• :
  • :
CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN YÊN SƠN
Tin liên quan
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhịp sống nơi đại ngàn

Ở nơi màu xanh hút tầm mắt, cái tâm của người làng Khuổi Bốc, Bản Khẻ, Khuôn Nà, Minh Lợi, Vàng On, xã Trung Minh (Yên Sơn) luôn sáng tỏ khi quyết tâm bảo vệ gần 4.000 ha rừng tự nhiên. Với họ bảo vệ rừng là nâng bước cho cuộc sống ngày càng ấm no…

Nghe chuyện nhớ rừng

Ngôi nhà nhỏ của anh Đặng Văn Chuyên lẫn giữa rừng xanh. Người bản Khuổi Bốc nể phục anh bởi cái dáng nhỏ thó rắn rỏi, nhanh thoăn thoắt băng rừng, vượt qua những vách núi dựng đứng. Chính thức vào tổ tự quản, bảo vệ rừng từ năm 2011 nhưng khi 18, đôi mươi, anh đã cùng đám trai làng nghe lời cán bộ tự nguyện “gác giấc ngủ” cho những cánh rừng. Không chỉ riêng anh mà rất nhiều người dân nơi đây không đếm nổi dấu chân mình đã in hằn trên từng tấc đất, từng phiến đá giữ cho những cánh rừng nguyên sinh mãi xanh.

Rừng Khuổi Bốc là vị trí xung yếu trong nhiệm vụ gác rừng tại xã bởi không chỉ có hệ động thực vật phong phú mà còn là nơi bảo toàn gần 200 gốc nghiến hàng nghìn năm tuổi, lực lượng kiểm lâm của huyện cũng đặt chốt bảo vệ rừng ở ngay nơi này. Anh Phan Khánh Hà, Kiểm lâm viên phụ trách chốt bảo vệ rừng Khuổi Bốc chia sẻ, toàn xã có gần 4.000 ha rừng tự nhiên, trong đó Khuổi Bốc có hơn 500 ha. Anh Hà vừa cùng đi, vừa chỉ tay cho tôi về phía rặng nghiến xanh thẫm trên núi. Anh bảo, mỗi ngày đi tuần được nhìn thấy màu xanh này là thấy ấm lòng, yên tâm lắm. Màu xanh của cội nguồn mà những người già nơi đây mong giữ lại để thế hệ con cháu sau này biết đến nghiến, biết đến những vất vả, khó nhọc từng ngày của cha ông để giữ rừng nguyên sinh. Mỗi cây nghiến nơi đây mọc xen với những vách đá tai mèo dựng đứng, đường kính khoảng 1,6 m, đạt khoảng 500 đến 600 vanh, có cây phải cả chục người ôm mới xuể. Những cây nghiến này đều được lực lượng kiểm lâm đánh số để theo dõi. Ngoài nghiến còn có trai lý đạt tới 150 - 170 vanh với số lượng lớn được phân bố rộng khắp khu vực. Anh bảo, nơi đá tai mèo dựng đứng này chỉ có cây nghiến và trai lý là kiên cường trụ vững nhất, bất chấp thời tiết khắc nghiệt vẫn vươn cao che chở cho người dân bản xứ.

Một buổi tuần rừng của cán bộ kiểm lâm và cán bộ xã Trung Minh.

Anh Chuyên là Bí thư Chi bộ Khuổi Bốc, người ta vẫn tếu táo đùa anh khi nối tiếp cha mình là ông Đặng Văn Quang “ôm đồm” chuyện “vác tù và”, nhưng với anh việc làng, việc xóm cũng ý nghĩa như bảo vệ rừng. Anh Chuyên kể, từ ngày nhỏ đã theo cha đi tuần rừng, người làng không ai biết rừng nghiến có từ bao giờ, những người già ở đây gần 100 tuổi kể khi sinh ra đồi nghiến đã sừng sừng ở đó rồi. Nó thiêng liêng, quý báu giữ mảnh hồn làng. Cha anh từng dặn dân làng mình, đừng đi đốt nương phá rừng, thấy người nơi khác đến phá rừng là phải báo cho cán bộ để giữ rừng chứ!. Nếu phát hiện có người xâm hại rừng, nhất khi buổi đêm, các anh phải tắt hết đèn pin để bắt “lâm tặc”. Lúc đó khả năng của người tuần rừng càng được khẳng định rõ bản lĩnh.

Đêm xuống, trời đen như mực, các anh chỉ tìm tới nơi phát hiện xâm phạm bằng cách nghe âm thanh từ xa, rồi lần theo từng phiến đá, gốc cây quen thuộc trên những giông núi. Anh Hà cười giải thích, giông là đoạn bằng giữa hai đỉnh núi, nó như mốc dấu để anh cùng đồng đội đi tuần giữa rừng không bị lạc. Hiện nay, lâm tặc không ngả cây mà bắc giáo cắt bìu nghiến, nên nếu không tỉnh táo, tuần rừng liên tục với sự trợ giúp của người dân địa phương chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Vài năm trở về trước có cây nghiến lâu năm bị đổ, các anh báo cáo và được chủ trương để cây tại rừng và không khai thác để tránh việc lợi dụng khai thác ảnh hưởng đến những cây khác. Điều đó như ý nguyện của dân bản, để cây được “nằm trên đất mẹ” - Anh Hà bảo vậy.

Người làng giải thích về cái tên Khuổi Bốc theo tiếng địa phương là Suối Cạn, bởi đầu nguồn có nước nhưng khi càng xuôi con suối lại càng cạn. Người dân trong thôn phải dùng máng lần nước từ đầu nguồn về để sử dụng, họ hiểu nếu không giữ rừng con suối cũng sẽ không còn nước, không có nước thì sẽ không còn sự sống. Anh Chuyên bồi hồi nhớ chuyện người già trong thôn kể, khoảng năm 1930, trên khu rừng già Khao Gia nơi náu tựa của hàng trăm cây sến quý xảy ra vụ cháy rừng. Người dân cùng cán bộ nỗ lực cứu rừng, nhưng thật khó để giữ lại những rặng sến, thảm động thực vật bị ảnh hưởng nặng nề, cái hồ rộng, nước sâu xanh thẳm trên đỉnh Khao Gia cũng dần cạn kiệt nước. Đến năm 1991, năm hạn hán nhất, đất khô cằn, người dân từng phải chắt chiu từng giọt nước. Người làng bảo, mỗi lần rừng đau đớn vì bị cháy, bị ảnh hưởng thì cuộc sống của con người cũng nặng trĩu nỗi nhọc nhằn. Vậy là họ quyết tâm bám rừng, giữ rừng để xây mạch sống ấm no.

Mạch sống

Người dân nơi đây không để đất trống đồi núi trọc, quyết giữ trọn “lá phổi xanh” cho huyện và cả tỉnh nữa. Đồng chí Triệu Văn Thượng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Minh (Yên Sơn) chia sẻ, toàn xã có gần 1.000 ha rừng trồng, độ che phủ rừng toàn xã đạt trên 79%. Đó là niềm tự hào của xã, nếu để mất rừng, Trung Minh không còn sự sống!

Thời gian qua, cùng với các chính sách hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích của Nhà nước cho công tác phát triển rừng, việc người dân phát triển kinh tế rừng đã và đang trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn xã Trung  Minh. Đến nay, hầu hết diện tích rừng sản xuất được người dân chuyển sang trồng cây keo để làm nguyên liệu giấy và băm dăm. Khuổi Bốc có 58 hộ dân thì có 50 ha rừng trồng keo, mỡ. Đồng bào người Dao nơi đây nhìn vào rừng mà nhiệt huyết, cần mẫn làm kinh tế, bởi đất ruộng chỉ cho 1 vụ không đói là may rồi chứ nói gì đến làm giàu. Vậy nên bám rừng sẽ có cuộc sống khá thôi. Người Trung Minh bảo nhau như vậy. Những ông chủ rừng như Lý Văn Đại 20 ha, Lý Văn Chung 9 ha, Lý Văn Cam 7 ha hay gia đình Bí thư chi bộ Đặng Văn Chuyên cũng gương mẫu trồng 4 ha rừng. Anh Chuyên khẳng định, năm nay thôn còn 12 hộ nghèo nhưng cuối năm phấn đấu sẽ giảm 4 hộ. Đây là quyết tâm mà cả chi bộ hướng tới, khi mỗi người trong thôn cùng giúp láng giềng dựng lại ngôi nhà, chỉ nhau cách chăn nuôi, trồng cấy đúng kỹ thuật thì chắc chắn cái nghèo sẽ dần được đẩy lùi.

Gia đình ông Bàn Văn Minh ở thôn Minh Lợi là một trong những hộ trồng rừng có thu nhập cao ở Trung Minh. Sau nhiều năm kiên trì bám rừng, gia đình ông đã có hơn 10 ha rừng trồng chủ yếu là cây keo, trung bình mỗi năm cho thu gần 200 triệu đồng. Năm 2018 vừa qua, từ rừng trồng mà gia đình ông xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang. Cũng như ông Minh, gia đình ông Hoàng Văn Trà, thôn Khuôn Nà; Triệu Chính Quy, thôn Bản Pình; Bàn Văn Lâm, thôn Minh Lợi đều có hơn 10 ha rừng. Với họ rừng trồng là nguồn thu nhập chính. Khi có tiền trong tay họ lại đầu tư về cho rừng. Cứ như vậy, rừng ở Trung Minh luôn xanh mát là thế.

Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Văn Thượng khẳng định, với diện tích đất lâm nghiệp lớn, để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, UBND xã đã ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện ký cam kết giữa xã với các thôn, bản và giữa các khu với từng hộ dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể tăng cường phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về phát triển lâm nghiệp. Đồng thời, tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn, các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã lân cận cùng các chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Trung bình hàng năm toàn xã khai thác trên 6.400 m3 gỗ, hơn 48 tấn tre nứa các loại, góp phần nâng mức thu nhập cho người dân.


Tác giả: Theo TQĐT
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ
CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thông tin tổng hợp

Thông tin tổng hợp

Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 36,28
Hôm qua : 951