Nghỉ việc về quê trồng nấm
Chị Phùng Thị Triều, quê gốc ở xã Trùng Khánh (Na Hang) trước đây. Năm 2003, chị cùng gia đình rời quê hương để nhường đất cho dự án xây dựng thủy điện. Từng trải qua những ngày đầu xây dựng đời sống trên quê hương mới vô cùng khó khăn, gia đình từ hộ nghèo, rồi đến cận nghèo, chị hiểu tầm quan trọng của việc nỗ lực phát triển kinh tế. Tốt nghiệp THPT, chị vừa phụ giúp gia đình làm nông nghiệp, vừa loay hoay tìm hướng đi mới để tạo thu nhập ổn định.
Rồi như nhiều bạn trẻ khác, chị cũng nộp hồ sơ xin làm việc tại công ty may, làm việc tại các khu công nghiệp… Thế nhưng khao khát được trở về nhà, gắn bó với quê hương, làm giàu trên chính mảnh đất của mình vẫn luôn thường trực trong cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, khuôn mặt tươi sáng.
Chị Triều (ngoài cùng) cùng cán bộ khuyến nông xã Hoàng Khai kiểm tra sự phát triển của nấm sò.
Mùa này, sắn bạt ngàn trên khắp đồi đất Tân Quang. Bên nồi sắn luộc thơm thơm, chị Triều gọi các cô, các chị trong xưởng nấm nghỉ tay quây quần. Thế rồi chị tiếp câu chuyện của mình… “Là khu vực di dân tái định cư nên nơi đây nhận được sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của huyện, của tỉnh.
Nhiều lớp đào tạo kỹ thuật nông nghiệp được mở ra nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế cho bà con. Lớp học trồng nấm sò cũng là một trong những lớp thu hút đông đảo thanh niên, bà con tham gia. Thế nhưng trồng nấm vẫn là một hướng đi rất mới, có thể có nhiều rủi ro nên sau lớp học, không một ai quyết tâm làm. Khi ấy mình cũng là một trong số đó!”.
Vẫn luôn ấp ủ hướng đi mới trong quá trình khởi nghiệp, năm 2018, chị Triều xin nghỉ việc ở công ty may và trở về quê hương, bắt đầu thử nghiệm trồng nấm sò. Vừa mày mò làm, vừa tìm hiểu thêm kỹ thuật trên mạng, vừa đi học hỏi kinh nghiệm từ những trang trại trồng nấm lớn, quá trình khởi nghiệp bằng nấm sò với 30 triệu đồng bắt đầu. Dần dần, những sản phẩm nấm sò đầu tiên cũng cho thu hoạch. Thế nhưng, quá trình khởi nghiệp không bao giờ là đơn giản, mỗi lần “thất bại”, chị Triều lại coi đó là một lần “nộp học phí” và bản thân mình phải cố gắng nhiều hơn nữa…
Nấm sò cần môi trường sạch, ẩm để sinh trưởng và phát triển tốt.
Khao khát xây dựng thương hiệu
Dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng trồng nấm, chị Triều bảo trồng nấm không quá khó, thế nhưng nó lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm. Đặc biệt quá trình xử lý, khử trùng nếu không cẩn thận hoặc lơ là một chút là sẽ hỏng phôi ngay. Nhà trồng nấm có diện tích khoảng 40 mét vuông, được che chắn cẩn thận bằng từng lớp nilong mỏng. Chiếc nhiệt ẩm kế được đặt ở đầu nhà để kiểm tra và theo dõi nhiệt độ, độ ẩm thường xuyên. Những phôi nấm trắng, khỏe được treo thành từng hàng. Để tạo môi trường cho nấm phát triển tốt thì nấm cần được cung cấp đủ nước, đủ độ ẩm, bảo quản che chắn đúng kỹ thuật.
Các quy trình làm nấm sò giờ đây đã trở nên thuần thục với cô gái vóc người nhỏ nhắn người Dao đỏ. Vào mùa làm nấm, chị Triều thuê thêm các cô, các chị cùng thôn làm việc và trả lương theo thời vụ. Nhanh nhẹn ngồi xuống cùng các cô, các chị đóng phôi nấm, chị bảo “Nấm sò ưa sạch sẽ nên không được dính bất cứ loại hóa chất nào trong quá trình sản xuất. Bởi vậy, khu nhà trồng nấm mình lựa chọn xây dựng cũng xa khu dân cư, chuồng trại để đảm bảo yêu cầu hợp vệ sinh, sạch sẽ, thoáng mát”. Hiện nay, khu trồng nấm của gia đình chị Triều có khoảng 5.000 - 6.000 bịch phôi nấm, sản lượng cho thu khoảng 2 tấn mỗi vụ. Giá bán trung bình nấm sò khoảng 30 - 40 nghìn đồng/kg.
Nghề trồng nấm sò giúp tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Nấm sò là thực phẩm được nhiều người ưa chuộng bởi thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Nấm hái đến đâu có người đến thu mua đến đấy và được giao bán ở các khu chợ lân cận, nhà hàng, quán ăn. Chị Triều hy vọng, mô hình trồng nấm sẽ phát triển hơn nữa trong thôn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Mong muốn lớn hơn nữa đó là quy mô trồng nấm được mở rộng, chất lượng ngày một nâng cao, được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Khi ấy, có thể thương hiệu nấm sò ở Tân Quang sẽ ra đời, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Với khát khao và niềm tin của tuổi trẻ, chị Phùng Thị Triều là tấm gương sáng thanh niên dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp phát triển kinh tế tại địa phương. Ngoài sản phẩm nấm sò, thời gian tới, chị Triều tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và sản xuất thêm nhiều loại giống nấm mới như nấm sò tím, nấm mỡ, nấm hương... đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường tiêu dùng.