Sản phẩm chè Ngọc Thúy Sử Anh được đóng gói đẹp mắt, chất lượng cao.
Đồi chè của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh
Theo anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã, hàng năm Hợp tác xã đều bỏ ra khoản kinh phí vài triệu đồng để gửi mẫu đất về Viện Thổ nhưỡng Nông hóa để phân tích các chỉ tiêu N, K, P, Ca, Mg... làm cơ sở để sử dụng phân bón hợp lý, chuẩn dinh dưỡng, tránh tình trạng cây “bội thực” chất này, nhưng lại “đói” chất kia”.
Tất cả phân bón, thuốc trừ sâu bệnh cho chè đều có nguồn gốc hữu cơ. Anh Sử đã chủ động liên hệ với Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ Việt Nam để nhận được hỗ trợ, cung ứng thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học Anisaf SH-01, đây là thuốc trừ sâu bệnh sinh học được chiết suất 100% từ thảo mộc. Do đó, quá trình sản xuất đảm bảo về môi trường và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Nhờ được chăm sóc tốt nên năng suất chè trung bình đạt từ 6,5 - 7,5 tấn chè búp tươi/ha/năm.
Để đảm bảo giữ được hương vị đặc trưng của chè, tất cả chè búp tươi đều được hái bằng tay, theo quy chuẩn 1 tôm 2 lá và chỉ thu hái vào lúc thời tiết râm mát đầu buổi sáng, buổi chiều muộn. Cơ sở sản xuất chè của anh tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động địa phương với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Song song với việc chăm sóc chè đúng tiêu chuẩn, anh Sử còn đầu tư nhà xưởng, hệ thống dây chuyền chế biến, bao bì đóng gói chè hiện đại. Đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè bằng uy tín, chất lượng. Năm 2013, anh Sử may mắn được “trợ sức” kịp thời khi Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ tiếp tục đầu tư hoàn thiện dây chuyền sản xuất hiện đại, gồm máy sao chè, máy vò chè, máy hút chân không...
Tháng 5-2016, anh Sử được vay 500 triệu đồng với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn giúp anh thực hiện dự định đầu tư hệ thống tưới nước hiện đại cho toàn bộ diện tích chè.
Cứ 4 - 4,5 kg chè tươi sao được 1 kg chè khô, với giá bán 350 nghìn đồng/kg chè khô trung bình mỗi năm, Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh xuất bán ra thị trường từ 7 - 10 tấn chè khô, thu lãi trên nửa tỷ đồng/năm. Đến nay, sản phẩm chè Ngọc Thúy không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn vươn tới thị trường các tỉnh, thành phố khác như Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh...