A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản mùa dịch

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 đang tác động rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, trong đó có hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh với các tỉnh thành phố đã bị đứt gẫy, một số mặt hàng nông nghiệp đang dư thừa cục bộ.

Hơn 20 ngày qua, lượng sữa bò của trang trại bò sữa Hoàng Khai (Yên Sơn) đã bị ứ lại không thể vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ. Ông Lê Văn Hồi, công nhân trang trại bò sữa Hoàng Khai chia sẻ, trang trại có 33 con bò, trong đó có 14 con đang cho khai thác sữa, trung bình mỗi ngày trang trại sản xuất khoảng 100 lít sữa tươi. Thời điểm dịch Covid-19 chưa diễn biến phức tạp, sữa tươi của trang trại được vận chuyển về Hà Nội bán cho Công ty sữa Ba Vì. Nhưng từ ngày 6-7 đến nay, xe của trang trại không thể vào khu vực Hà Nội, nếu vào phải qua rất nhiều chốt kiểm dịch, mất rất nhiều thời gian, trong khi thời gian bảo quản sữa tươi lại rất ngắn, chỉ vài giờ đồng hồ. Theo ông Hồi, trang trại đang vận động công nhân mua, sử dụng sữa tươi để giảm áp lực bảo quản tuy nhiên công nhân cũng không thể “uống sữa thay cơm” nên lượng sữa tồn đọng vẫn còn khá lớn, rất cần sự chia sẻ của người tiêu dùng trong tỉnh.

Sữa tươi của trang trại bò sữa Hoàng Khai (Yên Sơn) không thể vận chuyển đi tiêu thụ buộc phải chứa vào các tanh

Các thành viên Hợp tác xã nuôi gà xã Hợp Thành (Sơn Dương) cũng đang “ngồi trên đống lửa” khi hàng vạn con gà đến tuổi xuất chuồng phải lưu lại vì thị trường sản phẩm của HTX chủ yếu là Hà Nội - địa phương đang thực hiện giãn cách. Ông Phạm Văn Hợi, Giám đốc HTX cho biết, hiện tại HTX đang dồn ứ khoảng 60.000 con gà thịt. Từ nay đến đầu tháng 9, nếu không xuất chuồng hết lứa gà này HTX sẽ cầm chắc thua lỗ, vì từ thời điểm này trở đi gà sẽ chỉ ăn, trổ lông mã mà không tăng trọng lượng. Giải pháp tình thế để giảm áp lực lượng gà lưu trại, HTX hướng đến thị trường bán lẻ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận chưa thực hiện giãn cách.

Ngoài các sản phẩm chăn nuôi, một số sản phẩm như chè, cây ăn quả, rau xanh, củ quả, thủy sản... đang bị dư thừa cục bộ do thị trường tiêu thụ thu hẹp. Chỉ tính riêng sản phẩm chè, lượng chè đang bị tồn kho ước trên 3.000 tấn, lớn nhất từ trước đến nay.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đã làm việc với Sở Công thương, Sở Giao thông - Vận tải triển khai các giải pháp hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các vùng có dịch và các vùng có nguy cơ cao. Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản cho biết, đơn vị đã rà soát lên danh sách các doanh nghiệp, HTX có phương tiện vận chuyển sản phẩm đề nghị Sở Giao thông - Vận tải cấp “Giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh” để đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đi tiêu thụ tại một số tỉnh, thành phố trong và ngoài khu vực chưa thực hiện giãn cách. Sở cũng kết nối, mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào khâu chế biến sâu nông sản và tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh.

Ông Thuấn nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp để giảm thiểu tổn thất, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác cần tích cực, chủ động theo dõi, bám sát tình hình giá cả, tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường lưu thông hàng hóa khi có cơ hội; linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất, phương thức kinh doanh. Người tiêu dùng trong tỉnh cũng nên ưu tiên, sử dụng sản phẩm địa phương nhằm đảm bảo bền vững nguồn cung hàng hóa, duy trì ổn định sản xuất và phòng tránh dịch bệnh Covid-19.

Theo Đoàn Thư/baotuyenquang.com.vn

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT Huyện mà bạn quan tâm nhất?
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 0
Hôm qua : 14