Đại diện Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên hướng dẫn người dân trên địa bàn huyện Yên Sơn kiểm tra rễ, độ PH của đất đối với cây bưởi bị ngập úng
Thời gian qua, người nghèo trên địa bàn huyện Yên Sơn được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo do Trung ương, tỉnh và địa phương thực hiện. Các chính sách về giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, dạy nghề, tín dụng chính sách ưu đãi, nhà ở, đất sản xuất… giúp đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo trên địa bàn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm.
Để đạt được những kết quả trên, huyện Yên Sơn đã triển khai nhiều phương án, giải pháp giúp người nghèo, hộ nghèo nâng cao mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, việc đa dạng hóa sinh kế cho người dân về công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ đã tạo khí thế và động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi diện mạo các thôn, bon, buôn nông thôn trên địa bàn huyện.
Gia đình ông Hoàng Văn Vinh (thôn 2, xã Tiến Bộ) là một trong những hộ được hỗ trợ trâu từ Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của huyện Yên Sơn năm 2024. Trâu được cấp là trâu cái sinh sản, đã được tiêm phòng đầy đủ. Trước khi nhận trâu giống, ông Hùng cũng như các hộ được hỗ trợ trâu khác đã được cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cách làm chuồng trại, cách xử lý một số bệnh thường gặp. Sau khi nhận con giống, ông đã chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của ngành Thú y, để trâu phát triển, sinh sản tốt.
Ông Vinh chia sẻ: Con trâu là tài sản quý, nó sinh sản rồi tương lai mình bán có tiền, lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương hỗ trợ cho mình vậy là quý rồi.
Lãnh đạo Hội LHPN huyện Yên Sơn trao số tiền 50.000.000 đồng từ Quỹ mái ấm tình thương cho người dân, để hỗ trợ làm nhà
Ông Vũ Quang Đảm, Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ, cho biết: Tiến Bộ là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện, với xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân nói chung, đặc biệt người đồng bào DTTS ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu nhập của trên 80% hộ dân trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp… Năm 2024, thông qua hình thức áp dụng phương pháp bám sát thực tế, tận dụng tiềm năng cụ thể, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo đã mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo tại địa phương.
Theo đó, ngay từ đầu năm dựa trên cơ sở kết quả rà soát hộ nghèo và đánh giá thực trạng đời sống, kinh tế, xã hội của đồng bào DTTS ở các thôn, xã Tiến Bộ đã chọn các hộ nghèo theo từng mức độ, nguyện vọng và tiềm lực của các gia đình, để hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Xã thành lập các Đoàn công tác đến từng hộ dân nắm bắt nhu cầu để có sự hỗ trợ thiết thực, cụ thể, hiệu quả. Trên cơ sở nắm bắt nguyện vọng và điều kiện của từng hộ, xã đã đề xuất và có các hình thức hỗ trợ thiết thực, hiệu quả nhất. Việc hỗ trợ đã từng bước tạo nguồn thu nhập cho người dân, giúp nhiều hộ đồng bào DTTS tại chỗ từng bước nâng cao thu nhập, thoát nghèo.
Ông Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, cho biết: Năm 2024, huyện Yên Sơn triển khai 26 Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng kinh phí 25.225 triệu đồng. Trong đó, chủ yếu là hỗ trợ vật nuôi cho hộ nghèo, cận nghèo. Từ nguồn vốn được cấp, các xã, thị trấn đã rà soát, xét duyệt và cấp phát hỗ trợ con giống, vật nuôi, để người dân phát triển kinh tế. Nhiều địa phương linh hoạt trong công tác đa dạng hóa sinh kế cho người dân, như: Hỗ trợ giống cây trồng, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới,... để người dân phát triển kinh tế bền vững.
Trong hai năm (2023 và 2024), huyện Yên Sơn được phân bổ hơn 31 tỷ đồng từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Riêng năm 2024, huyện được phân bổ 23.869 triệu đồng. Nguồn kinh phí thực hiện các dự án, nhất là dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được huyện bố trí kịp thời, đúng người. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 15,04% và đến cuối năm 2024 phấn đấu giảm còn 11,31%.
Cùng với đó, để tạo động lực giúp người dân trong huyện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã triển khai các chương trình hành động, phong trào thi đua mang lại kết quả thiết thực. Từ đó, tạo nên sức bật giảm nghèo bền vững, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong đó, hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp của huyện đã triển khai nhiều hoạt động, nhằm đồng hành cùng người dân nghèo, nhất là đồng bào DTTS.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Sơn bàn giao trâu cái sinh sản, hỗ trợ cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Yên Sơn
Từ năm 2023 đến tháng 9/2024, MTTQ các cấp ở Yên Sơn đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội gần 3,4 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ này và sự hỗ trợ trực tiếp của các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm, huyện đã có 453 hộ nghèo được hỗ trợ làm mới nhà ở và 48 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa nhà ở; hỗ trợ sinh kế cho nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Yên Sơn vận động hội viên và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh số tiền 290 triệu đồng, để xây dựng 05 mái ấm tình thương, trị giá từ 50 đến 70 triệu đồng/căn. Bên cạnh đó, các cấp hội tặng quà, hỗ trợ kịp thời lúc khó khăn, hoạn nạn, mặt trận các cấp còn hỗ trợ sinh kế trao vốn đầu tư sản xuất, cây, con giống, công cụ, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết để an cư lạc nghiệp...
Không chỉ vậy, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, năm 2024, huyện Yên Sơn đã giải ngân 891 lượt hộ nghèo, 414 lượt hộ cận nghèo vay vốn, với kinh phí 98.474 triệu đồng. Tính đến tháng 9/2024, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt 890,47 tỷ đồng. Nguồn vốn vay của Ngân hàng luôn được giải ngân kịp thời, tạo niềm tin, động lực, để người nghèo vươn lên, nhiều hộ đã thoát nghèo hiệu quả, làm giàu từ chính nguồn vốn vay này. Đặc biệt, để người dân nông thôn có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, công tác đào tạo nghề được quan tâm triển khai thực hiện gắn với nhu cầu của thị trường. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, số lao động được tạo việc làm là 3.796 người. Huyện đã đào tạo nghề cho 665 người, trong số này tỷ lệ có việc làm, tự tạo việc làm, tăng thêm thu nhập sau đào tạo đạt trên 80%
Có thể thấy, với sự linh hoạt và đa dạng trong các sinh kế triển khai thực hiện, công tác giảm nghèo tại Yên Sơn đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực. Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.
Theo đó, huyện Yên Sơn phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm trở lên; hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ giảm trêm 4%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều. Trong đó, các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là: 100% hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần, để từng bước cải thiện, tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, tiếp cận thông tin…; các mô hình, dự án giảm nghèo theo hình thức hỗ trợ phát triển sản xuất-kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp được huyện triển khai nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu… cho người nghèo.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần cải thiện và nâng cao cuộc sống của người dân. Các hộ nghèo, cận nghèo còn được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên có động lực vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo, có thu nhập ổn định mà còn trở thành hạt nhân tích cực trong phát triển kinh tế ở địa phương./.
Theo: baodantoc.vn