Tư liệu của ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ cho biết, Bác bắt đầu viết di chúc vào ngày 10/5/1965. Liên tiếp 3 ngày sau đó, mỗi ngày Bác viết tiếp khoảng 1 tiếng vào buổi sáng. Tới ngày 14, Bác viết tiếp và hoàn thành. Bác cho di chúc vào phong bì, đưa cho ông Vũ Kỳ và dặn giữ cẩn thận, đến dịp này sang năm lại đưa cho Bác.
Vậy là cứ đến sinh nhật Bác hằng năm, ông Vũ Kỳ lại mang bản di chúc ra để Bác bổ sung rồi lại giao lại. Có nhiều thay đổi trong di chúc tùy theo tình hình thời sự. Năm 1966, Bác thêm phần tự phê bình và phê bình trong Đảng và nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1967, Bác xem lại di chúc nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết thêm 6 trang, gồm một số việc riêng và một số công việc cần làm sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Ngày 19/5/1969, Bác sửa di chúc lần cuối.
Rất ngắn gọn, Di chúc của Bác Hồ cho thấy Người không quên một ai và không quên việc gì. Có thể coi đây là một bản tổng kết thực tiễn, định hướng tương lai và là một cẩm nang cho Đảng ta trong quá trình tiếp tục tiến lên phía trước.
Những lời căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc vô cùng giản dị mà thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đồng thời thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Đó là tư tưởng về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh; Thực hiện chính sách xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, phát huy nguồn lực con người, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; Kiên định mục tiêu đi lên xã hội chủ nghĩa và thực hiện công cuộc đổi mới...
Lời Người căn dặn đầu tiên là nói về Đảng. Đó cũng là vấn đề Người trăn trở trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Quán triệt tư tưởng của Người, vấn đề đoàn kết trong Đảng luôn được Đảng ta quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Bằng chính tấm gương sáng của đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tình cảm giai cấp và tình đồng chí trong Đảng, coi đó là một nhân tố quan trọng để đoàn kết trong Đảng.
Nhấn mạnh nhân tố đạo đức khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng cầm quyền là bước chuyển trọng đại trong sinh hoạt Đảng. Đảng cầm quyền có sứ mệnh lãnh đạo giai cấp và dân tộc xây dựng thành công xã hội mới - xã hội chủ nghĩa. Để hoàn thành sứ mạng đó, Đảng ta phải “là đạo đức, là văn minh”.
Một tư tưởng nổi bật trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng trọng dân, thân dân. Để đất nước phát triển bền vững, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên thì Đảng càng phải chăm lo đời sống nhân dân, bởi đó là tiền đề vật chất để tiến tới việc giáo dục tư tưởng chính trị. Chăm lo không chỉ dân sinh mà còn dân trí, dân quyền. Có hiểu dân, hành động vì dân thì dân mới tin theo.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời căn dặn cuối cùng của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng. Ở đó, Người đã thể hiện cao độ tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với thế hệ trẻ, với các tầng lớp nhân dân ta và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Và bao trùm lên toàn bộ nội dung Di chúc là hai chữ ĐẢNG và DÂN. Đây cũng chính là mối quan tâm sâu sắc nhất trong suốt cuộc đời của Người. Đó là bằng chứng mạnh mẽ khẳng định giá trị lịch sử vô giá, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của một Văn kiện lịch sử - bảo vật thiêng liêng của đất nước. Nhắc đến Di chúc của Người, nhà thơ Tố Hữu trong trường ca Theo chân Bác đã viết “Bác đi... Di chúc giục lòng ta/ Cho cả muôn đời một khúc ca”.
Đón Xuân Giáp Thìn đúng dịp kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, chúng ta càng thấm thía những lời dặn trước lúc đi xa của Người, nguyện dốc lòng xây dựng Đảng thật trong sạch vững mạnh, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân như Bác hằng mong.