ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã Chiêu Yên.
Đặc biệt, hoạt động “3 cùng” với dân được triển khai sâu rộng trên toàn huyện, không chỉ góp phần hoàn thành nhiệm vụ mà còn củng cố thêm niềm tin, sự gắn bó giữa chính quyền và người dân. Từ đó tạo sức lan tỏa, thu hút hàng nghìn ngày công lao động đã được đóng góp từ cộng đồng, họ hàng, người thân, từ đó giúp các hộ dân hoàn thành ngôi nhà mới.
Ban chỉ đạo xóa nhà tạm xã Mỹ Bằng thường xuyên xuống tận hộ gia đình kiểm tra việc xây dựng nhà ở tại các thôn.
Những cách làm hay từ cơ sở
Trong bức tranh chung ấy, Hội Nông dân huyện Yên Sơn là một điểm sáng tiêu biểu trong cách làm dân vận khéo, vừa sáng tạo, vừa gần gũi, chạm được đến từng hội viên nông dân, từng gia đình khó khăn. Ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Chủ tịch Hội, cho biết: “Hưởng ứng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, các cấp Hội Nông dân trong toàn huyện đã tích cực phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và huy động mọi nguồn lực với phương châm: “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của; ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”.
Từ lời hiệu triệu đầy tính nhân văn ấy, phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ. Hội Nông dân huyện đã phát động toàn thể hội viên ủng hộ Quỹ Mái ấm nông dân với số tiền lên tới trên 300 triệu đồng. Không chỉ đóng góp về tài chính, hội viên nông dân tại các xã, thị trấn còn tích cực tham gia hỗ trợ trên 1.500 ngày công lao động để giúp đỡ các gia đình tháo dỡ nhà cũ, đào móng, dọn dẹp vệ sinh khu vực làm nhà mới. Có hội viên còn hỗ trợ 100m² đất để giúp hộ gia đình khó khăn có mặt bằng xây dựng.
“Chúng tôi coi đó không chỉ là trách nhiệm, mà là tình cảm. Bởi mỗi ngôi nhà mới lên là thêm một hội viên được tiếp sức, thêm một gia đình có điểm tựa để ổn định cuộc sống”, ông Hiền xúc động nói.
Cán bộ hội viên nông dân huyện Yên Sơn ủng hộ Quỹ "Mái ấm nông dân".
Cán bộ, hội viên nông dân "3 cùng" giúp người dân san nền nhà.
Không đứng ngoài cuộc, Hội Cựu chiến binh huyện Yên Sơn đã phát động phong trào đóng góp 20.000 đồng/hội viên vào Quỹ “Nghĩa tình Cựu chiến binh”. Với cách làm “tích tiểu thành đại”, Hội đã quyên góp được được 132 triệu đồng. Cùng với sự giúp đỡ của các cấp hội Cựu chiến binh trong tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho 10 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổng trị giá lên tới 520 triệu đồng.
Cựu chiến binh Bùi Quốc Khánh, thôn 15, xã Mỹ Bằng không giấu được xúc động. Ngôi nhà cũ nát, xuống cấp của gia đình đã được thay thế bằng ngôi nhà mới xây khang trang, rộng rãi. Cùng với sự hỗ trợ 30 triệu đồng từ Hội Cựu chiến binh huyện Yên Sơn và sự chung tay giúp đỡ ngày công lao động của các hội viên chi hội Cựu chiến binh trong thôn đã góp phần rất lớn giúp ông làm nhà ở mới. Đối với ông Khánh tình cảm gắn bó, tương thân tương ái của những người lính bộ đội cụ Hồ khi trở về đời thường là điều trân quý hơn bao giờ hết.
Hội Cựu chiến binh huyện Yên Sơn trao tiền hỗ trợ làm nhà mới cho Cựu chiến binh Bùi Quốc Khánh, thôn 15, xã Mỹ Bằng.
Ngoài ra, Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ đẩy mạnh thực hiện mô hình “Phụ nữ giúp nhau viên gạch hồng” giúp hội viên phụ nữ xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Ủng hộ Quỹ Mái ấm tình thương giúp hội viên phụ nữ nghèo làm nhà ở mới; Huyện đoàn Yên Sơn tăng cường các hoạt động "Thứ 7 tình nguyện" "Chủ nhật xanh" giúp đỡ các hộ gia đình tháo dỡ nhà tạm, khởi công, đào móng nhà,...
Đáng chú ý, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, như vay hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… góp phần giúp các hộ hoàn thiện ngôi nhà mới một cách bền vững.
Lực lượng đoàn viên thanh niên phát huy sức trẻ trong các hoạt động tình nguyện giúp người dân làm nhà ở mới.
Không đơn thuần là vận động, từng xã, thị trấn đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Mỗi địa phương lại có những khẩu hiệu riêng và thực hiện một cách nhanh chóng.
Đối với xã Hùng Lợi, càng khó khăn thì tinh thần đoàn kết càng được phát huy. Đây là nơi có thách thức lớn nhất trong hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Yên Sơn, một xã vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, hơn 55% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống rải rác trên các sườn núi cao. Tổng nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã lên tới 276 hộ, con số cao nhất toàn huyện, trong đó có 131 hộ xây mới, 145 hộ sửa chữa. Với điều kiện đi lại khó khăn, xe vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng tốn nhiều công sức, chi phí xây dựng ở Hùng Lợi luôn cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung. Trong khi đó, mức hỗ trợ 60 triệu đồng của Nhà nước chỉ đáp ứng được một phần chi phí. Bài toán đặt ra cho cấp ủy, chính quyền xã là: làm thế nào để huy động được lực lượng, nguồn lực và sự đồng thuận cao nhất từ nhân dân để hiện thực hóa mục tiêu?
Ông Bàn Văn Thân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hùng Lợi cho biết: xã đã phân công cán bộ xã phụ trách từng hộ, để trực tiếp theo dõi, vận động, hướng dẫn, đồng thời kêu gọi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cùng tham gia giúp đỡ. Đồng thời, triển khai hiệu quả hình thức hỗ trợ “chìa khóa trao tay” cho 11 hộ có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tự làm nhà. Theo đó từ khâu thiết kế, tổ chức nhân công, đến khi bàn giao nhà mới, đều có sự đồng hành của chính quyền và các tổ chức. Nguồn lực xã hội hóa cũng được huy động tối đa từ các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, bản thân các đồng chí lãnh đạo xã phải đi đầu trong thực hiện việc giúp đỡ những hộ này, trong năm qua, riêng đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã đã huy động, kết nối được một số doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh được hơn 100 triệu đồng, giúp đỡ được 7 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cụ thể như hộ gia đình anh Lầu Văn Hành, thôn Toạt, bệnh nhân chạy thận, không còn khả năng lao động, không có nguồn đối ứng. UBND đã tiếp nhận 30 triệu đồng nguồn hỗ trợ từ nhà hảo tâm và trực tiếp đứng ra phân công người giám sát, tổ chức thi công giúp gia đình. Hay như hộ gia đình anh Sầm Văn Vui, thôn Yểng, gia đình có tới 9 nhân khẩu, không có tài sản, nhà cửa tạm bợ. Xã đã phân công Ban Chỉ huy Quân sự xã phụ trách xây dựng toàn bộ ngôi nhà mới cho gia đình anh. Ngoài ra, gia đình cũng nhận được hỗ trợ 30 triệu đồng làm nhà mới từ các nhà hảo tâm.
Anh Lầu Văn Hành (áo đen), thôn Toạt, xã Hùng Lợi, bênh nhân chạy thận nhân tạo nhận hỗ trợ tiền làm nhà mới.
Còn đối với xã Đội Bình là địa phương hoàn thành xóa nhà tạm từ tháng 1/2025. Theo ông Lê Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã: “Việc xóa nhà tạm, dột nát đã được xã thực hiện một cách khoa học, hiệu quả và bền vững từ những năm trước trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2022 đến nay, xã đã huy động các nguồn lực xã hội hóa xây mới và sửa chữa 42 ngôi nhà, với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.” Nhờ làm sớm, làm bài bản, nên đến năm 2025, xã chỉ còn 05 ngôi nhà tạm dột nát cần xóa nên việc hoàn thành kế hoạch chung của huyện rất nhanh chóng. Điều này đã góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Ngôi nhà mới xây khang trang mang lại niềm vui cho người dân xã Đội Bình.
Hay như xã Thái Bình, với mục tiêu đặt ra là “Khởi công sớm, hành động nhanh”, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chúng tôi đã sớm khởi công toàn bộ 13/13 ngôi nhà từ tháng 3/2025. Ngoài tuyên truyền, vận động, xã còn kết nối với các doanh nghiệp cung cấp vật liệu để ứng trước cho các hộ nghèo có điều kiện xây dựng ngay.”
Những câu chuyện cảm động
Chính nhờ sự vận động khéo léo, đồng bộ và đầy tính nhân văn ấy, phong trào xóa nhà tạm ở Yên Sơn không chỉ dừng lại ở phạm vi chính sách, mà đã trở thành một phong trào tự giác trong cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con em quê hương làm ăn xa đã chủ động ủng hộ tiền của, vật liệu và ngày công để góp phần dựng lên những mái ấm nghĩa tình.
Một trong những câu chuyện điển hình cho tinh thần “lá lành đùm lá rách” và hiệu quả của công tác dân vận khéo là trường hợp của bà Đặng Thị Giàu, 76 tuổi, người dân tộc Dao, ở Tổ dân phố Cầu Trôi, Thị trấn Yên Sơn. Dù đã cao tuổi, chồng mất từ hơn chục năm nay và hiện đang sống cùng con trai út, bà Giàu vẫn giữ một tinh thần sống chan hòa, nghĩa tình với xóm làng. “Tấc đất tấc vàng”, mảnh đất bà đang ở rất quý giá đối với hộ thuần nông như bà. Ấy vậy mà, khi gia đình anh Đặng Văn Thắng, hàng xóm của bà, không may bị hỏa hoạn thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà hồi đầu năm, bà Giàu đã tình nguyện hiến gần 100m² đất giáp ranh đất nhà mình để anh Thắng có chỗ dựng lại nhà mới. “Đất là quý, nhưng giữ lại cũng không giúp mình giàu hơn. Cho đi một phần đất, nhưng giữ lại được tình làng nghĩa xóm. Vậy là đủ,” – bà Giàu nói mộc mạc.
Còn anh Thắng xúc động chia sẻ: “Biết tin gia đình được hỗ trợ làm nhà tôi rất mừng, nhưng đi kèm là nỗi lo: đất không đủ, nhân lực không có. Nếu không có phần đất được bà Giàu cho, có lẽ chúng tôi phải đi mua đất, mà kinh tế thì quá khó khăn. Nhờ bà mà chúng tôi mới đủ điều kiện làm nhà, vợ chồng tôi thật sự biết ơn. Đến nay, ngôi nhà đã mới đã hoàn thành đã mang lại niềm hạnh phúc to lớn cho gia đình.
Việc làm của bà Giàu đã khiến nhiều người cảm phục, từ đó lan tỏa tinh thần đoàn kết, sẻ chia – chính là cốt lõi của dân vận khéo.
Ngôi nhà của anh Đặng Văn Thắng (áo xanh đen, ở giữa) đang dần được hoàn thiện nhờ được bà Đặng Thị Giàu hiến 100m2 đất để xây dựng.
Còn với câu chuyện của thầy giáo Đặng Việt Thắng, giáo viên trường Trung học cơ sở Thắng Quân. Xuất phát từ tấm lòng người thầy muốn đem đến cho các em học sinh những giá trị cuộc sống về tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Ngôi trường nằm trên địa bàn thị trấn Yên Sơn, nơi có nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phải sống trong những ngôi nhà ở dột nát, hư hỏng. Anh đã đứng lên kêu gọi bạn bè, người thân qua mạng xã hội giúp đỡ một phần kinh phí hỗ trợ được 2 hộ làm mới và sửa chữa nhà tại tổ dân phố Làng Chẩu. “Bân thân tôi chỉ mong rằng các em học sinh của mình được sống trong môi trường tốt nhất, được học tập và phát triển. Mỗi sự kêu gọi của mình dù không lớn nhưng cũng phần nào góp sức cùng địa phương hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.” Thầy Thắng bộc bạch.
Em Nguyễn Văn Tu, Tổ dân phố Làng Chẩu, Thị trấn Yên Sơn chia sẻ, thầy Thắng không chỉ kêu gọi hỗ trợ vật liệu xây dựng để gia đình em làm nhà mới, mà còn mua con giống để em có thể tự vươn lên phát triển kinh tế, an cư lạc nghiệp. Em cảm thấy rất biết ơn sự quan tâm, động viên, chia sẻ của thầy.
Thầy giáo Đặng Việt Thắng (áo đen) đến thăm ngôi nhà của gia đình em Nguyễn Văn Tu, Tổ dân phố Làng Chẩu, Thị trấn Yên Sơn.
Không còn mái nhà dột nát, không còn cảnh màn trời chiếu đất trong những ngày mưa gió, mỗi ngôi nhà mới hoàn thành là một "trái ngọt" từ lòng dân, là minh chứng sống động cho hiệu quả của công tác dân vận khéo. Khi mỗi tổ chức vào cuộc bằng tấm lòng, mỗi cán bộ bám dân bằng trách nhiệm, và mỗi người dân đồng hành bằng tình nghĩa, thì hành trình xóa nhà tạm trở nên nhân văn sâu sắc và đầy cảm hứng, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong lòng mỗi người dân. Yên Sơn đã chứng minh rằng dân vận khéo không chỉ là khẩu hiệu, mà là một phương pháp hành động hiệu quả, cụ thể – để biến ý Đảng, lòng dân thành ngôi nhà mới, cuộc sống mới cho hàng ngàn gia đình khó khăn. Với sự chung tay, đồng lòng của cả cộng đồng, hành trình không để ai bị bỏ lại phía sau đang dần trở thành hiện thực trên vùng quê cách mạng Yên Sơn./.
Thực hiện: Thùy Dung